DN tư nhân đang teo dần, còn khối FDI báo lỗ kỷ lục
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:50, 23/03/2018
Gần 40% doanh ngiệp FDI báo lỗ
Tại buổi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) diễn ra ngày 22.3, theo kết quả báo cáo năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục phục hồi, dù chậm nhưng chắc chắn, sau đợt suy giảm vào năm 2012-2013. Các doanh nghiệp FDI đã tăng cường nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm vừa qua.
Cụ thể doanh thu của doanh nghiệp FDI trung bìnhđạt 2,43 triệu USD, cao gấp 3 lần so với các năm trước. Tuy nhiên, sự gia tăng này đi kèm với chi phí kinh doanh cũng tăng cao tới 2,02 triệu USD. Như vậy khả năng sinh lời bị ảnh hưởng.
Theo VCCI, khả năng sinh lời của doanh nghiệp FDI là sự suy giảm tạm thời hay là một xu hướng dài hơn. Cụ thể tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, 37,9% doanh nghiệp báo lỗ - cũng là một con số kỷ lục mới.
Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI có xu hướng nhỏ đi, cả về quy lao động và vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp có ít hơn 5 người lao động tăng từ 5,9% tới 7,4% trong giai đoạn 2016-2017. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5 đến 9 lao động là 10,9%. Như vậy có thể thấy xu hướng tăng liên tục rất rõ rệt đối với hai nhóm doanh nghiệp này.
VCCI nhận định “dưới nhiệm kỳ của Chính phủ mới, cảm nhận chung của các doanh nghiệp FDI là tình trạng chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm đáng kể”.
Cụ thể năm 2017 doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ các quy định pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ doanh nghiệp, con số này đã giảm chỉ còn 45%
Mặc dù vậy, không gian để cải thiện vẫn còn rất nhiều. Tình trạng phải chi trả chi phí không chính thức trong các lĩnh vực như thanh, kiểm tra và đấu thầu mua sắm công còn phổ biến và cho thấy dấu hiệu của sự ăn sâu bám rễ như một phần trong văn hóakinh doanh.
Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ cản trở việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài mới, đặc biệt là từ các nước OECD.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang nhỏ đi
Cũng theo VCCI, trong những năm gần đây, mức đóng góp của khu vực tư nhân chính thức chưa bao giờ vượt quá 11%.
Theo số liệu điều tra PCI năm nay, chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Kết quả từ báo cáo điều tra PCI năm 2017 khu vực tư nhân có tỷ trọng sử dụng lao động tăng, việc cải cách đã dẫn tới cắt giảm lao động và tăng cường tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng vốn trong khu vực DNNN.
Khối doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm gần 65% việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi vì khu vực vốn nước ngoài dù đang phát triển nhanh chóng cũng khó có thể hấp thụ được hết hơn 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm. Tuy nhiên, vai trò tạo việc làm của khu vực tư nhân chủ yếu là thông qua các doanh nghiệp thành lập mới.
Theo kết quả điều tra PCI, có trên 50% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động (85% co dưới 50 lao động)
Theo ông Vũ Tiến Lộc, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao (gấp gần 2 lần GDP). Tuy nhiên khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI, tới 70%.
Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu, 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN.
Theo ông Lộc, tại Việt Nam, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô và vốn lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa “Missing the Middle” đã khôngđược khắc phục.
“Sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Việt Nam có chất lượng quản trị doanh nghiệp thấp hơn so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam” ông Lộc nói.
Ngân Hoàng