NXB sách thiếu nhi Ấn Độ bị chỉ trích vì xem Hitler là ‘lãnh đạo vĩ đại’
Quốc tế - Ngày đăng : 16:38, 18/03/2018
Đơn vị bị chỉ trích là B.Jain Publishing, công ty Ấn Độ bắt đầu xuất bản sách cho thiếu nhi từ năm 2008 với tên Pegasus. Theo giới thiệu trên trang bán trực tuyến của Pegasus, quyển sách mang tên Những nhà lãnh đạo vĩ đại(Great Leaders) của đơn vị này có nội dung giới thiệu về 11 vị lãnh đạo “sẽ truyền cảm hứng cho bạn”.
Trên bìa quyển sách, hình ảnh của Adolf Hitler xuất hiện cùng với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi, đương kim Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Mặt sau quyển sách còn ghi rằng mục đích ra đời của nó là “tập trung nói về một trong những nhà lãnh đạo quyền lực của thế giới, đã cống hiến cuộc đời mình để khiến đất nước tốt đẹp hơn”.
Đầu tuần này, Trung tâm Simon Wiesenthal, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ)đã ra thông cáo yêu cầu nhà xuất bản nói trên ngừng lưu hành quyển Những nhà lãnh đạo vĩ đạitại các nhà sách lẫn trên trang bán trực tuyến.
Rabbi Abraham Cooper, Phó chủ nhiệm Trung tâm Simon Wiesenthal, chỉ trích: “Đặt Hitler ngang hàng với những nhà lãnh đạo chính trị và nhân đạo chân chính là một điều ghê tởm, khi đối tượng độc giả của quyển sách là những người trẻ tuổi không có hoặc có rất ít kiến thức về các quy chuẩn đạo đức và lịch sử thế giới”.
Khi được liên hệ để hỏi về quyển sách này vào ngày 17.3, C.B.Sharma, giám đốc phụ trách công việc kinh doanh của B.Jain tại Nam Á, đã không phản hồi.
Trung tâm Simon Wiesenthal cho biết quyển sách trong tháng 3 này đã được bán tại Hội sách quốc tế Krithi tổ chức tại Kochi, thành phố của Ấn Độ, nơicó nhiều di sản văn hóa Do Thái lâu đời.
Theo giới thiệu của nhà xuất bản, quyển Những nhà lãnh đạo vĩ đạidày 48 trang được xuất bản lần đầu vào năm 2016 và đến nay vẫn được bán trực tuyến. Vẫn chưa rõ ai là người viết quyển sách ấy.
Trước đó, phương tiện truyền thông Ấn Độ năm 2004 từng đưa tin về sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh trung học ở bang Gujarat có nội dung khen ngợi chủ nghĩa phát xít.
Cẩm Bình (theo The New York Times)