Danh ca Phương Dung lần đầu kể về việc suýt chết 3 lần
Văn hóa - Ngày đăng : 07:04, 13/04/2018
TrongHãy nghe tôi hátchủ đề Sơn Tuyềnphát sóng tối 12.5danh ca Phương Dung chia sẻ sau khi nghe bài Lòng mẹ, “Lúc Phương Dung mới sinh ra thì bệnh “chết đi sống lại”, gia đình mua hòm về 3 lần mà không chôn được. Có một ông thầy nói với mẹ tôi là: “Con bé này sau này làm mát mặt thím lắm, tôi không biết nó làm cái gì nhưng mà trong lúc nó nói bao nhiêu người ngồi nghe nó nói”.
Đó là lời tiên đoán đầu tiên như định mệnh gắn với cuộc đời cô, sau này khi đi hát, danh ca Phương Dung đều chọn màu áo trắng theo sở thích của mẹ cô: “Phương Dung mặc áo màu trắng vì mẹ thích chứ không phải tôi thích, bởi vì mẹ nói “màu trắng là màu trinh bạch, con mặc áo trắng đi hát người ta sẽ thương con”, từ lý do đó mà cái tên “Nhạn trắng Gò Công” ra đời nổi danh đến tận hôm nay.
Danh ca Phương Dung sinh ra và lớn lên ở Gò Công (Tiền Giang). Cô bắt đầu nổi tiếng từ năm 17 tuổi sau khi trình bày thành công ca khúc “Nỗi buồn gác trọ” của Mạnh Phát - Hoài Linh (1962), sau đó tiếng hát của cô càng được biết đến qua những ca khúc như “Những đồi hoa sim” (1964), “Tạ từ trong đêm” (1965)…
Phương Dung từng được trao giải Huy chương Vàng dành cho nữ ca sĩ năm 1965. Nữ danh ca còn nổi tiếng với biệt danh Nhạn trắng Gò Công do thi sĩ Kiên Giang đề tặng. Trong suốt khoảng hai thập niên 1960-1970, cô cùng với Hoàng Oanh là cặp danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình quê hương.
Sau khi kết hôn, cô định cư tại Úc và thỉnh thoảng vẫn tham gia hoạt động văn nghệ tại Mỹ. Thời gian gần đây, Phương Dung đã trở về Việt Nam phục vụ cho khán giả và tham gia làm giám khảo cho một số cuộc thi ca hát.
Điều xúc động nhất với danh ca Phương Dung là mỗi lần trở về Gò Công, khán giả gặp cô, hay nghe băng của nhà hàng xóm phát ra lại hỏi: “Chị là Nhạn trắng Gò Công hả?”. Danh hiệu đó luôn đi trước tên thật của cô.