Thiếu ý thức, sống nhà phố hay chung cư nguy cơ cháy vẫn như nhau

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 20:09, 03/04/2018

Hiện nay, nhiều người đang có tâm lý lo lắng, bất an khi sinh sống tại các chung cư sau vụ cháy Carina Plaza tại TP.HCM. Tuy nhiên, nếu không có ý thức đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy thì ở sống ở nhà phố hay chung cư cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư” do Báo Thanh niên tổ chức diễn ra ngày 3.4.

Báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM cho thấy, trong thời gian qua, tình hình cháy nổ ở TP.HCM diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Cụ thể, trong năm 2017, TP.HCM đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỉ đồng. Đặc biệt, đáng lo ngại là trong 1.037 chung cư tại TP.HCM thì có đến 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC.

Cạnh đó, nhiều chung cư được xây dựng trong các con hẻm nhỏ cũng gây khó khăn cho công tác PCCC nếu xảy ra sự cố cháy nổ. Chưa kể, thành phố còn tồn tại tình trạng các chung cư chưa xây dựng xong, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, chưa hoàn thiện nhưng vẫn đưa cư dân vào ở.

Theo ông Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về PCCC (Cảnh sát PCCC TP.HCM), sau vụ cháy ở chung cư Carina Plaza, nhiều người có tâm lý muốn mua nhà phố thay thế cho chung cư. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng dù ở chung cư hay nhà phố mà ý thức về PCCC của chính người dân còn chưa đầy đủ, chưa quan tâm sâu sắc thì ở đâu nguy cơ cháy cũng như nhau.

Cụ thể, tại chung cư Carina Plaza, mặc dù cơ quan chức năng đã kiến nghị nhiều lần đến chủ đầu tư, đơn vị vận hành tòa nhà chung cư, nhưng một số cư dân Carina vẫn còn chủ quan. Vì vậy, khi xảy ra cháy tại chung cư này, cảnh sát PCCC phát hiện các cửa cầu thang bộ đều mở tang hoác, dẫn đến sức nóng từ đám cháy kèm khói xộc thẳng lên các tầng lầu. Chính việc kém ý thức này khiến cầu thang thoát hiểm trở thành “thang tử nạn”.

“Dù là bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa thì có lẽ ý thức về PCCC của đa số người dân không cao. Người dân vẫn còn thiếu kiến thức về sử dụng các thiết bị điện và kỹ năng thoát hiểm. Nguyên nhân dẫn đến cháy vừa qua chủ yếu do ý thức của cư dân. Chỉ khi cư dân có trách nhiệm, nắm bắt thông tin đầy đủ và tuân thủ các quy định PCCC thì vấn đề cháy nổ ở chung cư mới được đảm bảo tốt nhất”, ông Quang nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng quản lý Nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM) nói rằng, không riêng gì chung cư, nếu không có ý thức phòng cháy chữa cháy thì nhà ở riêng lẻ cũng có nguy cơ cháy nổ.

Theo ông Hải, ở các chung cư cao tầng, bên cạnh việc chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC thì cư dân sống trong chung cư thiếu ý thức cũng là nguyên nhân khiến nhiều vụ cháy ngày càng xảy ra. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở ban ngành, UBND các quận huyện trong việc đảm bảo an toàn về PCCC cũng còn nhiều bất cập.

Ông Hải cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.200 chung cư cũ và được xây mới, chiếm 8,4% trên tổng số nhà ở được xây dựng. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ chung cư được xây dựng chiếm 24,6% so với tỷ lệ xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Việc phát triển các dự án chung cư, nhà cao tầng là tất yếu, phục vụ nhu cầu nhà ở tăng cao trong quá trình đô thị hoá nhanh của thành phố, góp phần xây dựng diện mạo đô thị hiện đại. Do đó, từ nay đến tháng 9.2018, TP.HCM sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá điều kiện an toàn PCCC các chung cư, nhà cao tầng.

Phan Diệu

Phan Diệu