80% người nội trợ mắc phải các lỗi này khi nấu ăn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:44, 15/04/2018
Chọn kích cỡ xoong, chảo
Thông thường mỗi nhà bếp đều có ít nhất hai kích cỡ cho mỗi loại dụng cụ nấu nướng xoong hoặc chảo. Dùng kích cỡ to hay nhỏ còn phụ thuộc vào lượng thức ăn mà bạn nấu.
Nếu như nấu quá ít mà bạn dùng kích cỡ quá to hay nấu quá nhiều mà bạn dùng kích cỡ quá bé cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng món ăn bạn nấu. Nếu lượng thức ăn quá nhiều bạn có thể chia ra thành nhiều lần nấu, chứ không nên nhồi nhét hết vào một lần.
Quá vội vàng khi nấu món kho, hầm
Hầu hết các món kho, hầm đều yêu cầu bạn đun nhỏ lửa, liu riu trong khoảng thời gian tương đối dài để nguyên liệu có thể chín mềm và ẩm. Tuy nhiên đôi khi do vội vàng, bạn mắc phải lỗi nấu ăn cơ bản này: vặn lửa to lên và đun cho thật nhanh cạn nước.
Nhìn bên ngoài, món ăn trông có vẻ ổn, tuy nhiên khi ăn bạn sẽ cảm nhận được ngay bởi thịt sẽ bị khô, cứng mà không có được độ ẩm mềm của món hầm ngon. Chính vì vậy những khi không có thời gian thì bạn nên tìm kiếm các món xào nhanh chứ không nên cố làm món kho hay món hầm nhé!
Bạn đảo / lật đồ ăn quá nhiều trong chảo hoặc nồi
"Để yên đồ ăn trong khi nấu" là một trong những bài học khó khăn nhất khi bạn muốn trở thành một người nấu ăn giỏi. Thường thì bạn sẽ cảm thấy khá sốt ruột khi chiên hay xào nên cứ liên tục lật mặt đồ chiên hoặc đảo nguyên liệu trong chảo.
Hãy nhớ rằng món xào sẽ dễ bị nát hoặc món chiên sẽ dễ bị vỡ và lớp vỏ chiên bên ngoài sẽ không được vàng đẹp khi bạn cứ liên tục lật hoặc đảo nguyên liệu. Hãy cố gắng kiên nhẫn hơn và bạn sẽ có được món ăn thật ngon và đẹp mắt đấy!
Vội vàng ăn thịt ngay sau khi chế biến xong
Bạn đang đói và sốt sắng muốn dùng bữa ngay khiến bạn không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của đĩa thịt thơm lừng vừa được chế biến xong. Tuy nhiên, với các loại thịt chế biến kiểu bít tết (thịt gà, thăn lợn…) được nấu trong lò hoặc nướng trên vỉ thì bạn không nên làm như vậy. Bởi khi ấy, nếu thái ngay lập tức nước từ thịt sẽ chảy xuống thớt hoặc đĩa.
Trong trường hợp này, khi bạn nướng thịt trên vỉ, lò, hãy để nghỉ ở nhiệt độ phòng ít nhất 5 phút (20 phút với gà nguyên con) để nước thịt có thời gian ngấm đều, món thịt sẽ mềm và ngọt hơn. Nếu bạn lo lắng món thịt sẽ bị nguội, bạn hãy bọc kín lại với một miếng giấy bạc.
Làm nóng chảo
Bạn không nên làm nóng chảo quá nhanh trong 2 – 3 phút, vì như vậy lượng nhiệt sẽ không được phân bố đều trên mặt chảo và lòng chảo sẽ nóng quá mức. Đây là nguyên nhân chính khiến thức ăn bị cháy ở giữa chảo. Để tránh tình trạng này, bạn hãy làm nóng chảo từ mức nhiệt độ nhỏ đến to dần rồi mới cho thức ăn vào chế biến.
Nấu luôn thịt mới lấy từ tủ lạnh
Sau khi miếng thịt được lấy ra từ ngăn đá tủ lạnh, nhiều người đã bỏ qua bước rã đông mà bắt tay vào việc chế biến luôn. Với thói quen này, khi nấu miếng thịt sẽ có khả năng chỉ chín được phần bên ngoài, trong khi đó phần bên trong thì vẫn cháy.
Vì thế, với những miếng thịt đông cứng, bạn nên có thao tác rã đông trước khi chế biến. Với phương pháp trong tủ lạnh, bạn hãy lấy miếng thịt ra khỏi ngăn đá và chuyển xuống ngăn mát, thời gian rã đông là từ 8 đến 24 giờ tùy thuộc vào khối lượng của miếng thịt.
Còn với cách rã đông bằng bồn nước lạnh, bạn hãy cho nguyên túi thịt được bọc tín vào nồi hoặc bát nước mát. Cứ 30 phút bạn lại thay nước một lần. Quá trình rã đông này chỉ mất một giờ hoặc ít hơn.
Không làm nóng đồ ăn bằng lò vi sóng ở nhiệt độ cao
Các bạn không nên quay đồ ăn trong lò vi sóng ở nhiệt độ cao, vì thức ăn sẽ không được nóng đều và hương vị sẽ bị biến đổi, thậm chí là chất lượng món ăn có thể không tốt hoặc có thể làm hỏng hoàn toàn món ăn. Thay vì thế bạn hãy để để nhiệt độ thấp hơn và tăng thời gian làm nóng.
Hà Anh (t/h)