Cục trưởng Trồng trọt: Nông dân đổ bỏ nông sản không phải do giá thấp
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:11, 17/03/2018
Thời gian qua, nông dân tại một số địa phương phải đổ bỏ một lượng lớn raucủ tươi do giá giảm mạnh, khiến người nông dân bị thiệt. Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.
- Thưa ông, lý do nào khiến giá các mặt hàng rau vụ đông như củ cải, su hào...tại nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung đều bị rớt giá mạnh sau Tết Nguyên đán 2018?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Đúng là trong tuần thứ nhất và thứ hai của tháng 3 vừa qua, giá rau quả tươi ở một số mặt hàng rau ưa lạnh như su hào, bắp cải, củ cải… đã giảm. Còn các rau nhiệt đới như rau muống, mùng tơi, rau dền… đã bắt đầu có bán và giá rất lợi cho người trồng. Giáhiện naylà 15.000 - 16.000 đồng/kg.
Việc giá của các rau lạnh giảm năm nào cũng diễn ra như vậy, bởi người dân trồng trên cả hai nền đất: nền đất chuyên canh trồng rau và nền đất trồng xen giữa hai vụ lúa và một vụ rau.
Đến thời điểm cuối tháng 2 là thời điểm phải dọn sạch ruộng để trả lại đất cấy lúa xuân bởi không thể cấy muộn hơn được. Cho nên năm nào dân cũng phải dọn ruộng vào thời điểm này để trả lại đất cho lúa xuân.
Vì thế, việc tồn lại một ít khoảng ruộng còn sót lại cuối vụ, nông dân phải bán rau củ đi thì năm nào cũng xảy ra tình trạng giá thấp hơn vì giảm giá đột ngột. Đây là lý do đầu tiên.
Lý do thứ hai, năm nay giá rau củ có giảm sâu hơn một chút là do thời tiết. Suốt cả vụ đông vừa rồi, rau rất đắt và được giá. Cụ thể giá rau tăng khoảng 15% so với vụ đông năm trước. Do năm nay được giá, thời gian được giá rất dài và ổn định trong vòng từ tháng 9 đến giữa tháng 2, giá luôn cao hơn vụ đông năm trước khoảng 15%.
Do đó, một số hộ nông dân tranh thủ muốn trồng thêm một lứa nữa, nhất là đối với những loại rau ngắn ngày như củ cải, hay su hào cũng chỉ từ 45-60 ngày là đượcthu hoạch.
Thông thường họ vẫn trồng một đợt vào vụ rau xuân (khoảng tháng 1 trồng và thu hoạch khoảng tháng 3) để giải quyết rau giáp hạt, trong khi rau nhiệt đới như rau muốngchưa phát triển mạnh.
Trong khi đó, rau vụ đông lại hết, họ tận dụng bán vào độ giữa cuối tháng. Do thấy năm nay được giá nên nông dân đã trồng sớm hơn, trồng vào giữa tháng 12. Cho nên, tới thời điểm thu hoạch thời tiết lại ấm và trùng với thời điểm mà lứa cuối cùng của rau vụ đông rớt lại. Vì vậy, hai vụ xuân sớm và đông trùng nhau làm cho sản lượng tăng đột biến vào một thời điểm nhất định
Nguyên nhân thứ ba là năm nay loại rau ưa nhiệt (nhiệt đới) phát triển rất tốt do cuối tháng 2 đầu tháng 3 nhiệt độ cao nên nhómrau này phát triển mạnh. Cho nên, đến thời điểm từ tuần thứ 2 của tháng 3 đã có rất nhiều rau bán trên thị trường. Và sau một thời gian người tiêu dùng ăn rau ưa lạnh như su hào, bắp cải nhiều, người ta sẽ quay sang tiêu thụ nhiều các rau kia làm cho các loại rau ưa lạnh bị giảm sức tiêu thụ.
Nguyên nhân thứ tư, ở một số vùng sau khi nghỉ tết, các khu công nghiệp chưa quay lại hoạt độngbình thường nên các bếp ăn chưa mở cửa trở lại, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ cũng giảm. Về giá chung là như vậy.
- Ông đánh giá như thế nào về việc người dân ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đổ bỏ hàng tấn củcải xuống sông Hồng vì rớt giá thê thảm?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Một số nơi báo chí có phản ánh việc rau củ bị đổ bỏ như củ cải ở Tráng Việt (Mê Linh); bắp cải, su hào ở Tứ Kỳ (Hải Dương) thì thực radiện tích không đáng kể, mỗi nơi chỉ khoảng chục hecta.
Mà diện tích này, nông dân đã bán cho thương lái, nhất là củ cải Mê Linh đã được bán 100% cho thương lái và giá rất cao. Lúc bán là 35 triệu đồng/sào, tương đương với 800 triệu đồng/ha. Thế nhưng, do thương lái thấy nhiệt độ từ giữa cuối tháng 2 có một số đợt lạnh nên thấy giá xuống thì cũng muốn kéo dài thêm thời gian để chờ giá lên.
Tuy nhiên, do gặp phải nền nhiệt cao vào cuối tháng 2đầu tháng 3 củ cải rất nhanh già và trổ hoa. Khi củ cải bị trổ hoa tức là đã bị xốp và không thể ăn được nữa. Việc nông dân đổ đi không phải là do giá thấp mà không thể ăn được, bán không ai mua. Cũng như su hào ở Tứ Kỳ (Hải Dương) người dân muốn kéo dài để chờ giá cao nhưng do nhiệt độ tăng khiến su hào bị xơ, không thể ăn được.
Chỉ có một đợt thu hoạch trùng vào tuần đầu và tuần 2 của tháng 3 này khiến giá rau củ giảm. Còn bắt đầu bây giờ, củ su hào non được khoảng 30-35 ngày tuổi, người dân đang bắt đầu bán và giá đã tăng lên. Ngày hôm nay, giá su hào đã tăng lên 1.200-1.500 đồng/củ. Vì thế, dân hoàn toàn có lãi bởi 1 sào dân thường trồng được 2.000 củ, tương đương với 2.400.000 đồng/sào, trong khi dân chỉ chi phí hết hơn 1 triệu đồng thôi.
Vài ngày nữa giá sẽ còn tăng lên vì rau ưa nhiệt tuy đã phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của thị trường. Cho nên, thông thường cuối tháng 2 thì giá rau rẻ nhưng tuần thứ 2 của tháng 3 thì giá rau lại đắt, gọi là rau giáp vụ.
- Câu chuyện được mùa mất giá từng xảy ra với nhiều loại rau củ trong nhiều năm nay, vậy đâu là giải pháp cho tình trạng này? Và ông có lời khuyên gì cho người nông dân không?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Mấy năm nay, tôi chưa thấy hiện tượng được mùa mất giá đến mức độ như vậy. Năm nay cũng không phải là năm được mùa mất giá. Năm nay tổng sản lượng rau gần như không tăng nhiều bởi vì tổng diện tích trồng rau của toàn miền Bắc không tăng so với các năm 2016, 2017 là 190.000 ha, chỉ tăng có 2.000 ha.
Cũng không phải hoàn toàn là thừa sản lượng mà câu chuyện này là của rau giáp vụ. Tức là, giữa hai vụ sẽ có thời điểm giá rau giảm xuống khi dọn vườn. Vào một thời điểm khác, rau tăng lên khi chuyển giao giữa rau mùa lạnh và ấm nên chưa có sự kết nối, ăn khớp với nhau về sản lượng rau cung cấp.
Thực ra, mấy năm nay rau rớt giá rất ít. Như năm vừa rồi, suốt cả mùa đông nông dân được mùa. Ngay bây gờ nếu về xã Tráng Việt (Mê Linh) hỏi thì người dân vẫn rất phấn khởi bởi vì họ cho rằng lứa củ cải mà họ trồng đó chỉ là lứa “được thì ăn, không thì thôi”. Ba lứa trước đó, họ đã thắng mỗi lứa xấp xỉ 600-700 triệu đồng thu nhập. Và tổng 3 lứa, người dân lãi bình quân là 500 triệu đồng/ha.
Khi người dân trả lời phỏng vấn của báo chí hôm qua, họ đều rất phấn khởi trong chuyện này. Họ cho rằng lứa đó cũng chỉ là lứa “đánh bạc” thôi. Thực tế, nông dân không bị ảnh hưởng mà chỉ có lái buôn là bị. Nhưng lái buôn cũng đã ăn lãi vào các lứa khác rồi. Bây giờ họ có một lứa "đượcăn cả, ngã về không" thì cũng là câu chuyện bình thường với quy mô không lớn, chỉ có 10 hecta ở Tráng Việt và 10 hecta ở Tứ Kỳ. Còn rau non 30 ngày tuổi người dân đang chăm khi có thị trường là giá tăng lên.
Qua câu chuyện này, tôi cũng có một số lời khuyên tới người nông dân cố gắng phải có lý thuyết chặt chẽ, đặc biệt là cảnh giác với các rau cuối vụ. Đã biết các quy luật thì với rau cuối vụ nếu thấy có thị trường hẵng trồng. Nếu không thì lứa cuối cùng đó không nên trồng, để tránh gây nên hiện tượng thừa năm nào cũng xảy ra như vậy. Bởi vậy, liên kết sản xuất giữa nông dân là câu chuyện quan trọng.
Trịnh Giang(thực hiện)