Thế giới có gần 2 triệu ca nhiễm COVID-19

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:49, 14/04/2020

Tính đến 5h00 ngày 14.4 (giờ Hà Nội), toàn thế giới đã có 1.911.407 ca mắc COVID-19, trong đó, 118.854 trường hợp tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong cao nhất.

Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Khoa học Hệ thống và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy, số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới gần 2 triệu người.

Theo CSSE, tính đến 21h00 GMT ngày 13.4 (5h00 14.4 giờ Hà Nội), toàn thế giới đã nghi nhận tổng cộng 1.911.407 ca mắc COVID-19, trong đó có 118.854 trường hợp tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.

Nước này hiện đã ghi nhận 23.219 ca tử vong trong tổng số 577.307 ca mắc bệnh. Tại tâm dịch bang New York, tổng số ca mắc COVID-19 là 195.749 ca, trong đó 10.058 ca tử vong. Riêng thành phố New York đã ghi nhận tới 7.349 ca tử vong.

Ngoài Mỹ, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai do COVID-19. Ngày hôm qua, Italy thông báo số ca tử vong tại nước này đã vượt 20.000 người, trong khi tổng số ca mắc bệnh lên tới gần 160.000 người. Tây Ban Nha là nước có số ca mắc bệnh cao thứ hai thế giới khi đã ghi nhận 169.628 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 17.628 ca tử vong.

Quốc gia láng giềng của Tây Ban Nha là Pháp hiện cũng đã ghi nhận gần 15.000 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 137.875 ca bệnh. Tại Anh, số ca tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh khi lên tới 11.329 người và tổng số ca mắc bệnh là 89.569 người.

Ý: Số ca tử vong vượt mốc 20.000 người

Phóng viên TTXVN dẫn số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết tính đến ngày 13.4, nước này đã ghi nhận thêm 3.153 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 159.516 trường hợp.

Như vậy, số ca bệnh mới được ghi nhận ở Italy nằm ở mức thấp nhất kể từ ngày 7.4.

Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy trong 24 giờ qua đã tăng thêm 566 người, lên tổng cộng 20.465 trường hợp.

Tuy nhiên, số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 trường hợp (giảm 83 ca). Ngoài ra, Italy hiện ghi nhận 28.023 ca nhập viện và 72.333 ca cách ly tại nơi ở.

Pháp: Gần 15.000 trường hợp tử vong, gia hạn phong tỏa

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn thông tin của Bộ Y tế Pháp cho hay, tính đến tối 13.4, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 14.967 người ở Pháp, bao gồm 9.588 ca tử vong tại các bệnh viện-tăng 335 trường hợp trong 24 giờ qua, và 5.379 ca tử vong trong các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội-tăng 239 trường hợp.

Cũng theo Bộ Y tế Pháp, số bệnh nhân nhập viện ở Pháp hiện là 32.113 người, tăng 288 trường hợp. Trong 24 giờ qua, nước Pháp đã ghi nhận thêm 227 người được đưa vào diện chăm sóc đặc biệt, nâng tổng số bệnh nhân thuộc diện này lên 6.821 người. Tuy nhiên, so với hôm 12.4, số bệnh nhân được hồi sức tích cực giảm 24 người, và là ngày giảm thứ tư liên tiếp.

Đến nay, Pháp cũng ghi nhận 27.718 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện - tăng 1.327 người trong 24 giờ qua, chưa kể hàng chục nghìn người bệnh tự cách ly và điều trị tại nhà.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11.5.

Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh rằng nước Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Ông thừa nhận rằng Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, nỗ lực của toàn xã hội cũng đem đến một số thành công, như số giường hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi so với trước, hợp tác tốt trong việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng các phương tiện đặc biệt như trực thăng quân sự, tàu hỏa cao tốc hay xe buýt liên tỉnh, mạng lưới giáo dục trực tuyến hoạt động hiệu quả, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần hỗ trợ giữa người dân, đưa trở về nước hàng chục ngàn công dân Pháp bị mắc kẹt ở nước ngoài khi đại dịch bùng phát.

Anh: Số ca tử vong vượt 11.000 người

Theo số liệu cập nhật, đến ngày 13.4, số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Vương quốc Anh đã vượt con số 11.000 người, sau khi ghi nhận thêm 717 ca mới, nâng tổng số ca tử vong lên 11.392 người.

Số liệu mới nhất trên đã khiến Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 5 thế giới và một cố vấn khoa học cấp cao của Chính phủ Anh cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành nước bị tác động mạnh nhất châu Âu.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh có thể giảm 30% trong quý này vì các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19.

Theo ông Sunak, có rất ít hy vọng rằng các hạn chế sẽ sớm được dỡ bỏ.

Nga: Huy động nguồn lực chống dịch

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13.4 cho biết tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn và Nga có thể huy động các nguồn lực của Bộ Quốc phòng để đối phó cuộc khủng hoảng này nếu cần.

Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao, được phát sóng trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Putin nêu rõ tình hình đang thay đổi liên tục và vài tuần tới sẽ mang tính quyết định trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Putin đánh giá số người mắc bệnh nặng ngày càng tăng và chính quyền cần tính đến mọi phương án, cả những kịch bản khó khăn và bất thường nhất "để linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chiến lược và chiến thuật hành động của chúng ta, trước tiên là chăm sóc y tế cho người dân.”

Tuy nhiên, Tổng thống Putin lưu ý rằng Nga đã có thể thực hiện các biện pháp chủ động trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Để tiếp tục hành động một cách chủ động, cần có các dự báo “tốt và chuyên nghiệp.”

Ông Putin lưu ý rằng một dự báo chuyên nghiệp về sự phát triển của tình hình là cần thiết. "Và không chỉ trong trung hạn và dài hạn, mà cả trong khoảng thời gian 3, 7, 10 ngày tiếp theo.”

Tính đến nay, tổng số bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở Nga đã lên tới 18.328 người, trong đó 148 người đã tử vong.

Đức: Phần lớn người dân muốn tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phần lớn người dân Đức mong muốn chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch COVID-19. Đây là kết quả một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu YouGov tiến hành, công bố ngày 13/4.

Cuộc thăm dò cho thấy nhiều người dân Đức đang "cảnh giác" với việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm. 44% số người được hỏi cho biết họ muốn chính phủ liên bang tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế sau ngày 19/4, trong khi 12% ủng hộ việc tăng cường và siết chặt hơn.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy số người ủng hộ việc nới lỏng giãn cách xã hội chiếm 32% và 8% cho biết họ muốn chính phủ bãi bỏ các biện pháp phong tỏa. Ngoài ra, 78% người được hỏi khẳng định họ đang tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định về hạn chế tiếp xúc xã hội, trong khi 18% cho biết chỉ tuân thủ một phần các quy định và số người không thực hiện chiếm 2%.

Trước đó ngày 23.3, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo một loạt biện pháp cứng rắn, được thống nhất áp dụng trên toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch, trong đó có việc cấm tụ tập từ 2 người trở lên, ngoại trừ các thành viên trong gia đình hoặc những người sống cùng trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ mang về...

Các lực lượng trật tự và cảnh sát sẽ giám sát và phạt nặng những trường hợp vi phạm những quy định này và sẽ được áp dụng trên cả nước trước mắt trong 2 tuần.

Dự kiến vào ngày 15.4, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc thảo luận với thủ hiến các bang ở Đức về tình hình dịch bệnh, cũng như xem xét tiến hành các bước tiếp theo sau khi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh kết thúc vào ngày 19/4 tới.

Tính đến 20h00 ngày 13.4 giờ Hà Nội, nước Đức đã ghi nhận gần 125.452 trường hợp nhiễm bệnh, gần 3.000 ca tử vong và gần 53.000 người khỏi bệnh.

Các nước châu Á bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong đại dịch

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế và người lao động, khiến các quốc gia phải đưa ra những giải phảp giảm nguy cơ bất ổn xã hội, đảm bảo việc làm và sự an toàn cho người lao động.

Ấn Độ cân nhắc nối lại một số hoạt động sản xuất

Các ngành sản xuất và dịch vụ quan trọng tại Ấn Độ đã cảnh báo nguy cơ bất ổn xã hội nếu Thủ tướng Narendra Modi không đưa ra các điều khoản nhượng bộ khi gia hạn lệnh phong tỏa 3 tuần đối với quốc gia 1,3 tỷ dân này do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Lệnh phong tỏa 3 tuần sẽ kết thúc vào đêm 14.4. Tuy nhiên, một số bộ trưởng cấp bang cho biết họ đang lập kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa thêm ít nhất 2 tuần nữa. Hiện Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch mới nào.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das gọi virus SARS-CoV-2 là "sát thủ vô hình" có thể tàn phá nền kinh tế.

Hiệp hội nhà hàng quốc gia, đại diện cho quyền lợi của 7 triệu người lao động, cảnh báo nguy cơ "bất ổn xã hội" nếu hiệp hội này không nhận được gói cứu trợ tài chính.

Theo một số báo cáo, Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc yêu cầu ở nhà đối với người dân tại thủ đô New Delhi, thành phố Mumbai và nhiều thành phố lớn khác, trong khi mở cửa đối với các vùng nông thôn cho đến nay chưa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Truyền thông dự đoán chính phủ nước này có thể sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp.

Với hàng nghìn xe tải chở thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đang bị ách lại tại khu vực biên giới trong nước, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ban hành nhiều chỉ thị mới đối với các bang, yêu cầu tạo điều kiện thông quan cho các xe này.

Trong khi đó, Bộ Thương mại đã kêu gọi chính phủ cân nhắc mở cửa cho thêm nhiều hoạt động có chứng nhận an toàn phù hợp ngay cả khi gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống còn khoảng 5% trước đại dịch COVID-19 xuất hiện. Hiện giới phân tích dự báo tỷ lệ này thậm chí sẽ có thể sụt giảm xuống chỉ còn từ 1,5-2% trong năm nay.

Cũng trong ngày 13.4, phóng viên TTXVN tại New Delni dẫn hai nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đang lên kế hoạch tái khởi động một số hoạt động sản xuất sau ngày 15/4, để giúp bù đắp những thiệt hại kinh tế do lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần, kể cả khi các biện pháp này kéo dài đến cuối tháng.

Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa áp dụng với hơn 1,3 tỷ dân của Ấn Độ sẽ kết thúc vào nửa đêm 14/4, nhưng chính phủ nước này dự kiến sẽ gia hạn lệnh thêm 2 tuần nữa trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở nước này đã tăng lên tới 9.152 ca, trong đó có 308 người tử vong tính tới sáng 13.4.

Theo một nguồn tin, Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ đạo một số bộ xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động của những ngành công nghiệp trọng yếu khi sinh kế của người nghèo đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, Bộ Công Thương Ấn Độ cũng đã khuyến nghị tái khởi động một số hoạt động sản xuất trong lĩnh vực ôtô, dệt may, quốc phòng, điện tử và các lĩnh vực khác nhưng vẫn đảm bảo giãn cách xã hội thông qua các biện pháp giảm số lao động và rút ngắn giờ làm. Bộ Nội vụ và Văn phòng Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các khuyến nghị trên trong tuần này.

Các nguồn tin cũng cho biết các bộ khác sẽ sớm đệ trình kế hoạch cho phép khôi phục hoạt động từng phần trong các lĩnh vực tương ứng, trong bối cảnh nền kinh tế vốn đang giảm tốc của Ấn Độ được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của lệnh phong tỏa. Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 12/4 dự báo kinh tế Ấn Độ chỉ tăng 1,5-2,8% trong tài khóa 2020-2021 (bắt đầu từ ngày 1/4).

Trong diễn biến khác tại Ấn Độ, nền tảng thanh toán điện tử hàng đầu Ấn Độ Paytm và Thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald s đã cùng chung tay cung cấp thực phẩm sạch cho các nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Mumbai.

McDonald s nhấn mạnh đây là hành động nhỏ biểu thị lòng biến ơn đối với các "chiến sỹ áo trắng" ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo đó, ngày 12/4, Paytm và McDonald s đã hợp tác cung cấp gần 600 suất bánh burger tới các nhân viên y tế tại một bệnh dân sự ở Mumbai.

Phó Chủ tịch Paytm, Siddharth Pandey nhấn mạnh "các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 xứng đáng có được tất cả mọi sự ủng hộ cần thiết trong thời điểm đặc biệt này. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung danh sách các thành phố mà chúng tôi sẽ tiến hành hỗ trợ."

Cách đây 2 tuần, McDonald s đã phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác ở nhiều thành phố của Ấn Độ đã hỗ trợ gần 10.000 nhân viên chống dịch tuyến đầu, lực lượng lao động theo ngày và người dân tại các khu ổ chuột.

Sri Lanka gia hạn chính sách làm việc tại nhà

Cũng trong ngày 13.4, Chính phủ Sri Lanka tuyên bố gia hạn chính sách "Làm việc từ nhà" tới 20.4 đối với tất cả công nhân viên chức và những người làm việc trong khu vực tư nhân. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Theo thông báo của Phủ Tổng thống, chính sách này có hiệu lực áp dụng đối với tất cả các bang trên cả nước, cũng như đối với các thực thể tư nhân, ngoại trừ những trường hợp được phép hoạt động như các ngành dịch vụ thiết yếu.

Tính đến nay, Sri Lanka ghi nhận 210 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca tử vong. Có tổng cộng 56 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Hàn Quốc ưu tiên giữ việc làm cho người lao động

Ngày 13.4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo các đội ngũ kinh tế kịp thời vạch ra các biện pháp đặc biệt để bảo vệ việc làm trong lĩnh vực tư nhân. Chỉ thị này được đưa ra ít giờ sau khi báo cáo mới công bố cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Phát biểu tại cuộc họp hằng tuần với các trợ lý tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh cần phải hỗ trợ các công ty duy trì việc làm cho nhân viên trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức. Ông dẫn số liệu về số đơn nộp trợ cấp thất nghiệp tại Hàn Quốc bắt đầu gia tăng mạng.

Theo số liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc, trong tháng Ba, mức chi cho trợ cấp thất nghiệp tại nước này lên tới mức kỷ lục 898,2 tỷ won (736,4 triệu USD), tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người xin trợ cấp thất nghiệp cũng tăng khoảng 24,8% so với cùng thời điểm, lên tổng cộng 156.000 người.

Tổng thống Moon Jae-in cho rằng có thể hiện mới chỉ là thời điểm nền kinh tế bắt đầu nếm "trái đắng" từ COVID-19. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cần phải hoạch định các biện pháp đặc biệt và không để mất cơ hội.

Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, chính phủ sẽ tập trung chính sách cho mục tiêu bảo vệ việc làm. Đây sẽ là nội dung trọng tâm của cuộc họp hội đồng kinh tế khẩn cấp diễn ra trong tuần tới.

Theo TTXVN