Sơn của chúng ta!
Văn hóa - Ngày đăng : 11:31, 01/04/2018
Trước 1975, anh là người viết nhạc tôi hâm mộ nhất. Nguyên cuốn ca khúc da vàng của anh, bài nào lời cũng thấm tận ruột gan. Tôi nhớ như hôm qua, lúc tôi cầm micro hát bài "Huế Sài Gòn - Hà Nội" khi nó vừa ra đời, trong đêm lửa trại họp mặt sinh viên tranh đấu 3 miền ở Cần Thơ. "Việt Nam ơi, còn bao lâu, những con người ngồi nhớ thương nhau...". Còn bao lâu?
Anh là một người bạn, thủ thỉ, nhẹ nhàng, ngay cả khi nặng lời tranh cãi với tôi vì ý kiến bất đồng. Lúc thân nhau nhất là khi tòa soạn báo Tuổi Trẻ còn đặt ở 12 Duy Tân và nhà anh ở một con hẽm cách đó không xa. Đang làm việc căng thẳng, anh gọi: "Qua anh nói cái này, cần lắm". Tôi sang ngay, anh chờ ở balcon trên lầu. Và anh cầm đàn, hát cho tôi nghe sáng tác mới viết xong, bài Chiều trên quê hương tôi. Nghe xong, tôi và anh ngồi lặng thinh hồi lâu, tôi chỉ nói, nghe cảm động lắm, anh Sơn, rồi tôi về.
Trước đó, tôi và anh Sơn làm việc chung ở Hội văn nghệ giải phóng Saigon-Gia Định. Anh và nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu thân nhau, dù là hai thái cực, Sơn khẽ khàng, mơ mộng, còn anh Cầu thẳng thừng, thô ráp, cười to, nói lớn. Hai tụi tôi có chung ông bạn thân là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người hay gọi tôi là "thằng bạn trai vô hại" mỗi khi anh đi nhậu về trễ mà muốn bà xã an tâm thì thường gọi điện về nói, anh đi với Kim Hạnh nè. Tôi yêu quí cả hai ông bạn đó dù chẳng nói ra, vì nói bằng thừa và giống như mình... thấy người sang...
Chuyện vui nhỏ, chắc cũng hơn 20 năm rồi. Làm báo Xuân Tuổi Trẻ, tôi ngồi làm với họa sĩ trình bày. Thấy tấm ảnh anh nằm lay lắt góc phòng, tôi hỏi, chị lấy nhé. Xong đem về nhà, mở tủ quần áo, khệ nệ bưng hết đống áo quần ra, đặt bức ảnh đen trắng dưới đáy tủ, rồi để áo quần đè chồng lên. Chiều tối tôi đi làm về, con trai cười ầm ầm, mẹ, ba với con thấy mẹ giấu hình ông nào kỹ quá nên tò mò, mới thử lấy ra coi. Hì hì, hình chú Sơn. Tôi cười to, tại mẹ thấy bức ảnh bị cong vênh ở góc, tội quá con.
Sơn có nhiều nỗi buồn, đó là lương thực nuôi sống anh, chất liệu chính cho anh sáng tác. Nhưng ngày Sơn buồn nhất là ngày anh viết những dòng này, ngày anh mồ côi mẹ, thực là... ngày buồn nhất đời anh.
...Đêm chong đèn ngồi nhớ lại. Từng câu chuyện ngày xưa...
Mẹ là gió uốn quanh. Trên đời con thầm lặng. Trong câu hát thanh bình. Mẹ làm gió mong manh.
Mẹ là nước chứa chan, Trôi giùm con phiền muộn. Cho đời mãi trong lành. Mẹ chìm dưới gian nan.
Mẹ là niềm thương nhớ sâu lặng của anh. Mẹ tôi mất gần ngày giỗ của anh. Nhớ mẹ, lại nhớ Sơn. Anh đi. Khoảng trống không lấy gì thay thế được.
Bức ảnh bị nhét đáy tủ của anh đây.