Vụ PVN thiệt hại 800 tỉ: Quan điểm của phía luật sư và Viện kiểm sát trước giờ tòa tuyên án
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:19, 29/03/2018
Theo diễn biến tại phiên tòa, đại diện VKS, các luật sư cũng như bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN) đã có những tranh luận xoay quanh việc NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Lập luận của ông Đinh La Thăng và các luật sư
Theo đó, quan điểm của các luật sư và các bị cáo,hậu quả của vụ án này là do PVN không được phép thoái vốn, do NHNN mua 0 đồng; cũng có luật sư cho rằng trong quyết định của NHNN mua lại 0 đồng, không có dòng chữ nào nói rằng thiệt hại là 800 tỉ đồng mà chỉ nói chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các cổ đông.
Bị cáo Đinh La Thăng giải thích: Về cơ chế quản lý vốn, HĐQT PVN có ban hành quy chế người quản lý vốn tại các doanh nghiệp bên ngoài. PVN có hàng trăm công trình nên không thể ký quy chế riêng cho từng đơn vị, mà có một quy chế chung đã được HĐQT ban hành về việc quản lý vốn, trong đó nêu rõ quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn của PVN tại các doanh nghiệp.
Theo bị cáo Đinh La Thăng, báo cáo tài chính của ngân hàng đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập, được các cơ quan nhà nước kiểm tra, đánh giá, được báo cáo bởi người đại diện phần vốn PVN tại OceanBank. Đó là cơ sở để HĐQT PVN ra quyết định. Vì vậy, bị cáo Đinh La Thăngđề nghị VKS rút lại lời nhận định này. Ngoài ra, việcngân hàng bị mua 0 đồng, bị cáo Thăng khẳng định lại Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank mới) vẫn đăng ký vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng mà NHNN không phải bỏ thêm tiền vào.
Về kết luận số tiền thiệt hại 800 tỉ đồng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp vẫn bảo lưu quan điểm bào chữa là xuất phát từ việc chỉ đạo ngừng thoái vốn của Thủ tướng Chính phủ. Theo luật sư Thiệp, nếu việc thoái vốn được thực hiện vào thời điểm năm 2014 thì PVN đã thu được 800 tỉ đồng tiền vốn và lãi hơn 244 tỉ đồng cổ tức.
Quan điểm của Viện kiểm sát
Đối đáp lại, VKS cho rằng quá trình góp vốn đầu tư của PVN đã vi phạm khoản 3 điều 27, vi phạm chế độ đặc biệt của HĐQT; chủ trương đầu tư, góp vốn ra ngoài công ty mẹ thì phải được HĐQT tán thành, biểu quyết bằng văn bản chứ không phải chỉ thông qua bằng cách truyền miệng.
Theo VKS, ý kiến của Thủ tướng trong trường hợp này là đã giao các bộngành liên quan hướng dẫn theo thủ tục. Trong đó, văn bản số 12144 của Bộ Tài chính đã yêu cầu rất rõ nội dung này, nhưng PVN đã không thực hiện.
Đối với lần góp vốn thứ 2, VKS nhận định: PVN đã ban hành nghị quyết, sau đó mới xin ý kiến của Thủ tướng và các bộngành. Thủ tướng cũng đã có công văn yêu cầu PVN làm những việc cụ thể nhưng PVN không thực hiện mà tổ chức cuộc họp yêu cầu các thành viên thực hiện theo nghị quyết đã ban hành. Điều này thể hiện rằng Nghị quyết của HĐQT đã được ban hành và có tính chất thực hiện bắt buộc đối với PVN.
“Từ việc thực hiện làm trái như vậy, trong quá trình đầu tư, góp vốn vào OceanBank, PVN cũng không có cơ chế, không phê duyệt phương án từ người kiểm soát nguồn vốn tại OceanBank mà vẫn chỉ căn cứ báo cáo tài chính hằng năm của OceanBank. Theo quy định, người đại diện phần vốn phải trình lên HĐQT phương án kiểm tra, giám sát phần vốn của PVN”, đại diện VKS phân tích.
Từ đó, VKS kết luận: Tất cả những hoạt động sai trái ấykhông được phát hiện ra, dẫn đến OceanBank thua lỗ và NHNN đã phải mua lại với giá 0 đồng để không làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, để không làm xáo trộn hệ thống tín dụng của ngân hàng, và để đáp ứng rất nhiều các tiêu chí khác vào thời điểm đó, chứ không phải chỉ chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các cổ đông.
Trong phần luận tội, VKS cũng đề nghị HĐXX căn cứ vào vai trò, hành vi của từng bị cáo, buộc bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính, các bị cáo khác phải liên đới bồi thường số tiền 800 tỉ đồng cho PVN theo quy định của pháp luật.
Nhã Thanh
Nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng day dứt không được về thắp hương cho bố
PVN góp vốn vào OceanBank: VKS bác quan điểm bào chữa của ông Thăng và luật sư
Ông Đinh La Thăng bào chữa: PVN mất 800 tỉ vì OceanBank bị mua 0 đồng