ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Nên sáp nhập 5 tổ chức CT-XH thành các ban của MTTQ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:29, 07/04/2018
Trình bày đề án “Đổi mới mô hình và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” tại hội thảo cùng tên diễn ra ngày 6.4, ông Mai Văn Chính, Phó ban Tổ chức Trung ương cho biết, trong 30 năm đổi mới, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ đã bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém, bất cập; cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh bất hợp lý, kém hiệu quả, trên một số chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch, rõ ràng.
“Điều đó đòi hỏi MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới”, ông Chính nói.
Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương đã triển khai nghiên cứu đề tài đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra xin ý kiến về 4 phương án đổi mới mô hình tổng thể của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Phương án 1, giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay, tuy nhiên có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án 2, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch MTTQ và các đoàn thể chính trị và thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, trước mắt ở cấp tỉnh, cấp huyện với tên gọi thống nhất là khối MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trên cơ sở cơ cấu lại cơ quan tham mưu, giúp việc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội hiện nay. Trưởng khối là chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó trưởng khối gồm 5 đồng chí là trưởng các đoàn thể, riêng MTTQ tỉnh thành phố có thêm 1 phó chủ tịch làm phó chủ tịch thường trực khối.
Phương án 3, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của MTTQ, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và cấp xã.
Phương án 4, hợp nhất ban dân vận và MTTQ.
Theocác chuyên gia, việc đổi mới tổ chức phải trên cơ sở nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận, tinh giản bộ máy theo hướng chất lượng cán bộ cao hơn. Cán bộ mặt trận phải là những người có năng lực chuyên môn giỏi, có đạo đức tốt và đặc biệt phải có uy tín trước cư dân nơi mình đang sinh sống, nơi mình đang công tác.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng ủng hộ phương án 3 và cho rằng cần phải đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ cũng như các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo ông Nhưỡng, bản thân MTTQ đã là một liên minh chính trị. Bản chất của MTTQ là cơ quan trung gian nhưng hiện nay lại đang hoạt động như một cơ quan độc lập. Các tổ chức chính trị xã hộicần thu gọn lại, không thể tổ chức như mô hình Nhà nước, sẽ rất tốn kém kinh phí.
“Bộ máy tổ chức với một số lượng lớn cán bộ và kinh phí thì nhân dân, Nhà nước nhìn vào rất bất cập. Hiện nay bộ máy Nhà nước đang phải thu gọn thì các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cũng phải thu gọn lại”, ông Nhưỡng nêu.
"Các tổ chức chính trị - xã hội khác với tổ chức xã hội nghề nghiệp. Các tổ chức chính trị -xã hội hiện đang phải bao cấp kinh phí hoạt động, chưa kể đất đai, trụ sở, phương tiện… còn tổ chức xã hội nghề nghiệp còn làm ra tiền. Nhà nước không thể bao cấp mãi. Chúng ta nên thu gọn lại để tăng thêm hiệu lực, hiệu quả chứ không nên phân tán tổ chức, con người…”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo vị này, từ năm 1981, Bộ Tài chính đã có Thông tư 79 nêu vấn đề tách dần việc cấp kinh phí, yêu cầu tính tự chủ của các tổ chức xã hội. “Dần dân các tổ chức phải tự chủ, nếu không tự chủ được thì các tổ chức phải giải tán. Nhà nước sẽ không bao cấp mãi”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Trả báo phóng viên Một Thế Giới trước đó, ông Phạm Quang Tú - Trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách (Tổ chức Oxfam) cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chính là hội. Về nguyên tắc, hội phải tự trang trải tài chính.
Ông Tú dẫn nghiên cứu của Viện Chính sách và Phát triển cho biết, mỗi năm phải dành 14.000 tỉ đồng ngân sách cho các hội. Tuy nhiên, con số này mới chỉ dành cho MTTQ và các tổ chức thành viên cùng với 6 tổ chức chính trị, chưa kể các hội đặc thù nên con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Ngoài chi phí trực tiếp rót từ ngân sách hàng năm còn có chi phí cơ hội, lên đến 68.000 tỉ đồng. Con số này là quá lớn trong khi chưa có ai đánh giá hiệu quả hoạt động của những tổ chức này.
Do đó, ông Tú cho rằng thời gian tới cần có những đánh giá trực tiếp, lượng hóa hiệu quả của những tổ chức này. Cần phải minh bạch giải trình hơn nữa. “Cá nhân tôi nhận thấy việc chi ngân sách cho các tổ chức này là quá nhiều và hiệu quả chưa tương xứng, cần phải đánh giá lại một cách kỹ lưỡng”.
Lam Thanh