Thủ tướng Phan Văn Khải: 'Tôi về với mẹ và chỉ còn làm Chủ tịch Hội Cầu lông thôi'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:26, 17/03/2018

GS-NGND Nguyễn Lân Dũng nhớ lại những lần cuối trò chuyện cùng Thủ tướng Phan Văn Khải tại Quốc hội trước khi ông về nghỉ. Ông bảo: “Giờ tôi sẽ về với mẹ tôi ở Củ Chi và chỉ còn nhận một nhiệm vụ lớn nhất là Chủ tịch Hội Cầu lông Việt Nam thôi”.

Thắng thắn nhận trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS-NGND Nguyễn Lân Dũng, cũng là một đại biểu quốc hội nhiều khóa liền nhớ lại những lần cuối cùng trò chuyện cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Quốc hội. Thủ tướng Khải nói: “Giờ tôi sẽ về với mẹ tôi ở Củ Chi và chỉ còn nhận một nhiệm vụ lớn nhất là Chủ tịch Hội Cầu lông Việt Nam thôi”.

“Thế rồi, như thường lệ, Thủ tướng lại rút thuốc lá ra hút, tôi mới khuyên rằng nếu bây giờ bỏ thuốc lá ngay chắc khó, anh có thể mỗi lần chỉ hút nửa điếu còn bỏ đi phần cuối có được không?”. Ông cười rất tươi và nói: “ Cách này thì tôi làm được đấy, bỏ hẳn thì khó quá”.

Kỷ niệm sâu sắc nhất của GS Dũng với Thủ tướng Khải là ngày 16.6.2006, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa11. Thủ tướng có bài phát biểu trước Quốc hội. Ông Dũng đánh giá bài phát biểu này rất sâu sắc và những điều Thủ tướng trình bày không chỉ xuất phát từ tình hình lúc đó mà còn dựa trên sự trải nghiệm của 15 năm tham gia điều hành Chính phủ, tính cả thời gian làm Phó thủ tướng.

Thủ tướng Khải nói: “Cần chú trọng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn, tạo điều kiện cho con người vươn lên phát huy tiềm lực to lớn, đó là nguồn lực không bao giờ cạn của đất nước. Công tác cán bộ chậm đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi sai lầm trong công tác lãnh đạo. Đất nước không thiếu những con người tài năng và tâm huyết nhưng lạithiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Người đứng đầu cơ quan hành chính không có đủ quyền hạn để bố trí nhân sự, sắp xếp công việc dẫn tới lựa chọn, đánh giá cán bộ không thực sự căn cứ vào kết quả công việc, tạo môi trường thuận lợi dẫn đến kẽ hở cho nạn chạy chức”.

GS-NGND Nguyễn Lân Dũng, đại biểu quốc hội các khóa 10, 11, 12

Thủ tướng Khải tự mạnh dạn tự phê bình: “Tôi nhận rõ trách nhiệm của mình trước những khuyết điểm và tồn tại. Vấn đề tổ chức cán bộ tuy có vượt khỏi thẩm quyền của Chính phủ nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi. Với cương vị Thủ tướng, đồng thời là Ủyviên Bộ Chính trị, tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe dọatồn vong chế độ”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi cũng hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn phát hiện được sớm các vụ nghiêm trọng kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội”.

Đặc biệt ông chân thành: “Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới”.

Cũng thẳng thắn tự phê bình, Thủ tướng Khải đã nói: “Chính phủ đã nghiêm túc nhìn nhận trước Quốc hội và nhân dân là chưa thực hiện được đầy đủ chức năng, trách nhiệm của mình trong tổng kết thực tiễn, góp phần cùng các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm sáng tỏ để có sự nhất trí cao về các quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đó làm cho việc hoạch định chủ trương, chính sách có chỗ chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, gây khó khăn cho việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện"

Thủ tướng cũng nóimột số chủ trương quan trọng chưa tạo được sự nhất trí cao và thông suốt trong toàn thể bộ máy hành chính nhà nước. Điển hình là những biểu hiện thiếu nghiêm túc trong loại bỏ những thể chế, thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân, việc tinh giản tổ chức, biên chế... của một số đơn vị khi thi hành Luật Doanh nghiệp.

Khuyến khích kinh tế tư nhân

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, nói về kinh tế tư nhân, Thủ tướng Khải cho rằngmuốn nền kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân, phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn nữa cho dân trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh, mở rộng cơ hội đầu tư cho dân.

Chính phủ không chỉ tạo điều kiện và khuyến khích kinh tế dân doanh trong các ngành sản xuất, dịch vụ thông thường mà cả trong một số lĩnh vực dịch vụ công lâu nay chỉ có Nhà nước làm hoặc chủ yếu do Nhà nước làm như y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, đô thị, bảo trì và phát triển các công trình phúc lợi công cộng, một số công việc dịch vụ trong cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan,thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biếtngay sau khi lên làm Thủ tướng (năm 1997), ông Phan Văn Khảiđã nói với tổ tư vấn là có 3 nhóm đối tượng ông muốn gặp và làm việc, lắng nghe ngay từ đầu. Đó là gặp các doanh nghiệp, gặp gỡ nông dân vàtrao đổi với đội ngũ trí thức, những người làm khoa học công nghệ.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo cho ra đời được Luật Doanh nghiệp năm 1999. Sau đó là rất nhiều nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó là đề nghị các bộ, ngành, chuyên gia soạn thảo các luật khác theo tinh thần đổi mới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng

Cho đến bây giờ, nhiều chuyên gia quốc tế khi đánh giá về quá trình 30 năm đổi mới của Việt Nam vẫn cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 1999 là sự đột phá lớn nhất mà Việt Nam có được về thể chế.

Bà Lan cũng cho rằngđể cho ra đời được Luật Doanh nghiệp 1999 đã rất gian nan vì nhiều cơ quan bị mất quyền lợi. Đó cũng là lý do mà nhiều nội dung chỉ có thể được bổ sung vào Luật Doanh nghiệp 2005 chứ chưa thể đưa ngay vào luật năm 1999.

Thủ tướng Phan Văn Khải có được nhiều thành tựu trong điều hành kinh tế tại nhiệm kỳ của mình, dù thời điểm đó có khủng hoảng tài chính khu vực. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2%, lạm phát được kiềm chế thấp, nợ công và bội chi ngân sách ở mức cho phép; hội nhập kinh tế được đẩy mạnh khi ký kết thành công Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), gia nhập WTO…

Theo bà Phạm Chi Lan, thành công của Thủ tướng Khải có nhiều lý do. Đầu tiên là về cá nhân Thủ tướng, ông được đào tạo bài bản về kinh tế, có tầm nhìn, đồng thời lại là người rất cầu thị, khiêm tốn và biết lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý. Ví dụ như tại Ban Nghiên cứu, Thủ tướng Khải luôn khuyến khích các thành viên có ý kiến phản biện, cách làm mới, và Thủ tướng luôn lắng nghe, trước khi ban hành chính sách đều có gửi sang Banđể góp ý.

Ngoài ra, Thủ tướng Khải cũng kế thừa tư tưởng từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau quá trình làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế, nhất là sau nhiệm kỳ thứ 2, ông Kiệt đã chủ động để cho ông Khải làm việc nhiều hơn về kinh tế.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải cho biếtThủ tướng Phan Văn Khải có cống hiến lịch sử là trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra Quốc hội. Đấy là luật giải phóng cho kinh tế tư nhân.

Ông Doanh bảo, trước kia theo Luật Công ty 1990 thì doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Theo kiến nghị của chúng tôi, Thủ tướng đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là người công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tức là bỏ quyền của Chủ tịch tỉnh.

ÔngLê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thế nhưng luật này khi được ban hành thì các bộ chẳng ai thực hiện. Ban Nghiên cứu, lúc đó Trưởng ban là ông Trần Đức Nguyên, đã trình với Thủ tướng Khải cho lập Tổ công tác của Thủ tướng và giao cho tổ ấy đi đôn đốc, kiểm tra các bộ, làm rõ lý do vì sao lại không thực hiện. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch -Đầu tư Trần Xuân Giá làm tổ trưởng, ông Doanh làm Tổ phó thường trực.

“Chúng tôi đi khảo sát và phát hiện ra trong nền kinh tế có 560 - 580 giấy phép con. Chúng tôi trình lên và anh Khải đã ký quyết định giấy hủy 268 giấy phép, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép con. Như vậy là Thủ tướng Khải đã cắt nguồn thu bất chính của các bộ rất nhiều. Điều đó làm cho kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và sự năng động của người dân”, ông Doanh nói.

Đặc biệt Thủ tướng Khải nhất định không chịu lập các tập đoàn kinh tế, vì không muốn lập ra các thực thể quá lớn để rồi không kiểm soát được chúng. Phải có cơ chế kiểm soát đủ minh bạch thì mới lập, nếu chưa có thì chưa lập vội. Đó là cái quyết tâm của anh và đó là điều sáng suốt của người làm Thủ tướng.

Chuyện cầm giấy đọc khi thăm Mỹ

Theo TS Lê Đăng Doanh, Mỹ và Việt Nam chênh nhau 12 múi giờ và cả đêm ông ấy mất ngủ. Hồi anh Khải đi Mỹ cũng có nhiều ý kiến gay gắt nên anh em đã chuẩn bị 2 phương án: một phương án nói trong 60 phút, để ở túi trên bên trái; một phương án nói 40 phút, để ở túi dưới bên phải.

Trước buổi hội đàm với Tổng thống Mỹ, anh Khải không ngủ được. 4 giờ 30 sáng còn gọi ông Trần Xuân Giá (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch -Đầu tư - PV) sang bàn. Ông Trần Xuân Giá đã bàn bạc và sửa lại bài nói, sau đó trình lên. Thế nhưng đến khi gặp Tổng thống G.Bush, anh Khải lại quên mất.

Hôm gặp, ông Bush nói với anh Khải “ông muốn bàn với tôi bao nhiêu giờ cũng được”, nhưng vì căng thẳngvìmất ngủ nên đáng lẽ lấy tờ 60 phút thì anh Khải lại lấy tờ 40 phút để nói trong 60 phút. Bởi vì vậy cho nên anh Khải cứ cầm giấy để đọc.

Cái đó cũng là điều hơi bất lợi chứ còn trong họp và trong đối thoại, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nắm rất vững các con số và nói rất tốt, chứ không phải là người phụ thuộc vào giấy tờ. Tôi nghĩ đó là điều anh em nên thông cảm, tôi nói ra để chúng ta cùng hiểu…

Trí Lâm

Trí Lâm