Cần mạnh tay hơn với doanh nghiệp nhà nước ‘phớt lờ’ công bố thông tin
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:30, 14/03/2018
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm 2017.
Theo đó, đến hết năm 2017, mới chỉ có 265/622doanh nghiệp(chiếm 42,6%) gửi báo cáo đến Bộ KHĐT để thực hiện công bố thông tin trên cổng thông tin doanh nghiệp.
Trong số khoảng 357 doanh nghiệp chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.
Trong đó, một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các DN thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… chưa gửi báo cáo đến Bộ để thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (1 DN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 DN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (5 DN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (4 DN) cũng chưa thực hiện công bố thông tin.
Cũng theo Bộ này, tính đến 31.12.2017, mới chỉ có 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin nêu trên.
Về nội dung công bố thông tin của DNNN, Bộ KH-ĐT cho biết, tính đến 31.1.2017, trong tổng số chín loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định, hầu hết các doanh nghiệp trong số 265 doanh nghiệp đã công bố thông tin chưa thực hiện công bố đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo.
Theo đó, Bộ KH-ĐTkiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh khẩn trương hoàn thiện báo cáo và gửi kết quả về Bộ. Đồng thời, đề nghị xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin.
Theo quy định, phạt tiền 5 - 10 triệu đồng, với hành vi công bố thông tin của DNNN không đầy đủ, không chính xác; phạt tiền 10 - 15 triệu đồng với hành vi không công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm, không công bố tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN hàng năm…
Đồng thời, yêu cầu bộ, ngành công khai nội dung xử lý trách nhiệm trên trang thông tin điện tử của mình và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải trên cổng thông tin điện tử nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và đảm bảo sự giám sát của người dân và xã hội đối với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DNNN.
Trong khi đó, theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, DNNN phải định kỳ công bố các thông tin như: Chiến lược phát triển; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm; Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có); Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; Báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm; Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng…
Tuy nhiên, dù có nhiều chỉ đạo nhưng tình trạng “phớt lờ” công bố thông tin vẫn tiếp diễn hết năm này sang năm khác. Đặc biệt, vào năm 2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin thì Bộ KH-ĐT lập danh sách và báo cáo Thủ tướng xử lý.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, nhiều DNNN thường “ỷ thế”, được ưu ái nên phớt lờ việc báo cáo số liệu thống kê. Lý do là họ có thể tự mình gặp được các lãnh đạo cấp cao, có thẩm quyền lớn trong việc quyết định các vấn đề của doanh nghiệp họ nên họ không báo cáo.
Đây như một căn bệnh cố hữu của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, việc này đã trở thành thói quen. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý của nhà nước chưa nghiêm, các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định nhưng không có chế tài xử phạt hợp lý, dẫn đến nhờn luật.
Cùng với đó, cũng có tình trạng nội tại doanh nghiệp đang có vấn đề, từ đó dẫn đến khó khăn cho việc công bố báo cáo số liệu. Đối với các DNNN được cổ phần hóa thì bắt buộc họ phải có báo cáo và công khai tài chính, nhưng với doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thì gần như không phải lo lắng việc báo cáo này vì không có nhiều sức ép. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong vấn đề này.
Theo quy định,cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý doanh nghiệp.
Lam Thanh