Bài 1: Thực hư về giống lúa Thiên Đàng!
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:59, 26/03/2020
Quảng bá rầm rộ
Anh Lê Văn Hiếu (49 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Lập, H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cho biết, anh mới trồng giống lúa Thiên Đàng vụ đầu này. Anh sạ lúa giống 7 kg/công tầm lớn (hơn 1.300 m2). “Lúa giống anh mua từ Công ty Thiên Đàng với giá 25.000 đồng/kg, do mua tiền mặt. Khi sạ lúa giống xuống mặt ruộng, anh chỉ xịt thuốc diệt cỏ mầm. Khi lúa lớn hơn thì anh xịt thêm cử thuốc diệt cỏ lớn”, anh Hiếu nói.
Cũng theo anh Hiếu, trong suốt vụ trồng lúa giống Thiên Đàng anh chỉ sử dụng 30 kg phân bón hiệu NPK cho 1 công đất tầm lớn. Lúc lúa nhỏ bị sâu cuốn lá nhưng anh không xịt thuốc mà vẫn vượt qua. Tổng chi phí sản xuất anh chỉ tiêu tốn khoảng 775.000 đồng. Vụ lúa đông xuân này anh đã thu hoạch được 650 kg/công tầm lớn. Anh bán lúa tươi cho Công ty Thiên Đàng, giá 10.000 đồng/kg.
“Tính ra tui lời được 4 triệu đồng/công tầm lớn mà tui làm được 9 héc-ta. Còn giống lúa IR 50404 thì 1 công thu hoạch được 1 tấn lúa mà bán giá 5.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư lên tới 3-3,5 triệu đồng/công. Tui thấy giống lúa Thiên Đàng trồng nhẹ phân, ít tốn nước, rễ bám sâu và ít sâu bệnh. Nó phù hợp vùng đất của mình”, anh Hiếu đánh giá.
Vài nông dân khác ở H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũng có nhận định tương tự giống như lời anh Hiếu. Họ còn có ý định mở rộng diện tích trồng giống lúa Thiên Đàng trong thời gian tới. Ngoài ra, thời gian qua trên nhiều trang mạng xã hội cũng xuất hiện những thông tin (chủ yếu là video) quảng bá cho giống lúa Thiên Đàng.
Rằng trồng giống lúa này không cần sử dụng phân bón, thuốc BVTV mà chất lượng gạo ngon, thơm mùi sữa. Thậm chí đến ốc bươu vàng, giống lúa này cũng tự khắc kháng được, không cần phun thuốc diệt ốc như kiểu canh tác truyền thống. Tuy nhiên, sau đó, kiểm tra lại trên internet, PV phát hiện một số video giới thiệu về giống lúa Thiên Đàng đã không tồn tại.
Mảnh ruộng trồng lúa giống Thiên Đàng - Ảnh: Tô Văn
“Cái giống lúa này quan trọng nhất là nó có 1 cái nốt ruồi, không ai giả được. Cái nốt ruồi nằm bất cứ nơi nào trong hạt gạo, mà đưa lên mặt trời nhìn là thấy hết. Nốt ruồi nằm ở trong vỏ cám, giống như con bọ mắt. Hễ thấy nốt ruồi là tên lúa Thiên Đàng. Thiên Đàng là tên do minh sư của tui đặt”, ông Bùi Tuấn Kiệt (tên gọi khác là Ba Lực), 56 tuổi - người mang giống lúa từ Thái Lan về - nói.
Tuyên truyền nông dân trồng lúa theo… “huyền cơ”
Ông Kiệt cho biết, dù con gái làm Giám đốc nhưng ông mới là người điều hành mọi việc. Cũng theo ông Kiệt, “minh sư” của ông đem lúa về trồng trên đất Campuchia. Tháng 8.2018 âm lịch, ông Kiệt sang Campuchia “thỉnh” từ “minh sư” về 2 kg lúa. Tháng 10.2018 âm lịch, ông được 1 người tặng thêm 2 kg nữa. Ông mang 4 kg lúa giống Thiên Đàng về trồng tại ấp Bắc Sơn, TT.Núi Sập, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông chỉ sử dụng 2 chai thuốc vi sinh mà đến tháng Giêng 2019, lúa cho thu hoạch được 2,3 tấn.
Ông Kiệt cho hay, ông lấy lúa ấy bán thiếu cho nông dân với giá 2 triệu đồng/kg để họ trồng, với mỗi công gieo sạ 1 kg giống. Riêng ông cũng trồng với khuyến cáo là trồng theo “huyền cơ” nên không sử dụng phân thuốc. Vụ mùa ấy chỉ có mười mấy người làm theo ông. Và sau đó, ông đánh giá bà con trồng không thành công nên tự mình đi thuê đất để trồng. Và hiện ông đang trồng hơn 2.700 công.
“Lúc làm được 2,3 tấn, tui thường nói, và đi đâu tui cũng nói với tất cả mọi người là cây lúa này ngày sau 1 hạt gạo sẽ cứu được 1 mạng người. Tui nói hổng ai tin. Nhưng bây giờ tui vẫn tiếp tục nhân rộng. Đây là của Phật tại thế, thành ra tui nhân ra rất nhanh”, ông Kiệt nói.
Tuy nhiên, làm việc với cơ quan chức năng, bà Bùi Thoại Anh, Giám đốc Công ty Thiên Đàng, xác nhận, giống lúa Thiên Đàng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Công ty này thực hiện ký kết với nông dân về sản xuất giống lúa Thiên Đàng, sau đó thu mua lúa nguyên liệu về phơi sấy, đóng bao lúa giống Thiên Đàng để tiếp tục quảng bá, cung cấp cho các hộ dân khác sản xuất nhằm mở rộng diện tích.
Phần sau: Cơ quan chức năng lên tiếng
Tô Văn