Ông Đinh La Thăng: Khoản đầu tư vào Ocean Bank có hiệu quả
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:19, 19/03/2018
Chiều 19.3, phiên xét xử vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Khoản đầu tư rất hiệu quả
Ông Đinh La Thăng khai: Bị cáo thống nhất chủ trương PVN mua cổ phần OceanBank xuất phát từ lý do PVN không thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Theo thỏa thuận số 6934 ngày 8.9.2008, PVN góp vốn tối đa 20% vốn điều lệ của OceanBank. Thỏa thuận được ký trên tờ trình của TGĐ và báo cáo trực tiếp của Nguyễn Xuân Sơn, nhưng thỏa thuận này không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý. Biên bản này ký và chỉ có hiệu lực khi HĐQT thông qua, nếu không thì biên bản không có giá trị.
Theo cáo trạng, trước đó Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Phó TGĐ PVN) có báo cáo về việc OceanBank là ngân hàng yếu kém, tính thanh khoản thấp. Tuy nhiên, bị cáo Thăng khai nhận OceanBank có quy mô vốn thấp, vì vậy chỉ tăng vốn thì PVN mới có điều kiện tham gia. Khi vốn điều lệ tăng lên, khả năng huy động vốn tăng lên và tính thanh khoản cũng tăng lên.
Giải thích rõ về các lần góp vốn của PVN vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng khai: Trong lần góp vốn đầu, bị cáo ký Nghị quyết 7289 ngày 1.10.2008, trước đó bị cáo ký văn bản báo cáo xin Thủ tướng phê duyệt và đề nghị NHNN xem xét ủng hộ. Việc đầu tư này là đầu tư ra ngoài ngành của công ty mẹ, theo quy định của pháp luật cần phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Theo bị cáo Thăng, cuối tháng 12.2008, PVN chính thức góp vốn vào OceanBank.
Trước HĐXX, bị cáo Thăng nói thêm: Trong công văn của Bộ Tài chính ngày 4.10.2008 gửi PVN có nội dung về góp vốn mua cổ phần của PVN tại OceanBank, sau đó bị cáo yêu cầu Ban TGĐ rà soát lại tình hình hoạt động của OceanBank. Thực tế PVN đã chỉ đạo thực hiện việc này trước khi Bộ Tài chính gửi văn bản ngày 04.10.2008. Đó là nội dung mang tính chất khuyến cáo của Bộ Tài chính chứ không yêu cầu bắt buộc.
Nói về việc góp vốn của PVN vào OceanBank, bị cáo Thăng khẳng định: Chủ trương góp vốn vào OceanBank là từ chủ trương xây dựng tập đoàn kinh tế đa ngành, với vai trò là đơn vị đi đầu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên PVN đã chủ trương thành lập ngân hàng và sau đó là góp vốn vào OceanBank. Khoản đầu tư vào OceanBank là rất hiệu quả, từ 2009-2012 đều chia cổ tức cho cổ đông.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa - Ảnh: chụp màn hình
Phạm luật do thời điểm nhạy cảm?
Trả lời câu hỏi của HĐXX, tham gia vào lần góp vốn thứ 3, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) khai có ký văn bản số 124 ngày 12.5.2011. Khi ký văn bản, bị cáo thấy OceanBank làm ăn rất tốt, lợi nhuận năm 2009 và 2010 đều ở mức cao.
Thực tế việc PVN góp vốn vào OceanBank thêm 100 tỉ đồng vào ngày 17.5.2011 (lần 3) tăng vốn OceanBank lên 4.000 tỉ để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% là trái với Luật các Tổ chức tín dụng.
Theo cáo trạng, giữa năm 2011, Chủ tịch HĐQT OceanBankkhi đó vẫn là ông Hà Văn Thắm lại đề nghị tăng vốn điều lệ của ngân hàng này và đòi PVN tiếp tục hỗ trợ tăng vốn góp. Số vốn lần thứ ba PVN góp vào OceanBank là 100 tỉ đồng, nâng tổng vốn của PVN tại OceanBank lên thành 800 tỉ đồng. Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã có hiệu lực) quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...”.
Giải thích về điều này, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết ban đầu OceanBank có kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng, nhưng do thị trường thay đổi nên đã giảm xuống 4.000 tỉ đồng. Đó là thời điểm nhạy cảm, chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật nên bị cáo nghĩ rằng việc chỉ cho sở hữu tối đa 15% không phải là điều bắt buộc phải thi hành, PVN chưa cập nhật đầy đủ luật, nếu có những cảnh báo thì đã không thực hiện việc góp vốn này.
Cũng theo lời khai của bị cáo Sơn, có thể là do thời điểm nhạy cảm, các bị cáo không ý thức được vi phạm pháp luật. Bị cáo thấy rằng việc này không phải là nguyên nhân làm mất 800 tỉ đồng vì ngân hàng lúc đó hoạt động hiệu quả. PVN đã nhận cổ tức hai lần trong 1 năm, đó là lịch sử của PVN vì khi đó OceanBank lợi nhuận rất cao. Việc truy tố bị cáo làm trái để làm mất 800 tỉđồng thì mong HĐXX xem xét sao cho có tình có lý đối với hành vi của các bị cáo.
Nhã Thanh
Hà Văn Thắm được triệu tập đến phiên xét xử vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN
Vụ góp vốn 800 tỉ đồng: Tiếp tục triệu tập đại diện NHNN, Bộ Tài chính