Trung Quốc thua Mỹ khá xa trong cuộc đua phát triển AI
Quốc tế - Ngày đăng : 19:59, 20/03/2018
Nghiên cứu “Giải mã giấc mơ AI của Trung Quốc” được công bố trong tháng 3 này của Viện Tương lai nhân loại (Future of Humanity Institute) thuộc Đại học Oxpford chỉ cho Trung Quốc 17 điểm khi đánh giá về khả năng phát triển những công nghệ trong AI của nước này, trong khi Mỹ đạt được 33 điểm.
Theo nghiên cứu, ngoài năng lực “truy cập vào dữ liệu”, Trung Quốc đều theo sau Mỹ trong tất cả những khía cạnh còn lại trong phát triển AI, bao gồm phần cứng, nghiên cứu và viết thuật toán, khả năng thương mại hóa. Trong số này, sản xuất các thiết bị phần cứng như bộ vi xử lý hay chip là trở ngại lớn nhất của Bắc Kinh.
Phát hiện này có thể là một nỗi thất vọng lớn cho tham vọng tận dụng khối dữ liệu khổng lồ của hơn 700 triệu người dùng Internet để vượt qua các quốc gia khác trong lĩnh vực AI.
Vào tháng 7 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình 3bước nhằm khiến nước này dẫn đầu thế giới về AI. Lộ trình đặt ra mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp AI nội địa trị giá 150 tỉUSD và biến Bắc Kinh thành “trung tâm sáng tạo AI” vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, cường quốc châu Á đã chỉ định 4 công ty Baidu, Alibaba, Tencent và iFlyTek làm những đơn vị dẫn dắt việc phát triển những nền tảng AI cho xe tự lái, thành phố thông minh, thị giác máy tính dùng trong chẩn đoán y tế, trí thông minh điều khiển bằng giọng nói,…
Lưu Khánh Phong, Chủ tịch Công ty phát triển phần mềm nhận diện bằng giọng nói iFlyTek, đánh giá chỉ có kết hợp dữ liệu, thuật toán và chuyên gia thì mới có thể định hình thế giới bằng AI.
“Trung Quốc có nhiều người dùng sử dụng Internet nhất thế giới. Và quyết tâm thúc đẩy ứng dụng AI nhiều hơn nữa của chính quyền Bắc Kinh vượt xa giới chức các quốc gia khác. Đây là lý do vì sao tôi tin cuộc đua AI toàn cầu chủ yếu là cạnh tranh Trung-Mỹ, và Trung Quốc sẽ đánh bại Mỹ trước trong khía cạnh ứng dụng AI”, theo ông Lưu.
Được tiếp cận với lượng lớn dữ liệu và được hỗ trợ bởi hệ thống luật bảo vệ quyền riêng tư tương đối lỏng lẻo đã được coi là những lợi thế lớn nhất của Bắc Kinh trong phát triển AI. Với lượng người tiêu dùng khổng lồ am hiểu công nghệ, quan tâm đến hàng hóa, dịch vụ giải trí trực tuyến, nhiều “ông lớn” công nghệ đã thu thập được không ít dữ liệu.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Tương lai nhân loại cho biết dữ liệu là không đủ để một quốc gia thắng trong cuộc đua này. Bên cạnh khả năng sản xuất hạn chế thiết bị phần cứng, sự thiếu thốn những nhà nghiên cứu AI đầy kinh nghiệm lẫn đổi mới cơ bản trong phát triển thuật toán cũng là những yếu tố khiến Bắc Kinh đi sau Washington.
“Do chi phí ban đầu cao và chu trình sáng tạo kéo dài, phát triển vi xử lý và chip là thành tố khó khăn nhất trong kế hoạch AI của Trung Quốc”, nghiên cứu cho biết.
Cẩm Bình (theo SCMP)