Lại rộ chuyện ‘Mafia ném phao’ đáp án thi đại học ở Ấn Độ
Quốc tế - Ngày đăng : 16:04, 03/04/2018
Theo cách gọi ở Ấn Độ, “Mafia gian lận thi cử” có đông thành viên, muốn kiếm tiền từ những phụ huynh và thí sinh tuyệt vọng muốn đậu đại học, trong khi suất đại học và số việc làm hậu đại học ở Ấn Độ lại rất hạn chế: Mỗi năm ở Ấn có 17 triệu người nhập vào khối nhân sự lao động vốn chỉ có 5,5 triệu việc làm, theo báo Guardian ngày 3.4.
“Một nền giáo dục thất bại”
Theo Guardian, gian lận thi cử ở Ấn Độ là vấn nạn kinh niên, có tổ chức và hiện đại. Ở Bihar, một trong những bang nghèo nhất Ấn, hơn 1.000 thí sinh bị đuổi vì gian lận thi cử hồi tháng 2.
Năm 2017, một thí sinh có điểm cao nhất ở bài thi môn nghệ thuật hóa ra lại là một người đàn ông 42 tuổi. Và một nữ thí sinh có điểm nghệ thuật cao nhất hồi năm 2016 đã bị thu hồi bằng đại học, sau khi nổi lên những nghi ngờ, gồm việc thí sinh này trả lời phỏng vấn truyền hình: cô tin môn khoa học chính trị chính là học nấu ăn!
Năm 2015, bang Bihar khiến giới truyền thông toàn cầu phải chạy tin trang nhất, khi những băng vidéo chiếu các phụ huynh leo lên một tòa nhà 5 tầng để “đưa phao” đáp án cho con họ đang thi trong tòa nhà.
Năm 2018, để bảo đảm không có gian lận thi cử, chính quyền bang Bihar lắp đặt máy quay bảo vệ an ninh CCTV ở các phòng thi, và buộc thí sinh phải cởi giày, tất ở ngoài cửa phòng thi.
"Mafia gian lận thi cử" leo các tầng để đưa "phao" đáp áp cho thí sinh - Ảnh: India Today
Bà Yamini Aiyar, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu chính sách (thuộc chính phủ Ấn Độ) nói: “Rõ ràng đó là dấu hiệu của một nền giáo dục thất bại”.
Bà quytrách nhiệm sự gian lận thi cử cho sức ép mãnh liệt phải đậu đại học, và đổ trách nhiệm cho một nền giáo dục chỉ chú trọng xây trường mới, nhưng lãnh đạo Bộ Giáo dục Ấn độ không hề quan tâmchuyện gì xảy ra bên trong các trường.
Bà Aiyar nói: “Các nghiên cứu cho chúng tôi biết trung bình một nửa học sinh lớp 5 chỉ có trình độ lớp 2”. Bà nói thêm rằng sự chênh lệch này chính vì phụ huynh và lãnh đạo ngành giáo dục đo thành tích học tập và “chấm thi đua” thăng cấp cho giáo viên dựa trên tỉ lệ học sinh của một trường hoặc một quận (huyện) vượt qua được kỳ thi.
Chuyện “ném phao” đáp án ngay tại thủ đô
Và ngay chính quan chức ngành giáo dục cũng được “thưởng” bằng cách giúp gian lận thi cử hoặc làm ngơ cho “Mafia gian lận thi cử” lộng hành.
Guardian cho biết: tuần trước đã phát hiện vụ lộ đề mới nhất, liên quanđề thi hai môn cấp trung học bị tuồn lên ứng dụng di động WhatsApp khoảng 90 phút trước giờ thi.
Vài phút trước khi thi môn toán ở trường trung học nọ tại thủ đô New Delhi, Raghav xin giám khảo cho đi vệ sinh. Ở đó, em dùng điện thoại di động chụp ảnh đề thi rồi lén gởi đến một số điện thoại mà cậu đã lưu vài ngày trước.Chỉ vài phút sau, bài giải hiện trên màn hình điện thoại của em.
Nhưng người mẹ Sunita nhấn mạnh: “Không phải gian lận thi cử. Đó là một giải pháp”. Bà đã chi số tiền 16.000 rupee (175 bảng Anh) để con trai bà có số điện thoại của người giải bài thi toán.
Bà Sunita đề nghị giấu tên họ vì lý do pháp lý, cho biết bà liên lạc với “Mafia gian lận thi cử” thông qua một trung tâm ôn thi mà con bà từng đến học trước kỳ thi năm 2017.
Bà kể: “Thầy nói con tôi học quá yếu, không lo học và thầy không muốn con tôi lập lại chuyện thi rớt hồi năm ngoái”.
Ông thầy này giới thiệu bà với người có thể gởi đáp án hai môn toán và kinh tế cho Raghav, nhưng người giải bài thi và thí sinh không được biết nhân thân của nhau.
Bà Sunita cùng 4, 5 phụ huynh khác đồng ý “sự giúp đỡ”, nói đây là chuyện hoàn toàn phổ biến, và nhóm “giúp đỡ” đạt lợi nhuậnkhổng lồ: “Cả nhóm chúng tôi có lẽ đã trả khoảng 60.000 rupee cho người giải bài thi”.
Với sự giúp đỡ của kẻ gian lận trực tuyến, thí sinh Raghav “làm bài thi tốt”, hiện đang theo học một lớp quay phim và muốn lập sự nghiệp bằng chiếc máy chụp ảnh.
"Mafia gian lận thi cử" khoe số "phao" in sẵn - Ảnh : Daily Star
Từ vụ việc bị lộ, hơn 2,8 triệu thí sinh ở thủ đô New Delhi và vùng lân cận đã phải chịu thi lại hai môn toán và kinh tế vào ngày 25.4 tới.
Thí sinh Kirath Kaul, 15 tuổi, sẽ phải thi lại môn toán,: “Đó là cuộc tra tấn tinh thần. Em ôn thi cả ngày, thậm chí phải thức khuya để chuẩn bị thi”.
Và dù Kaul dù tích cực ôn tập ở nhà, em vẫn đang phải chuẩn thi lại môn toán vào ngày 25.4 tới. Cô gái nói: “Nhưng em sợ các bạn gian lận sẽ lại làm bài tốt hơn em. Em ôn kỹ, nhưng mọi người chỉ muốn xem kết quả, không muốn biết ai gian lận”.
Theo các thăm dò thì sự vận động xã hội ở Ấn đang được cải thiện, nhưng không đủ nhanh để đáp ứng sự kỳ vọng của một thế hệ đang ưng mạng xã hội, văn hóa phương Tây cùng những lời tuyên bố “Thời của Ấn Độ đã điểm” của các quan chức.
Nhưng bà Snigdha Poonam, tác giả một đầu sách mới, mang nội dung về tham vọng và kỹ năng của giới trẻ Ấn Độ, nói: "Kỹ nghệ gian lận thi cử ở Ấn Độ đang phát triển cũng những trò gian lận có tổ chức khác. Giới trẻ Ấn Độ đang bị hút vào nền kinh tế dựa trên những gian lận, chính vì thiếu những giải pháp chính đáng cho thị trường việc làm, tạo nên một lằn ranh mờ giữa hành động trung thực và gian manh, cùng việc thiếu khả năng xác định những cách biệt của thị trường cũng như thiếu nguồn lực, đã đẩy giới trẻ đến những phương cách nhằm kiếm tiền dễ dàng”.
Bích Ngọc (theo Guardian)