Mỹ hoãn ban hành trừng phạt kinh tế mới với Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 10:58, 17/04/2018
Một ngày trước, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley chia sẻ trên kênh CBS rằng Washington ngày 16.4 sẽ công bố một vài biện pháp trừng phạt kinh tế mới áp dụng với các công ty Nga có dính líu đến giao dịch cung cấp thiết bị cho chính quyền Bashah al-Assad của Syria trong những vụ tấn công hóa học.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Tổng thống Trump trong cuộc gặp với các cố vấn an ninh đã cho biết ông chưa sẵn sàng để ban hành thêm trừng phạt kinh tế, vốn đang được xem xét kỹcàng.
Một quan chức cho biết lãnh đạo Mỹ lo ngại động thái lập tức ban hành trừng phạt Moscow ngay sau khi vừa tiến hành tấn công Syria cuối tuần qua sẽ cản trở nỗ lực đàm phán các thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, kiểm soát internet cùng nhiều vấn đề khác.
Vì quyết định của Tổng thống Trump, chính quyền Washington đã liên hệ với Đại sứ quán Nga và phủ nhận thông tin mà bà Haley đưa ra trước đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga ngày 16.4 cho hay.
Về phía Nhà Trắng, người phát ngôn Sarah Sanders phát biểu: “Chúng tôi đang xem xét những biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga. Quyết định sẽ được đưa ra trong tương lai gần”. Phía Đại sứ Haley chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc.
Tuyên bố của Đại sứ Haley trên CBS đã vấpphải sự phản đối từ giới chức Moscow. Evgeny Serebrenikov, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, tuyên bố nước này sẵn sàng đối phó với bất cứ trừng phạt nào.
Còn theo Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, hành động áp lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ (bao gồm biện pháp trừng phạt mà Washington dự kiến áp đặt mà bà Haley thông báo) là âm mưu nhằm loại bỏ doanh nghiệp Moscow khỏi thị trường toàn cầu. Ông khẳng định những biện pháp trừng phạt trái với luật pháp quốc tế và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo một quan chức cấp cao khác, những trừng phạt kinh tế mà Tổng thống Trump hoãn ban hành là một phần trong gói trừng phạt quân sự lẫn kinh tế được xây dựng trong vài tuần qua, để ông sử dụng đáp trả chính quyền Assad và Putin.
Với vụ đầu độc hai cha con cựu tình báo Sergei Skripal xảy ra cuối tháng 3 vừa qua, đợt trừng phạt kinh tế đầu tiên đã được ban hành. Bộ Tài chính Mỹ ngày 6.4 thông báo áp đặt lệnh trừng phạt với 24 cá nhân và 12 tổ chức Nga, để đáp trả "hoạt động ác ý"(theo cách gọi của phía Mỹ) mà Moscow thực hiện. Động thái này được Washington thực hiện sau khi đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga tại Mỹ theo lời kêu gọi của các đồng minh châu Âu.
Đến vụ tấn công bị nghi dùng vũ khí hóa học tại Douma đầu tháng 4, trong Nhà Trắng đã nổ ra tranh luận liệu có nên ban hành đợt trừng phạt kinh tế thứ hai hay không. Khi thông báo về quyết định tiến hành tấn công Syria vào đêm 13.4, ông Trump có vẻ như đã đồng ý khi tuyên bố cam kết “phản ứng với tất cả sức mạnh: quân sự, kinh tế và ngoại giao”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 16.4 đã nhất trí sẽ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt với Syria. Trừng phạt mới sẽ được xây dựng trên cơ sở những trừng phạt cũ trước đó, như cấm vận vũ khí, cấm giao dịch với ngân hàng trung ương Syria, đóng băng tài sản và cấm đi lại với những quan chức, doanh nhân, nhà khoa học bị nghi có dính líu hoạt động phát triển vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, các Ngoại trưởng không bàn bạc đến việc ra trừng phạt chung với Nga vì ủng hộ chính quyền Assad.
Cẩm Bình (theo The Washington Post, Reuters)