Ai chịu trách nhiệm trong thương vụ MobiFone mua AVG?
Sự kiện - Ngày đăng : 11:42, 16/03/2018
Dù chưa đi đến hồi kết nhưng kết luận thanh tra là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại hiệu lực hiệu quả của bộ máy cũng như việc bố trí sử dụng cán bộ.
“Vụ MobiFone mua AVG cho thấy quy định pháp luật đã có rồi nhưng một số bộ ngành liên quan vẫn vi phạm khiến nhà nước có nguy cơ thua lỗ hơn 7.000 tỉ đồng. Điều này thể hiện một là anh quá yếu kém về trình độ năng lực, không có tâm với đồng thuế của dân. Hai là anh có năng lực nhưng bẻ cong pháp luật, dùng quyền lực để bóp méo sự thật. Những người như vậy không xứng đáng ngồi ở ghế lãnh đạo”, ông Lê Thanh Vân nói.
Là người từng đưa vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG ra chất vấn trước Quốc hội nhưng chưa từng được trả lời thỏa đáng nên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đặc biệt quan tâm đến bản kết luận Thanh tra Chính phủ vừa công bố.
“Kết luận này đã cơ bản đáp ứng được 2 câu hỏi của tôi là giá trị đích thực của thương vụ này là bao nhiêu? Từ ngày được MobiFone mua về đến nay, AVG hoạt động có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra hay không? Còn một câu hỏi rất quan trọng là từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà MobiFone đã dùng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG thì tôi rất mong chờ được Cơ quan điều tra Bộ Công an sớm làm rõ”, ông Vân nói.
Người đứng đầu không thể vô can
Theo ông Lê Thanh Vân, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu nhiều vấn đề bất thường trong việc mua bán cổ phần AVG, trong đó có việc “thổi giá” không đúng thực tế, thực hiện sai hàng loạt quy định về đầu tư, đấu thầu, thẩm định.
“Cơ quan thanh tra đã so sánh các quy định pháp luật và nêu rõ hành vi sai phạm của các cơ quan chức năng có liên quan. Tuy nhiên, chứng minh các cơ quan đó có sai phạm với mục đích, động cơ như thế nào, lỗi khách quan chủ quan ra sao thì phải là Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới làm rõ được”, ông Lê Thanh Vân nói và bày tỏ, giá như kết luận thanh tra chỉ rõ được trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành để xảy ra vi phạm thì sẽ “hoàn hảo hơn”: “Bởi vì các cơ quan bộ, ngành hành chính nhà nước làm việc theo chế độ thủ trưởng, người chịu trách nhiệm phải là người đứng đầu”.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dù chưa đi đến hồi kết nhưng kết luận thanh tra là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại hiệu lực hiệu quả của bộ máy cũng như việc bố trí sử dụng cán bộ. Trong đó kết luận này đã đề cập đến việc chuyển hồ sơ đến Ban Bí thư để làm rõ, xử lý nghiêm minh những người có liên quan.
“Nhà nước bỏ ra một khối tài sản lớn như thế nhưng gây ra nguy cơ thua lỗ, ảnh hưởng kỷ cương pháp luật, gây mất lòng tin trong nhân dân thì rõ ràng phải tính. Quy định pháp luật đã có rồi nhưng vẫn vi phạm tức là thể hiện một là anh quá yếu kém về trình độ năng lực, không có tâm với đồng thuế của dân. Hai là anh có năng lực nhưng bẻ cong pháp luật, dùng quyền lực để bóp méo sự thật. Những người như vậy không xứng đáng ngồi ở ghế lãnh đạo”, ông Lê Thanh Vân nói.
Phải xử lý nghiêm minh
Ở một góc nhìn khác, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, nhận định: “Vụ việc này đã thanh tra kéo dài trong nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận. Nhớ lại, vụ này có tính chất thổi giá tương tự như vụ án Dương Chí Dũng thổi giá ụ nổi sắt trước đây, chính là những hành vi liên quan đến tội phạm kinh tế nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh”, và ông đặt vấn đề: “Điều này đặt ra câu hỏi rất lớn về hiệu lực, hiệu quả của một số cơ quan nhà nước trong các thời điểm cụ thể. Có vấn đề gì phức tạp bên trong hay còn do nguyên nhân nào khác?”.
Đề cập đến việc AVG đã chủ động hủy bỏ hợp đồng trước khi Thanh tra Chính phủ công khai kết luận, nguyên Phó chánh án TAND tối cao cho rằng đây chỉ là biện pháp nhằm khắc phục hậu quả và có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét trách nhiệm của những người liên quan. Ông Độ nhấn mạnh, việc khắc phục này chỉ diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra và Ban Bí thư có thông báo chỉ đạo phải làm rõ. Trong khi các hành vi sai phạm đã hoàn thành từ rất lâu.
Cùng bày tỏ quan điểm đồng tình với kết luận thanh tra và việc chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng vụ việc có nhiều dấu hiệu sai phạm với tính chất tăng nặng, cố ý vi phạm đến cùng khi không thực hiện đúng quy định nhà nước, hợp thức hóa cho sai phạm và các hành vi này diễn ra trong một thời gian dài. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc mới tìm cách để khắc phục.
Còn luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật sư AIC, nhìn nhận từ góc độ dân sự đây là hoạt động kinh tế, mua bán bình thường. Bản chất không phải mua Công ty AVG, mà MobiFone mua cổ phần của nhóm cổ đông AVG. Nếu 1 trong 2 bên vi phạm hợp đồng, phía còn lại có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra còn có thể phạt và bồi thường thiệt hại.
“Trong vụ việc này, tôi thấy AVG khá thiện chí khi không phạt hợp đồng, không khiếu kiện và sẵn sàng trả phí tư vấn, lãi ngân hàng cho MobiFone. Đó là tình tiết đáng chú ý”, ông Sơn nói và cho rằng việc AVG được trao lại cho nhóm cổ đông không biết còn nguyên vẹn không, nhân sự như thế nào, phương án kinh doanh ra sao vô cùng phức tạp. Các cổ đông AVG sẽ phải xây dựng lại bộ máy, phương án kinh doanh. Đây là một rủi ro. Theo ông Sơn, cũng sẽ còn nhiều vấn đề phải xem xét khi hai bên có động thái khắc phục hậu quả trước khi có kết luận thanh tra.
Cần tiếp tục làm rõ các báo cáo của MobiFone
Theo nguồn tin của Thanh Niên, có những thời điểm MobiFone đã báo cáo, đưa ra quan điểm về toàn bộ thực trạng của AVG với Bộ Thông tin - Truyền thông trong 4 công văn gồm số 4255 (12.8.2015), số 58, 63 và Công văn số 66. Đồng thời, cũng gửi toàn bộ hồ sơ cùng Quyển đầu tư dự án đánh giá toàn diện AVG cho Bộ Thông tin - Truyền thông.
Tại Công văn số 4255 cho thấy việc báo cáo AVG vẫn đang lỗ kế hoạch trên 300 tỉ đồng. Tại Công văn số 58, nhà mạng này báo cáo: “Kết quả định giá có sự khác biệt lớn so với giá trị tài sản của AVG ghi trên sổ sách kế toán. Theo sổ sách AVG có giá trị 3.102 tỉ đồng...”. Tại Công văn số 63 ngày 29.9.2015, MobiFone báo cáo: Theo kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán KPMG, đến hết năm 2014 AVG lỗ trên 331,4 tỉ đồng, lỗ lũy kế 1.563 tỉ đồng. Đánh giá của VCBS cũng xác định giá trị tài sản của AVG là 3.103 tỉ đồng, nợ phải trả 1.133 tỉ đồng, giá trị tài sản ròng là 1.970 tỉ đồng.
Làm tới cùng xem có tham nhũng hay không
Kết luận thanh tra chỉ là bước đầu, tôi nhấn mạnh là bước đầu vì sau đó còn rất nhiều việc phải làm. Sau kết luận thanh tra, sẽ phải vào cuộc quyết liệt hơn. Đầu tiên là Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề xuất các hình thức, mức độ xử lý cán bộ thuộc diện mình quản lý. Các bộ, ngành phải nghiêm túc kiểm điểm xử lý cán bộ, lãnh đạo thuộc đơn vị của mình. Đặc biệt, cơ quan điều tra nghiêm túc vào cuộc vì đây là vụ việc dư luận đặc biệt quan tâm.
Chúng ta có cả một bộ máy kiểm soát quyền lực, không ít công cụ, trên lại có pháp luật nhưng vi phạm vẫn diễn ra. Sai phạm sẽ phải làm rõ vì yếu kém hay vì động cơ cá nhân vụ lợi; có tham nhũng hay không. Không phải chụp mũ nhưng cần làm cho ra tận cùng vụ việc.
ÔngVũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng
Theo báo Thanh Niên
Theo Thanh Niên