Truy tặng Bà mẹ VNAH, tiền trợ cấp trao cho con hay người thờ cúng?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:17, 21/03/2018

Bà Nguyễn Thị Buôn mất năm 2005, đến năm 2017, bà mới được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (VNAH). Khoản tiền trợ cấp một lần hơn 40 triệu của Bà mẹ VNAH này hiện đang không biết trao cho ai khi con gái và cháu ngoại của bà Buôn đang tranh chấp với nhau.

Nhiều lần hòa giải không thành

2 người đang tranh chấp số tiền trợ cấp trên là bà Ngô Thị Lình (80 tuổi, ngụ ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông, H.An Minh, tỉnh Kiên Giang), và ông Huỳnh Minh Vũ, ngụ cùng địa phương. Bà Lình là con gái của mẹ VNAH Nguyễn Thị Buôn, ông Vũ là cháu ngoại của mẹ VNAH và gọi bà Lình là dì ruột.

Bà Buôn đủ điều kiện để được phong tặng là Bà mẹ VNAH từ lâu nhưng do gia đình không theo dõi, không nắm rõ quy định nên không ai làm hồ sơ đề xuất. Sau khi bà Buôn mất, bà Ngô Thị Thuẫn là con gái lớn, nhận trách nhiệm thờ cúng. Khoảng năm 2015, ông Huỳnh Minh Tâm - anh ruột của ông Vũ, mới làm hồ sơ xin truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH cho bà ngoại mình. Hồ sơ được xét duyệt đến gần 2 năm mới có kết quả công nhận.

“Bà ngoại tôi có 2 người con được công nhận là liệt sĩ, nhưng mãi sau này mẹ và dì của tôi mới nói tôi làm hồ sơ xin công nhận cho bà ngoại. Nếu làm được thì tiền hỗ trợ cho tôi. Tôi làm không phải vì tiền, tôi chỉ muốn mẹ và dì tôi vui lòng, còn bà ngoại của tôi nhận được những gì xứng đáng”, ông Tâm trình bày.

Tháng 4.2017, bà Thuẫn không chờ được thời khắc mẹ mình được phong tặng Bà mẹ VNAH mà qua đời. Do ông Vũ ở cùng với mẹ mình, nên thừa hưởng tài sản và việc thờ cúng ông bà cha mẹ, mặc định được giao lại cho ông.

3 tháng sau khi bà Thuẫn mất, gia đình vui mừng nhận được giấy mời đi dự lễ truy tặng Bà mẹ VNAH cho bà Nguyễn Thị Buôn. “Lúc đó dì tôi là người con duy nhất còn lại của bà ngoại, phấn khởi lắm. Dì đi thuê mướn áo dài để chờ ngày đi nhận bằng truy tặng, nhưng đến trước ngày đi thì xảy ra sự cố. Dì nhận được thông báo là không đi dự lễ truy tặng nữa vì có người tranh chấp với dì. Người đó lại là em trai tôi”, ông Tâm buồn bã cho biết.

Là người bỏ công sức ra làm hồ sơ, ông Tâm không màng đến phần tiền được hỗ trợ. Bản thân ông cho rằng, bà Lình là dì ruột của mình và cũng là người con duy nhất còn lại của bà ngoại phải là người xứng đáng nhận nhất. Thế nhưng, lấy lý do mình là người thờ tự Bà mẹ VNAH, ông Vũ lại đứng ra tranh chấp với người dì ruột của mình.

Vụ việc được các ban ngành xã Vân Khánh Đông nhiều lần đưa ra hòa giải nhưng không thành. Một số lần hòa giải còn có sự tham gia của bà Trần Kim Tuyến - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH H.An Minh. Trong những lần hòa giải này, bà Lình cho rằng mình là con duy nhất còn lại của mẹ VNAH nên tiền trợ cấp phải thuộc về bà. Ông Vũ thừa hưởng nhà, đất của bà ngoại để lại nên việc thờ cúng là điều tất nhiên.

Ông Vũ thì cho rằng, mình thờ cúng bà ngoại nên phải được nhận tiền trợ cấp. Ở một số lần hòa giải, ông Vũ đồng ý chia cho bà Lình một nửa nhưng bà Lình không chịu.

Trao cho con hay cho cháu?

Trong lần làm việc với thân nhân của Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Buôn vào ngày gần đây nhất là 30.8.2017, bà Trần Kim Tuyến - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH H.An Minh cho biết việc thực hiện chế độ chính sách trên phải tuân theo Nghị định 56/NĐ - CP 2013 và Thông tư 03/TTLT BNV-BQP-BLĐTBXH 2014. Qua giải thích cả 2 bên không đi đến thống nhất nên sẽ căn cứ vào các quy định đề nghị xã Vân Khánh Đông có văn bản đề nghị chế độ cho người thờ cúng theo quy định.

Bà Lình sau đó đã có đơn gửi đến Phòng LĐ-TB&XH H.An Minh yêu cầu xem xét giải quyết chế độ cho bà. Để trả lời, bà Tuyến ký thông báogửi đến bà Lình cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế và các điều khoản quy định nêu trên xác định Huỳnh Minh Vũ mới là người đang thờ cúng Bà mẹ VNAH và được nhận các chế độ theo quy định.

Không đồng tình, bà Lình tiếp tục khiếu nại, và ngày 18.10.2017, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục có công văn trả lời. Theo đó, ghi rõ: việc thờ cúng Bà mẹ VNAH là do gia đình, thân tộc thống nhất giao cho ai là người chịu trách nhiệm thờ cúng ông, bà, cha, mẹ là do thân tộc và gia đình con, cháu quyết định.

Thông tư liên tịch 03 cũng ghi rõ: Khoản tiền một lần và hiện vật khen thưởng được trao cho người chồng; nếu người chồng đã từ trần thì trao cho con hoặc vợ liệt sĩ thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng ba mẹ; trường hợp bà mẹ không còn chồng, con thì trao cho người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ của bà mẹ.

Như vậy, chiếu theo Thông tư thì Mẹ VNAH Nguyễn Thị Buôn chỉ còn lại 1 người con duy nhất là bà Lình và người con này sẽ được nhận khoản trợ cấp trên.

Tuy nhiên, công văn trả lời trên lại ghi rõ: “Với các điều khoản nêu trên Phòng LĐ-TB&XH không thể giải quyết chế độ chính sách cho bà Ngô Thị Lình là người hưởng chế độ thờ cúng và được hưởng chính sách của Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Buôn!”.

Trước ý kiến trên, bà Lình tiếp tục có đơn gửi đến Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang. Ngày 31.10.2017, Sở LĐ-TB&XH có công văn chuyển đơn của bà Lình đến Phòng LĐ-TB&XH H.An Minh, báo cáo UBND huyện để được chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền. Kết quả giải quyết báo về Sở để trả lời công dân.

Ông Tâm, bức xúc nói: “Nó là em tôi (ông Vũ - PV) nhưng tôi không bênh được. Dì tôi nghèo khổ, già cả, còn gia đình nó đâu túng thiếu mà phải đi tranh chấp số tiền đó? Việc thờ cúng bà ngoại là trách nhiệm của mẹ tôi, bây giờ mẹ tôi mất, em tôi thừa hưởng tài sản là nhà cửa, đất đai thì cũng phải có trách nhiệm của mình chứ”.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Văn phòng Luật sư Vạn Lý, TP.Cần Thơ) cho biết, số tiền hỗ trợ của Bà mẹ VNAH nếu tính theo hàng thừa kế thì phải được trao cho người con, tức bà Lình. Nếu những hàng thừa kế tiếp theo không đồng tình và phát sinh tranh chấp thì có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang cho biết, về phần tiền trợ cấp sẽ được trao theo thứ tự ưu tiên các hàng thừa kế đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện hồ sơ đó thì có sự thỏa thuận trong gia đình, tức ủy quyền cho người nào được nhận. Người ta luôn ưu tiên cho nơi nuôi dưỡng Bà mẹ VNAH lúc còn sống và khi mất thì là nơi thờ cúng.

Nhưng phần tiền trợ cấp đó phải được ưu tiên để làm mồ mả cho Bà mẹ VNAH chứ không phải dùng vào mục đích cá nhân của ai đó. “Khúc mắcở đây xuất phát từ gia đình, và gia đình phải tự xử lý, thống nhất việc này. Số tiền đó phải dùng để phục vụ cho Bà mẹ VNAH, cho dù ai được nhận đi chăng nữa”, ông Minh nói.

Thanh Nguyên

Nguyên Việt