Người Hà Nội nhiệt tình ‘giải cứu’ củ cải cho nông dân
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:00, 21/03/2018
Nhiều ngày nay, khi nghe tin người dân Mê Linh phải đổ bỏ củ cải vì không thể tiêu thụ, nhiều người dân ở Hà Nộiđã kêu gọi nhau mua củ cải hỗ trợ nông dân.
Trong chiều 20.3 gần 5 tấn củ cải của bà con ở xã Tráng Việt (Mê Linh- Hà Nội) đã được chuyển về khu vực hồ Ba Mẫu (Đống Đa) để tiêu thụ. Những củ cải này được bà con nông dân rửa sạch, đóng vào các túi nilon. Mỗi túi có khối lượng 5kg và được bán với giá 25.000 đồng/túi.
Chị Nguyễn Thúy Vân, thành viên nhóm “giải cứu” củ cải chia sẻ: “Khi biết tin nông dân ở xã Tráng Việt khó khăn trong việc tiêu thụ củ cải, tôi đã cùng vài người bạn lập nhóm bán hộ người dân. Tôi thấy mừng vì nó tạo hiệu ứng rất tốt cho xã hội”.
Sau khi đăng tin “giải cứu” củ cải trên trang Facebook cá nhân, chị Vân cho biết, trong vòng vài tiếng đã có hàng nghìn đơn hàng và tin nhắn đặt hàng luôn trong tình trạng quá tải. Nhóm của chị Vân đã bán củ cải giúp người dân từ ngày 17.3 và hàng chục tấn củ cải được tiêu thụ.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, một “đồng đội” của chị Vân cũng miệt mài bán củ cải giúp bà con. Phải tận 15 giờ, nhóm mới nghỉ tay để ăn trưa vội vàng trong lúc vắng khách.
Anh Hoàngcho hay, thông qua báo chí, người dân Hà Nội đã tới ủng hộ nhiều hơn. Các cơ quan đoàn thể cũng nhiệt tình mua giúp bà con. Nhiều bếp ăn liên hệ trực tiếp với nông dân để đặt mua với số lượng lớn.
Hiện nay, diện tích củ cải ở huyện Mê Linh lên tới 140 hecta. Nhiều hộ dân trồng củ cải vẫn đang mong được nhóm “giải cứu” tiêu thụ hộ.
Theo quan sát của phóng viên, củ cải được tiêu thụ không hề bị xốp. Nhiều người dân tranh thủ trời nắng mua rất nhiều củ cải để phơi khô. Lượng người mua củ cải đông nhất vào khung giờ tan tầm.
Trước đó, nông dân ở xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) đã đổ bỏ hàng chục tấn củ cải xuống sông Hồng vì rớt giá thê thảm. Đại diện UBND xã Tráng Việt cho biết, hiện xã có khoảng 200ha đất bãi, trong đó có 140ha trồng củ cải, còn lại là các loại rau quả khác.
Ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch huyện Mê Linh cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia “giải cứu” củ cải trắng cho bà con nên mua với giá cao chứ không nên mua giá thấp khiến bà con bị thua lỗ.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn, trong tuần thứ nhất và thứ hai của tháng 3 vừa qua, giá rau quả tươi ở một số mặt hàng rau ưa lạnh như su hào, bắp cải, củ cải… đã giảm. Lý do là người dân trồng trên cả hai nền đất: nền đất chuyên canh trồng rau và nền đất trồng xen giữa hai vụ lúa và một vụ rau.
Đến thời điểm cuối tháng 2 là thời điểm phải dọn sạch ruộng để trả lại đất cấy lúa xuân. Vì thế, việc tồn lại một ít khoảng ruộng còn sót lại cuối vụ, nông dân phải bán rau củ đi thì năm nào cũng xảy ra tình trạng giá thấp hơn vì giảm giá đột ngột. Đây là lý do đầu tiên.
Lý do thứ hai, năm nay giá rau củ có giảm sâu hơn một chút là do thời tiết. Suốt cả vụ đông vừa rồi, rau rất đắt và được giá. Một số hộ nông dân tranh thủ muốn trồng thêm một lứa nữa, nhất là đối với những loại rau ngắn ngày như củ cải, hay su hào cũng chỉ từ 45-60 ngày là đượcthu hoạch.
Tuy nhiên, tới thời điểm thu hoạch thời tiết lại ấm và trùng với thời điểm mà lứa cuối cùng của rau vụ đông rớt lại. Vì vậy, hai vụ xuân sớm và đông trùng nhau làm cho sản lượng tăng đột biến vào một thời điểm nhất định.
Nguyên nhân thứ ba là năm nay loại rau ưa nhiệt (nhiệt đới) phát triển rất tốt do cuối tháng 2 đầu tháng 3 nhiệt độ cao nên nhómrau này phát triển mạnh. Cho nên, đến thời điểm từ tuần thứ 2 của tháng 3 đã có rất nhiều rau bán trên thị trường. Và sau một thời gian người tiêu dùng ăn rau ưa lạnh như su hào, bắp cải nhiều, người ta sẽ quay sang tiêu thụ nhiều các rau kia làm cho các loại rau ưa lạnh bị giảm sức tiêu thụ.
Nguyên nhân thứ tư, ở một số vùng sau khi nghỉ tết, các khu công nghiệp chưa quay lại hoạt độngbình thường nên các bếp ăn chưa mở cửa trở lại, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ cũng giảm.
Dướiđây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại:
Bài và ảnh: Trịnh Giang