Sáp nhập 3 sở, quản lý an toàn thực phẩm vẫn chồng chéo

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:55, 13/03/2018

"Sự chồng chéo các quy định pháp luật hiện nay đang trở thành rào cản trong việc quản lý thực phẩm khiến cho việc xử phạt chưa đủ nghiêm, làm chậm việc xử lý, thậm chí không biết xử lý như thế nào”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã nhấn mạnh như thế tại Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chiều 12.3.

Hoàn thành 3 mục tiêu mà lãnh đạo TP giao

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM trong 1 năm triển khai thực hiện thí điểm đơn vị này đã hoàn thành 3 mục tiêu chính mà lãnh đạo UBND TP.HCM đã giao đó là xây dựng và ổn định bộ máy tổ chức; triển khai công tác phối hợp với các đơn vị và triển khai chương trình hành động.

Trong chương trình hành động của mình, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã xác định vừa xây dựng thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn là nhiệm vụ quan trọng nhất; đồng thời phát triển công tác truyền thông để nâng cao ý thức người dân,người hành nghề và cộng đồngvới mục tiêu quan trọng nhất là an toàn thực phẩm.

Việc xây dựng thực phẩm sạch được Ban quan lý an toàn thực phẩm TP chú trọng phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn. Đến nay đã ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 3 địa phương (Long An, Lâm Đồng và Bình Thuận)nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các địa phương trên với TP.HCM. Hiện đã có gần 60 doanh nghiệp với khoảng 150 sản phẩm đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.

Theo bà Lan đây là việc làm giúp TP kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Trong khi đó việc chống thực phẩm bẩn được đơn vị thường xuyên giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tính đến hết tháng 2.2018 Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%), ban hành 119 quyết địnhxử phạt với số tiền phạt 1.706.400.000 đồng, đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến là 803.300.000 đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận - huyện). Ngoài ra, các Đội Quản lý An toàn thực phẩm phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền phạt 44.510.000 đồng.

“Trong năm 2018 này, chúng tôi sẽ đi vào chiều sâu trong việc xửphạt vi phạm hành chính. Ngoài việc phối hợp tốt với các quận - huyện, chúng tôi sẽ phát huy hơn nữa cơ chế báo tin, tìm hiểu để khi ra quân là phải đánh trúng”, bà Lan cho biết.

Nhiều chồng chéo trongquản lý

Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM được lập ra từ 3 nguồn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và Sở Y tế) được xem là một điểm mới trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Theo bà Lan, chính điều này đã tạosự thống nhất, đồng bộ và có những giải pháp kịp thời trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Đặc biệt là lực lượngthống nhất giúp cho Ban quản lý an toàn thực phẩm TP cóđủ nguồn lực để bố trí cho các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận – huyện hỗ trợ cho địa phương.

“Nếu nhìn xuyên suốt cả quá trình thì chúng ta thấy việc thanh, kiểm tra đã đi vào chiều sâu hơn; đặc biệt chúng tôi quyết liệt hơn trong việc tham mưu xử lý nhiều vụ việc vừa qua. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình này”, bà Lan nói.

Tuy nhiên bà Lan cho rằng dù đến nay việc sáp nhập 3 sở ngành trên với mong muốn tránh được sự chồng chéo góp phần vào việc quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn, có được những giải pháp kịp thời nhưng thực tếvẫn còntiếp tục chồng chéo. Đây chính là điều khiến cho công tác quản lý an toàn quản lý thực phẩm đến nay vẫn chưa có được một kết quả khả quan.

“Sự chồng chéo các quy định pháp luật hiện nay đang trở thành rào cản trong việc quản lý thực phẩm khiến cho việc xử phạt chưa đủ nghiêm, làm chậm việc xử lý, thậm chí không biết xử lý như thế nào”, bà Lan nhấn mạnh.

Theo bà Lan hiện quy trình xử phạt an toàn thực phẩm còn quá phức tạp, nhiêu khê, nhất là xử phạt vi phạm hành chính. Chẳng hạn việc tiêm chất cấm, tiêm thuốc an thần... trong thủy hải sản và gia súc gia cầm thì sở này đổ cho sở kia, bộ này đổ cho bộ kia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đưa Nghị định 90 cho rằng những chất không nằm trong danh mục chất cấm nếu nhiễm ở gia súc, gia cầm hay thủy hải sản vẫn được phép bán ra thị trường, trừ trường hợp vượt quá ngưỡng của Bộ y tế cho phép mới tiêu hủy. Trong khi đó, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra ngưỡng. Vì vậy rất khó để có thể xử lý trong trường hợp này.

Pháp luật quy định chỉ xử lý hình sự những trường hợp sử dụnghóa chất, phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, nhưng có mấy ai sử dụng nằm ngoài danh mục đâu mà toàn là sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy pháp luật cần phải quy định xử lý những trường hợp sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm gây tổn hại đến sức khỏe của người dân chứ không thể nào quy định nằm ngoài danh mục được.

“Việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay còn phải chờ một mô hình chính thức từ cấp trên,đến khi nào Trung ương có sự thống nhất cho một cơ quan quản lý thực phẩm, chứ như hiện nay thì vẫn tiếp tục “chung sống” với sự chồng chéo này”, bà Lan nói.

Hồ Quang

Hồ Quang