Bắc cực thành điểm nóng khi các cường quốc tăng cường hiện diện

Quốc tế - Ngày đăng : 20:39, 11/04/2018

Khi hiện tượng nóng lên toàn cầu làm tan băng ở vùng Bắc cực, các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc đều tìm cách kiểm soát tài nguyên và tuyến vận tải biển tại đây. Điều này biến khu vực thành một điểm nóng an ninh mới.

Vào tháng 3, một con tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cỡ lớn rời Yamal, bán đảo nằm ở tây bắc Siberia của Nga, đi đến Ấn Độ. Đây là lô hàng LNG đầu tiên đi qua vùng Bắc cực qua eo biển Bering.

Tập đoàn năng lượng Novatek là đơn vị sản xuất LNG tại Yamal. Phó chủ tịch công ty Lev Feodosyev đánh giá: “Chuyến hàng đầu tiên sang thị trường Ấn Độ là một bước phát triển quan trọng”.

Cơ hội từ biến đổi khí hậu

Băng ở Bắc cực đang tan dần do nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng. Diện tích băng bao phủ tối đa đã ở mức thấp kỉ lục trong năm 2017. Theo Chương trình Giám sát và Đánh giá Bắc cực của tổ chức liên chính phủ Hội đồng Bắc cực, đến đầu năm 2030, Bắc Băng Dương vào mùa hè sẽ không còn băng.

Hiện tượng này đã mở ra những tuyến vận tải biển mới có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và địa chính trị. Những lợi ích ngay trước mắt bắt nguồn từ việc thời gian vận chuyển được rút ngắn. Đi từ Yamal đến Đông Á (qua vùng Bắc cực) chỉ cần khoảng hai tuần, một nửa thời gian khi đi tuyến vận tải qua kênh đào Suez và Ấn Độ Dương.

Không những vậy, khu vực Vòng Bắc cực (vĩ tuyến 66 độ 33 phút Bắc) có thể chứa 30% lượng khí đốt chưa được khai thác của thế giới, theo Cơ quan địa chất Mỹ.

Các cường quốc không thể bỏ qua

Nga đã nhanh chóng thực hiện chiến lược khai thác tài nguyên Bắc cực của mình. Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 12.2017 đã đến Yamal dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất LNG. Nhiệt độ xuống gần -30 độ C và bầu trời u ám không ảnh hưởng gì đến tâm trạng vui vẻ của lãnh đạo Moscow.

Hoạt động tại Yamal của Nga được Trung Quốc giúp sức. Quốc gia châu Á chi trả một phần cho dự án sản xuất LNG. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) nắm giữ 20% cổ phần, cộng thêm 9,9% số tiền từ Quỹ Con đường tơ lụa.

Than đá chiếm tới 60% tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ của Trung Quốc, nhưng nước này đang nỗ lực chuyển qua dùng khí đốt để giảm ô nhiễm. Đây là lý do Bắc Kinh mở rộng đầu tư vào các dự án khí đốt toàn cầu.

Với Nga, dự án Yamal chỉ mới là khởi đầu. Trong Thông điệp Liên bang ngày 1.3, Tổng thống Putin tuyên bố: “Tuyến hải trình Biển Bắc (Northern Sea Route) sẽ trở thành chìa khóa cho sự phát triển khu vực Bắc cực của Nga và vùng Viễn Đông, và đến năm 2025 lưu lượng hàng hóa của nó sẽ tăng gấp 10 lần. Nhiệm vụ của chúng ta là biến tuyến hải trình này thành một đường vận chuyển mang tính cạnh tranh trên quy mô toàn cầu”.

Moscow cũng đang tiến hành một dự án Yamal thứ hai, mang tên Arctic LNG 2. Nước này muốn tăng sản lượng LNG lên 50 tấn vào năm 2030. Vào tháng 11, Novatek và CNPC đã kýmột thỏa thuận hợp tác chiến lược trong dự án Artic LNG 2.

Bên cạnh Ấn Độ (đang nhập khẩu sản phẩm LNG), Ả Rập Saudi cũng đang nổi lên là đối tác tiềm năng của Nga. Moscow cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với Singapore, nước có thể bị thiệt hại khi các tuyến vận tải chuyển hướng. Những công nghệ về vận tải biển và nhiều ngành khác của quốc gia Đông Nam Á rất hấp dẫn đối với Nga.

Một cường quốc khác cũng đang củng cố vị trí của mình tại Bắc cực. Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch mở cửa toàn bộ lãnh thổ nước ngoài của nước này cho khai thác dầu khí, kể cả những khu vực ở Bắc cực. Ông Trump đảo ngược chính sách năng lượng của người tiền nhiệm, ưu tiên phát triển tài nguyên. Những dự án dầu khí ở bang Alaska có thể được khởi động vào năm 2019.

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke khẳng định: “Chúng tôi muốn phát triển ngành công nghiệp năng lượng ở nước ngoài”, đây là tín hiệu cho thấy Washington muốn bắt kịp Nga trong cuộc đua kiểm soát khu vực này.

Điểm nóng an ninh

Sự hiện diện của các cường quốc đem lại những lo ngại về an ninh cho Bắc cực. Một lần nữa, hai siêu cường quân sự lại đang “hăm he nhau”, và sự nổi lên của Trung Quốc như một thế lực thứ ba khiến tình hình thêm phức tạp.

Tổng thống Nga đã cho thành lập Hạm đội phương Bắc, đóng tại thành phố cảng Murmansk ở Bắc cực. Phát biểu trên TV vào tháng 3, ông Putin cho biết: “Chúng tôi sẽ không đe dọa ai, nhưng sẽ sử dụng những lợi thế của mình để đảm bảo an ninh của đất nước và công dân Nga. Khu vực Bắc cực rất quan trọng với Nga”.

Cuối tháng 3, một máy bay chống tàu ngầm của Moscow qua Bắc cực để tới Bắc Mỹ, lần đầu tiên kể từ khiChiến tranh Lạnh kết thúc. Chuyến bay này khiến Mỹ và Anh, hai nước đang tập trận tàu ngầm vào thời điểm đó, lo ngại. Các chuyên gia phân tích đây là lời cảnh báo Moscow muốn gửi đến Washington.

Binh sĩ Nga tại quần đảo Franz Josef Land - Ảnh: Reuters

Trung Quốc cũng có động thái gây chú ý. Bắc Kinh trong tháng 1 công bố Sách trắng về Chính sách với Bắc cực, trong đó tuyên bố nước này là “quốc gia gần Bắc cực” và là một bên quan trọng trong các vấn đề liên quan đến khu vực này. Theo quan điểm của cường quốc châu Á, những gì diễn ra tại đây có “tác động trực tiếp” đến lợi ích của họ.

Các nước khác ít tin vào những đảm bảo kiểu như vậy của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Yusuke Honda của Quỹ Hòa bình Sasakawa: “Trung Quốc vẫn chưa công bố mục tiêu thực sự của những đầu tư ở Bắc cực. Tình trạng thiếu thông tin khiến nhiều nước nghi ngờ và sợ hãi”.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, ngày 16.3 đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch này của Bắc Kinh. Ông kêu gọi chính quyền Washington phải cân nhắc xem tham vọng của Trung Quốc tại Bắc cực có ý nghĩa gì trong dài hạn.

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) tiếp đón Thủ tướng Na Uy Erna Solberg. Na Uy là một trong những thành viên của Hội đồng Bắc cực - Ảnh: Reuters

Nỗ lực khám phá Bắc cực trong hòa bình cũng có một số dấu hiệu hứa hẹn. Năm 2017, mười bên bao gồm Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm hoạt động đánh bắt thủy sản ở khu vực trung tâm Bắc Băng Dương trong 16 năm.

Cựu Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson, hiện là chủ tịch của Arctic Circle (một tổ chức tạo điều kiện đối thoại cho các lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, giới nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Bắc cực), cho biết một số cơ sở quân sự tại Bắc cực đã bị đóng cửa, tạo điều kiện gia tăng hợp tác quốc tế giữa các nước. Tuy nhiên, việc giữ cho các cường quốc đối đầu nhau không có hoạt động chống lại nhau tại đây không hề dễ dàng.

Cẩm Bình (theo Nikkei Asian Review)

Cẩm Bình