Hai nhân vật then chốt trong chính sách kinh tế của Trung Quốc sắp tới
Quốc tế - Ngày đăng : 06:02, 20/03/2018
Ngoài ra, đại hội đã biểu quyết ông Tiêu Tiệp làm Trưởng thư ký Quốc vụ viện, Vương Nghị làm Ngoại trưởng, Ngụy Phụng Hòa làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Dịch Cương làm Thống đốc ngân hàng trung ương và nhiều vị trí quan trọng khác.
Báo chí thế giới đặc biệt chú ý đến Lưu Hạc và Dịch Cương. Ông Lưu năm nay 66 tuổi, tốt nghiệp ngành kinh tế công nghiệp đại học Nhân dân và sau đó lấy bằng thạc sĩ hành chính công tại trường Quản lý Nhà nước John.F.Kennedy thuộc đại học Harvard.
Năm 2015, ông Lưu từng đạt được một giải thưởng kinh tế hàng đầu của Trung Quốc với nghiên cứu về rủi ro tài chính toàn cầu. Ông là người dẫn đầu chính sách cải tổ “trọng cung” (supply side reform) của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vào tháng 10.2017, ông được bầu vào Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hiện ông Lưu là Chủ nhiệm văn phòng Tổ lãnh đạo công tác tài chính trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC). Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, ông được cử sang thăm Mỹ nhằm tìm cách giải quyết mâu thuẫn thương mại giữa hai nước, tránh để một cuộc chiến thương mại xảy ra.
Cùng với Lưu Hạc, Dịch Cương, người giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) từ năm 2008 đến nay, đã được bầu làm Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC). Ông Dịch năm nay 60 tuổi, từng lấy bằng tiến sĩ kinh tế học tại đại học Illinois (Mỹ).
Là người ủng hộ nhiệt thành người tiền nhiệm Chu Tiểu Xuyên, ông Dịch được đánh giá sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ hiện tại.
Phát biểu trước báo giới bên lề kỳhọp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào ngày 19.3, ông Dịch cho biết: “Nhiệm vụ chính hiện nay là thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, thúc đẩy cải cách lĩnh vực tài chính, mở cửa và giữ ổn định tài chính”.
Theo một số nhà kinh tế học, ông Dịch sẽ đóng vai trò hỗ trợ Phó thủ tướng Lưu Hạc trong công tác giám sát nền kinh tế và lĩnh vực tài chính. Tommy Xie, nhà kinh tế của Ngân hàng Hoa kiều tại Singapore, đánh giá: “Ông Dịch sẽ hỗ trợ ông Lưu trong cải cách kinh tế. Cả hai đều là động lực chính trong những nỗ lực cải cách của Trung Quốc vài năm qua”.
Với nền tảng (từng được đào tạo tại Mỹ) và danh tiếng (người ủng hộ cải cách) của ông Dịch, quyết định bổ nhiệm ông làm Thống đốc PBOC là tin tốt với nhà đầu tư nước ngoài, theo chuyên gia Xie.
Ngoài Lưu Hạc và Dịch Cương, Thứ trưởng Tài chính Lưu Côn đã được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Tài chính, thay thế ông Tiếu Tiệp. Hai ông Chung Sơn và Hà Lập Phong tái đắc cử vị trí Bộ trưởng Thương mại và Chủ nhiệm NDRC.
Để giải quyết tình trạng quản lý phân tán, Trung Quốc đã cho hợp nhất Ủy ban Quản lý bảo hiểm (CIRC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng (CBRC) thành một cơ quan. Ứng viên cho vị trí lãnh đạo cơ quan này là ông Quách Thụ Thanh, Chủ nhiệm CBRC. Ông Quách đã làm trong ngành tài chính lâu năm và có tư tưởng ủng hộ cải cách. Dự kiến quyết định bổ nhiệm sẽ sớm được công bố.
Cẩm Bình (theo Reuters, Sina)