‘Wild Wild Country’ – phim chấn động về giáo phái tình dục nổi tiếng nhất nước Mỹ

Văn hóa - Ngày đăng : 09:03, 15/04/2018

Rajneesh là một trong những làn sóng đạo giáo tình dục cực đoan và gây tranh cãi nhất từng tồn tại bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Kí ức nó để lại sau 4 thập niên, tái hiện qua ‘Wild Wild Country’ - series tài liệu đặc sắc do Netflix phát hành, vẫn khiến nhiều người kinh ngạc.

Thập niên 60-70 thế kỉ trước, nước Mỹ chứng kiến hàng loạt đổi thay chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng. Giữa muôn vàn xáo trộn đời sống, con người càng có thói quen tìm tới đạo giáo, như một ‘bến đỗ’ bình yên cho tâm trí. Duy, bên cạnh những tôn giáo chính thống đáng kính, không ít hội nhóm bí ẩn lại ‘rao bán’ giá trị tâm linh theo khuynh hướng khiêu gợi kì quặc, gây chỉ trích.

Giai đoạn 1970, một số người bắt đầu theo chân, ủng hộ vị giáo trưởng gốc Ấn với danh xưng Bhagwan Shree Rajneesh, nhân vật đã dựng nên giáo phái huyền bí mang tên ông, để ‘rao giảng’ cái ông gọi là ‘tự do tình ái'.

Khởi nguồn tại khu vực Poona, Ấn Độ, cánh giáo dân Rajneesh thu nhận thường mặc trang phục áo choàng cam nổi bật, tham gia vào những nghi thức thiền định - ‘thanh tẩy’ tâm linh đầy bạo lực. Không lâu sau khi thành lập, dưới sức ép từ phía chính phủ Ấn lúc bấy giờ yêu cầu xóa sổ cộng đồng cuồng tín này, vị giáo trưởng chọn cách di cư đến ‘miền đất hứa’ mới - Bắc Mỹ.

Năm 1981, Rajneesh mua một khu nông trang rộng lớn ở ngoại ô bang Oregon, với ý định xây nên chốn ‘địa đàng trần gian’ riêng.

Rajneesh và những giáo dân của ông trong màu áo cam nổi bật

‘Wild Wild Country’ - phim tài liệu 6 tập đang trình chiếu độc quyền trên kênh Netflix, sản xuất bởi bộ đôi đạo diễn Chapman và Maclain Way, lột tả những gì xảy ra sau đấy với Bhagwan và thành phố đạo giáo kì dị của ông. Sự đối đầu căng thẳng, hỗn loạn giữa giáo dân cùng cư dân bản địa, kéo theo một vụ đầu độc quy mô và âm mưu giết người, dễ khiến khán giả phải sửng sốt.

Có thật Rajneesh là một ‘giáo phái tình dục’? Trong quá khứ, nhận xét như thế có thể bị xem là cố gắng áp đặt với giáo dân Rajneesh. Thế nhưng, hẳn nhiên, có vài phần là thật trong định nghĩa trên. Tư duy tâm linh vị giáo trưởng hướng đến tương đồng nhất định với Phật giáo lẫn Hindu giáo. Dù vậy, trái ngược nền tôn giáo truyền thống, Rajneesh cổ xúy quan hệ thể xác, gần như ‘lý tưởng hóa’ hành vi tính dục.

Ông cho rằng, kìm nén bản năng tự nhiên là điều nguy hiểm. Và việc Rajneesh công khai ủng hộ nạn nạo phá thai hay vấn đề kiểm soát sinh sản, hoàn toàn ‘chống đối’ với suy nghĩ đương thời của người dân Oregon.

Một số cựu thành viên giáo phái xác nhận, trong khi liên kết hôn nhân ‘một vợ một chồng’ vẫn diễn ra, cộng đồng Rajneesh không thiếu trường hợp quan hệ tình dục nhiều chiều, phức tạp.

‘Wild Wild Country’ mở màn với hình ảnh về Antelope, ngôi làng nhỏ nằm liền kề nông trại Quận Wasco (nơi Rajneesh và nhóm giáo dân định cư). Những nông dân Antelope khá nghi hoặc về lý do giáo phái kì lạ bất chợt tìm tới mảnh đất đồng quê Bắc Mỹ. Như lời người dẫn truyện, “không ai thật sự hiểu họ đến đấy làm gì.”

Dân bản xứ có thể tỏ ra hân hoan nếu ai đó sẵn lòng cày cấy - làm màu mỡ thêm 250.000 m2 đất nông nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, khi nhận ra Rajneesh đang xây cả một thành phố đồ sộ trên phần đất, đủ chỗ cho 7000 người sinh sống, với hệ thống đường xá, cống thoát nước, dịch vụ y tế và vô số nhà ở, họ bắt đầu lo ngại.

Tấm bảng chỉ dẫn đặt cạnh lối dẫn vào thành phố đạo giáo Rajneesh, bang Oregon. Ảnh chụp năm 1985.

Vài tư liệu độc đáo tìm thấy trong ‘Wild Wild Country’ xoay quanh đời sống, tư tưởng tình dục của những thành viên cuồng đạo Rajneesh. Trong khi họ sớm trở thành đề tài bàn tán cho cư dân Mỹ sinh sống lân cận, nhiều sử gia văn hóa đặc biệt chú tâm đến chính Rajneesh.

Liệu ông đơn thuần là một ‘nghệ sĩ’ ngông cuồng nhưng giỏi cám dỗ đám đông, hay, Rajneesh thật sự là bậc thầy tâm linh với mục đích đạo giáo chân thành, không vụ lợi? Series tài liệu không đưa ra phán xét trực diện nào. Mặc dù vậy, người xem đôi khi khó lòng loại đi ấn tượng rằng, tương tự bao thủ lĩnh giáo phái khác, Rajneesh trở nên vô cùng giàu có nhờ ‘đế chế’ đạo giáo ông tạo lập.

Rajneesh từng tích lũy khối tài sản khổng lồ gồm tiền bạc, châu báu và gây shock nhất, có lẽ là bộ sưu tập 93 chiếc xe Rolls Royce. Khi cộng đồng Rajneesh bị xóa sổ, vị giáo trưởng vẫn giữ lại những chiếc Rolls Royce quý giá.

Nhóm người theo chân Rajneesh, phần lớn, đều không biết về tình trạng tài chính dư dả của ông. Số khác cho rằng, niềm đam mê sở hữu đồ vật đắt tiền càng khẳng định bản chất tâm linh ‘cởi mở’ ông hướng đến. Suy cho cùng, Rajneesh chưa từng vờ tuân thủ lối sống khổ hạnh như thầy tu nhằm lôi kéo giáo dân. Trong một phân cảnh phim đáng nhớ, Mo Anand Sheela, nữ thư ký riêng làm việc cho Rajneesh, thậm chí vui vẻ giới thiệu bộ sưu tập Rolls Royce đến cánh báo chí địa phương.

Rajneesh và Sheela

Thực tế, Sheela là nhân vật thu hút nhất trong ‘Wild Wild Country.’ Trên đất Mỹ, người phụ nữ gốc Ấn đóng vai trò ‘đại diện’ đúng nghĩa cho giáo phái Rajneesh. Đồng thời, bà cũng đứng sau liên tiếp những tai tiếng, cáo buộc ầm ỉ gây nên bởi cộng đồng này.

Sheela Patel (tên thật), lần đầu gặp gỡ Rajneesh quyền lực khi bà mới 16 tuổi. Sheela nhanh chóng bị cuốn hút trước năng lực tâm linh ở ông, người có lúc bà xem là một ‘vị Phật sống.’ Ngược lại, Rajneesh nhìn thấy tố chất quản lý và lãnh đạo ở cô gái trẻ. Ông chọn Sheela làm trợ lý ngay khi quyết định đặt chân tới Mỹ năm 1981.

Tuy nhiên, suốt giai đoạn 1980, Sheela từ hình ảnh nữ giáo dân thông thường, dần phát triển một ‘vỏ bọc’ sắc sảo, hung bạo hơn để bảo vệ chỗ đứng của cộng đồng tôn giáo bà thuộc về. Sự phòng bị Sheela hình thành, bắt nguồn từ cách tiếp nhận tiêu cực công dân bang Oregon dành cho bà lẫn giáo phái. Một nhóm dân bản xứ từng đấu tranh đòi phá hủy hoàn toàn thành phố đạo giáo Rajneesh. Lần khác, một vụ tấn công bằng bom được sắp đặt nơi một khách sạn nhóm giáo dân nghỉ lại.

Sheela, nay 68 tuổi, hồi tưởng với gương mặt u buồn: “Thế giới muốn hủy diệt tôi và bản chất con người tôi, nên, bấy giờ, tôi không còn gì để mất.” Bà biến bản thân thành một ‘chiến binh,’ phản ứng lại chuỗi hành động áp bức tôn giáo.

Tuy nhiên, sự thật có dễ lý giải như vậy?

Dưới yêu cầu riêng của Sheela, giáo dân được trang bị vũ khí thường xuyên, đầy đủ. Và khi ‘cuộc chiến’ với người Mỹ bản xứ nổ ra nảy lửa trong sự kiện bầu cử địa phương năm 1984, Sheela tập hợp vài giáo dân Rajneesh để chiết xuất vi khuẩn Salmonella, đầu độc một quầy thức ăn ở khu dân cư kế cận.

Kết quả là vụ ngộ độc nghiêm trọng xảy ra vào tháng 9.1984, khiến 751 người nhập viện, trong đó một đứa trẻ sơ sinh suýt thiệt mạng.

Nỗi sợ hãi giáo phái Rajneesh dần lan tỏa khắp Hoa Kỳ khi mọi nghi vấn tội ác đều nhắm đến nhóm giáo dân cực đoan. Thế nhưng mãi 1 năm sau, một cuộc điều tra quy mô mới được tiến hành.

Sheela cố gắng bay sang Đức nhưng sớm bị dẫn độ về Mỹ để truy tố trách nhiệm. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ hoàn toàn của cộng đồng Rajneesh.

Giữa thời điểm này, giáo trưởng Rajneesh lên tiếng, sau nhiều năm im lặng. Ông nói “không hay biết gì về hành vi chống đối từ Sheela.” Rajneesh khẳng định, ông là một “nạn nhân” trong số rất nhiều nạn nhân bà đã lừa dối.

Trong khi Sheela phải ngồi tù thời gian ngắn, Rajneesh quay lại quê hương Ấn Độ với không một ràng buộc pháp lý nào liên quan đến vụ đầu độc hay những âm mưu kì lạ khác của người thư ký cũ.

Rajneesh ngồi bên trong một chiếc Rolls Royce đắt tiền mà ông mua được nhờ khoảng quyên góp của vài giáo dân.

Dấu ấn khác biệt đem lại thành công cho ‘Wild Wild Country’ không đơn giản nằm ở câu chuyện về một giáo phái tình dục. Thay vào đấy, ảnh hưởng sâu sắc Rajneesh tạo dựng đối với những giáo dân cuồng đạo, hành động tội ác kinh hoàng gây ra bởi một phụ nữ ‘phụng sự’ ông - mới là giá trị trung tâm đáng suy ngẫm ở tác phẩm.

Sheela đã rời Mỹ từ lâu. Bà hiện sống tại Thụy Sỹ, thỏa mãn với công việc một quản lý trung tâm dưỡng lão. Dư luận sẽ không thể hiểu tường tận, việc bà thật sự cảm thấy tội lỗi ra sao trước quá khứ.

Gợi lên ký ức, một điều gây ám ảnh hãy còn đó, rằng Sheela vẫn thể hiện nỗi tiếc nhớ khó chối bỏ khi nhắc đến giáo phái Rajneesh.

Như Ý (theo TelegraphUK)

nhu y