Nhật Bản lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị mới?
Quốc tế - Ngày đăng : 15:14, 13/03/2018
Chính phủ Nhật Bản vào ngày 12.3 lên tiếng xác nhận một sự kiện có thể sẽ làm đảo lộn chính trường nước này trong tương lai và thậm chí có thể là một scandal chính trị lớn nhất từ trước đến nay. Đó là việc phát hiện ra tên của Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân là Akie cùng Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đã bị xóa khỏi các tài liệu liên quan đến vụ scandal về đất đai xảy ra vào năm ngoái ở Nhật Bản. Động thái giống như một sự tẩy xóa trái pháp luật này đang gây ra sức ép lớn với không chỉ Chính phủ của Thủ tướng Abe, mà còn đe dọa làm chệch hướng các chính sách quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế của Nhật Bản trong tương lai.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã chính thức lên tiếng xin lỗi ngay sau vụ rò rỉ thông tin chấn động này xảy ra, và cho biết cuộc điều tra nội bộ đang diễn ra. Nhưng có vẻ như các nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Nhật Bản chỉ hài lòng nếu vị Bộ trưởng Tài chính từ chức. Ông Taro Aso thừa nhận rằng các quan chức và nhân viên cấp dưới của mình đã có hành vi giả mạo tài liệu, và người phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho bê bối này đã bị trừng phạt và buộc phải từ chức vào tuần trước. Nhưng có vẻ như mọi thứ vẫn chỉ mới bắt đầu. Trong cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 12.3, Thủ tướng Abe tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc điều tra để tìm ra lý do vì sao điều này lại xảy ra. Tôi muốn Bộ trưởng Tài chính Aso phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự việc lần này. Vụ bê bối này đang làm rung chuyển sự tin tưởng của người dân đối với chính phủ, và với tư cách người đứng đầu tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là rất lớn và muốn gửi lời xin lỗi tới tất cả mọi người.”
Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản có thể coi là một đất nước của sự khủng hoảng. Chưa khi nào mà tần suất các cuộc khủng hoảng lại nhiều và có quy mô lớn đến thế với Nhật Bản trong khoảng hơn một năm qua. Đầu tiên là các cuộc khủng hoảng về kinh tế, khi hàng loạt tập đoàn lớn của Nhật Bản không hẹn mà gặp đều bị phát hiện đã có những hành vi gian lận về số liệu, sổ sách hay công nghệ. Điển hình như tập đoàn Nissan Motor, Mitsubishi Motors,Toshiba và mới đây nhất là Kobe Steel. Những vụ khủng hoảng này có ảnh hưởng rất lớn đối với các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, khi hầu hết đều có quy mô toàn cầu. Lấy ví dụ như tập đoàn sản xuất thép tiên tiến nhất Nhật Bản Kobe Steel. Hãng này cung cấp các sản phẩm thép chất lượng cao cho rất nhiều nhà sản xuất danh tiếng trên khắp thế giới, như hãng máy bay Boeing. Và giờ đây khi Kobe Steel thừa nhận đã có hành vi gian lận số liệu thì cả thế giới đang rùng mình khi nghĩ về chất lượng của những chiếc máy bay được sản xuất từ thép của tập đoàn này.
Vụ scandal liên quan đến Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân là Akie xảy ra vào năm ngoái. Nó liên quan đến việc bán đất với giá rẻ mạt cho Moritomo Gakuen - một hệ thống giáo dục sau đó đã nộp đơn xin phá sản, làm dấy lên những tin đồn về sự mờ ám liên quan đến gia đình Thủ tướng Abe. Mọi việc có vẻ như được lắng xuống sau đó, khi Thủ tướng Abe cùng Đảng Dân chủ Tự do của mình đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng giờ đây,việc chỉnh sửa hồ sơ trái pháp luật này lại đang khiến vụ scandal đó quay trở lại, và trở thành mối đe dọa lớn không chỉ với nội các hiện nay của Nhật Bản, mà còn với tương lai của quốc gia này.
Vụ bê bối lần này được dự báo có thể sẽ khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải từ chức nếu như không thể kiểm soát được nó. Chính ông Abe vào năm ngoái đã tuyên bố với Quốc hội rằng sẽ từ chức nếu có mối liên hệ nào giữa vợ chồng ông với dự án đất đai của Moritomo Gakuen. Hiroshi Shiraishi, nhà kinh tế học cao cấp tại BNP Paribas SA có trụ sở ở Tokyo, cho biết: “Vấn đề đặt ra là liệu vụ bê bối này có dừng lại ở đây hay không. Nếu không, sức ép sẽ ngày càng gia tăng lên Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Nếu ông Aso phải từ chức, thì Thủ tướng Abe sẽ là người tiếp theo bị công kích.” Nếu kịch bản này xảy ra, thì Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị lớn, khi mà Đảng Dân chủ Tự do có thể sẽ mất quyền lãnh đạo nếu cả ông Abe và Aso phải từ chức.
Tầm quan trọng của Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso với Chính phủ Nhật Bản hiện nay là quá lớn. Ông Aso, 77 tuổi, là lãnh đạo kỳ cựu khi đã giữ những cương vị quan trọng như Phó thủ tướng và giờ đây là Bộ trưởng Tài chính. Ông Taro Aso cũng là người có vai trò quan trọng nhất trong các chính sách thương mại của Nhật Bản, khi giữ trách nhiệm đàm phán về các vấn đề kinh tế với Tổng thống Mỹ Donald Trump, và phần nào là cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết tại Chile.
Ở thời điểm hiện tại, sự ủng hộ của người dân Nhật với Chính phủ của Thủ tướng Abe đã giảm khoảng 6% xuống còn mức 48%, và khoảng 70% số người được khảo sát cho biết ông Aso nên từ chức. Đồng yen cũng đang bắt đầu rơi vào biến động sau khi Tokyo thừa nhận các thông tin nói trên. Vụ bê bối này đang khiến cho những nỗ lực cải cách nền kinh tế và thị trường lao động của Thủ tướng Abe bị gián đoạn, và trong trường hợp xấu nhất có thể khiến nỗ lực điều chỉnh hiến pháp liên quan đến quân đội Nhật Bản của Đảng Dân chủ Tự do bị phản đối. Một Nhật Bản rơi vào khủng hoảng cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự sẽ là một yếu tố tác động rất lớn đối với các vấn đề của khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)