Các DN cần nghiên cứu tạo ra ô tô thương hiệu Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:24, 16/03/2018
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17.10.2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, láp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Thông báo kết luận nêu rõ, hiện nay, thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải từng bước đáp ứng nhu cầu ô tô của thị trường, đồng thời phải bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
Cùng với đó là thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhất là yêu cầu tăng tỉ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ, tập trung tạo ra ô tô thương hiệu Việt Nam; thực hiện tốt các cam kết hội nhập, hợp tác quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Theo đó, Chính phủ khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước - ngoài nước mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Văn bản cho biết, Nghị định 116 và Thông tư 03 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Theo đó, Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động tìm hiểu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu một cách nghiêm túc để ngày càng hoàn thiện hơn các chính sách về phát triển công nghiệp ô tô.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, Phó thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến phát triển ngành công nghiệp ô tô và tăng cường kiểm soát chất lượng ô tô ở Việt Nam.
Kiểm soát nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN theo Hiệp định Thương mại và hàng hóa ASEAN (ATIGA), đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều kiện được hưởng thuế suất bằng 0%.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, các tổ chức, cá nhân liên quan để nghiên cứu, giải trình, nếu cần thiết thì kiến nghị để hoàn thiện Nghị định 116 và Thông tư 03, đáp ứng các yêu cầu về công bằng, minh bạch, và cạnh tranh theo những cam kết và thông lệ quốc tế, đảm bảo phát triển ngành công nghiệp ô tô đúng chiến lược đã đề ra. Tổ chức ngay các đoàn đi khảo sát, kiểm tra thực tế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (nếu có).
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội về những chính sách thuế liên quan đến việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà sản xuất lắp ráp ô tô cần quan tâm hơn nữa tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực ô tô, tạo ra ô tô thương hiệu Việt Nam.
Bộ GTVT cũng vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định 116/2017 và Thông tư 03/2018 liên quan đếnô tô nhập khẩu. Tại văn bản này, Bộ GTVT đưa ra hai phương án sửa đổi các quy định vốn đang siết chặt ô tô nhập khẩu về Việt Nam.
Trong phương án 1, Bộ GTVT kiến nghị tiếp thu toàn bộ các kiến nghị doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp xe hơi của Mỹ, Nhật Bản… Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các nội dung tại Nghị định 116/2017.
Cụ thể là bỏ thủ tục giấy chứng nhận (GCN) chất lượng kiểu loại, sửa đổi phương thức kiểm tra theo từng lô, sửa đổi quy định đường thử ô tô phải có chiều dài tối thiểu 800 m nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho nhập khẩu ô tô. Đây là các thủ tục khiến các doanh nghiệp gặp khó trong suốt thời gian dài vừa qua.
Điển hình như các nhà nhập khẩu không thể có GCN chất lượng kiểu loại xe hơi do nhiều nước không cấp loại giấy này và các doanh nghiệp không thể nhập khẩu ô tô khiến ô tô nhập khẩu khan hiếm.
Bộ GTVT cũng kiến nghị sửa đổi Thông tư 03/2018 theo hướng: Bỏ một số thủ tục về GCN linh kiện gương, lốp, kính, đèn chiếu sáng; rà soát đơn giản hóa quy trình, thủ tục hơn nữa cho phù hợp, tạo điều kiện thông thoáng cho nhập khẩu xe hơi.
Tại phương án 2, Bộ GTVT lại đề nghị trước mắt cần tiếp tục thực hiện nghiêm theo Nghị định 116 và Thông tư 03 trong một thời gian nữa. Nếu thực sự có vướng mắc bất cập đúng như phản ảnh của doanh nghiệp thì Chính phủ chỉ đạo các bộ sửa đổi, bổ sung. .
Mặt khác, Bộ GTVT cho rằng các doanh nghiệp không thể nhập khẩu lô hàng có số lượng ít mà mỗi lô hàng nhập khẩu ít nhất phải hàng trăm xe, do đó việc lấy một mẫu xe trong lô hàng nhập khẩu để kiểm định không làm phát sinh chi phí đáng kể cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Hoài Phong