Kỳ 1: Người về từ Gạc Ma
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:46, 14/03/2018
“Ngái ngôi chi mà phải mất 25 năm trời”
Cựu binh Lê Hữu Thảo nay đã 54 tuổi, và với anh, trận hải chiến trên đảo Gạc Ma ám ảnh suốt cuộc đời, bởi theo anh đó là: “Đất đai hương hỏa, là máu của đồng đội, là tình thương yêu, mối day dứt bao nhiêu năm chưa thể trả”.
Anh Thảo viếng mộ đồng đội
Sử sách còn ghi lại phù hợp với lời kể của người lính Lê Hữu Thảo. Khoảng 6 giờ sángngày 14.3.1988, từ 2 tàu hộ vệ tên lửa mang số 502 và 531 đậu tại phía nam bãi đá Gạc Ma, Trung Quốc bất ngờ thả 3 thuyền nhôm đổ 58 lính thủy quân lục chiến trang bị vũ khí hạng nặng lên bãi đá Gạc Ma, lúc này đã có khoảng gần 50 chiến sĩ hải quân và công binh Việt Nam đóng giữ cùng 3 lá cờ.
Cựu binh Lê Hữu Thảo kể: “Thực hiện quyết tâm giữ đảo, cũng như tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên: Không được phép tự ý nổ súng trước để Trung Quốc lấy cớ leo thang xung đột dẫn đến chiến tranh tổng lực, các chiến sĩ hải quân và công binh Việt Nam đã chiến đấu, giành giật lá cờ Tổ quốc với lính đổ bộ của Trung Quốc bằng tay không, kiềm chế đến mức tối đa, không nổ súng trước để Trung Quốc lấy cớ phát động chiến tranh xâm lược toàn bộ quần đảo Trường Sa”.
Nhưng lính Trung Quốc đã nổ súng sát hại anh hùng Trần Văn Phương và đâm bị thương nặng hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Chứng kiến đồng đội hi sinh và bị thương nặng trong vũng máu ngay trước mặt, ý chí của những chiến sĩ hải quân Việt Nam không hề suy giảm, họ vẫn quyết tâm ở lại giữ đảo, mặc cho sự đe dọa của lính Trung Quốc.
Thi thể của anh hùng Trần Văn Phương được đưa về cụm đảo Sinh Tồn, Lê Hữu Thảo áp tải theo về đảo, suốt đêm canh giữ thi hài người đồng đội, cũng là thủ trưởng. Anh Thảo kể: “Anh Phương thương anh em lắm, có gì cũng sẻ chia, biết anh em khổ cực, thủ trưởng của tôi luôn nhường những phần ưu tiên của mình để đồng đội cùng được hưởng”.
Rồi cuộc hải chiến Gạc Ma đi qua, anh Thảo được phục viên, trở về quê, nhưng không biết người thủ trưởng của mình ở làng quê nào tại Quảng Bình để đến hương khói. Mãi 25 năm sau, vào năm 2013 được sự giúp đỡ của một số nhà báo, anh Thảo mới vào được làng Đơn Sa, đến nghĩa trang liệt sĩ xã viếng mộ phần thủ trưởng của mình.
Biết anh Phương còn người mẹ Hồ Thị Đức còn sống, Thảo tìm bằng được và đưa mẹ ra nghĩa trang Tổ quốc ghi công. Trước nghi ngút khói hương, Thảo nói: “Em về với anh, mãi 25 năm mới tìm được quê anh, Hà Tĩnh vô đây có ngái ngôi chi, rứa mà phải mất 25 năm trời,gặp anh, gặp được mạ (mẹ) em xin kính hương về sự chậm trễ này”.
Cuộc trùng phùng giữa người lính Trường Sa với mẹ của người anh hùng Gạc Ma diễn ra đầu năm 2013 trong khói hương ngưỡng vọng, anh Thảo gọi mẹ Đức bằng từ “mạ” địa phương suốt cuộc gặp gỡ, mẹ Hồ Thị Đức nhìn người cựu binh Trường Sa như đứa con của mình đẻ ra, bà khóc như gặp lại con mình.
Về thăm nhà ở làng Đơn Sa, mẹ Đức cứhỏi anh Thảo: “Con ăn chi để mạ nấu?”, nhà mẹ cũng khó khăn, anh Thảo nhìn thấy lạc và ngô rang liền nói: “Cho con mớ lạc rang, mớ ngô rang này về quê như là kỷ niệm mạ cho những đứa lính từng chiến đấu bên anh Phương của con”.
Cựu binh Lê Hữu Thảo gặp lại mẹ Hồ Thị Đức, người mẹ của anh hùng Trần Văn Phương, tại Đơn Sa, Quảng Phúc, Ba Đồn, Quảng Bình
Người lính bao giờ cũng thế, giản dị, phần quà họ nhận cũng là từ chính của đồng quê từng nuôi nấng bao người. Trong trận chiến đó, một đồng đội của anh tên Hải, bị bỏng nặng, trôi lững lờ trước biển, anh đã bất chấp các luồng súng đạn, bơi đến cứu đồng đội, hiện anh Hải đang làm tại một cơ quan nhà nước ở Thanh Hóa. Từ cuộc trùng phùng đó, năm nào anh Thảo cũng tìm về với mẹ Đức.
Vượt qua khó khăn
Lê Hữu Thảo ra quân vào cuối tháng 7.1988 với quân hàm Trung sĩ, về quê làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Có thời gian đi lao động nước ngoài mong kiếm được chút vốn về quê làm ăn nhưng số phận lại không cho anh như ý, tiền bạc kiếm được đều thất bát, trở lại quê nhà chẳng khá hơn khi chưa đi nước ngoài.
Cuộc sống của anh có khi cùng quẫn, anh muốn tìm đến một kết thúc nào đó, nhưng rồi nghĩ lại cuộc chiến Gạc Ma, nghĩ đến lời thề trước khi anh Phương mất: “Cố gắng đến thăm mạ của Phương ở quê, gửi lại cho mạ kỷ vật là cái nhẫn vàng để mạ chuyển đến vợ ở quê”, thế nên gắng sống. Về kỷ vật, anh đã trao lại cho thủ trưởng hải quân cấp trên, và kỷ vật đã về đúng địa chỉ, nhưng lời hứa gặp “mạ” một lần đã thôi thúc anh phải làm được điều đó vào đúng 25 năm sau khi thực hiện được hồi năm 2013.
Nay đã tuổi 54, người cựu binh trở về từ trận hải chiến Gạc Ma đã lập gia đình và có căn nhà ấm cúng. Hiện anh có một trại vịt biển bên bờ biển ở Hà Tĩnh. Hỏi anh có nguyện vọng gì, anh chỉ ước một ngày nào đó được trở lại Trường Sa, đến được đảo Sinh Tồn để thăm những người lính đang giữ đảo, hương khói cho những người ngã xuống. Anh cũng mong muốn gặp hết những cựu binh đã tham gia trận chiến đó, mấy năm qua anh đã phần nào thực hiện được mong ước giản dị khiêm nhường.
Quốc Nam
(còn tiếp)