Trung Quốc phát triển Hải Nam để đối phó với Mỹ

Quốc tế - Ngày đăng : 18:59, 18/04/2018

Theo nhiều nhà phân tích, kế hoạch biến tỉnh Hải Nam thành cửa ngõ cho đầu tư và hợp tác kinh tế của Trung Quốc có mục đích đối phó chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nỗ lực lập liên minh chống lại cường quốc châu Á ở khu vực của Mỹ.

Ngày 14.4, chính quyền Bắc Kinh công bố hướng dẫn thực hiện kế hoạch xây cảng thương mại tự do mới ở tỉnh Hải Nam. Theo hướng dẫn, cảng sẽ cơ bản được thành lập vào năm 2025, và hoàn chỉnh vào năm 2035.

Giới chức nước này khẳng định cảngsẽ giúp Hải Nam, nơi được mệnh danh là “Hawaii của Trung Quốc”, được hưởng lợi từ các chính sách thông thoáng hơn, mức độ tự do kinh tế và tiếp cận thị trường lớn hơn.

Xây dựng Hải Nam, vốn đã là một đặc khu kinh tế (từ năm 1988), thành một cửa ngõ vào Trung Quốc quan trọng của các quốc gia ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là “phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa kinh tế”, theo hướng dẫn của giới chức Bắc Kinh.

Kế hoạch cho phép Hải Nam phát triển năng lực công nghệ thông tin trong dữ liệu lớn, định vị vệ tinh, trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu vùng biển sâu. Địa phương này có triển vọng trở thành trung tâm sáng tạo và trung tâm giao dịch năng lượng, vận chuyển lẫn tiêu dùng.

Không những vậy, theo kế hoạch, đua ngựa và nhiều hình thức xổ số thể thao cũng được phép phát triển tại đây.

Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ hai từ trái sang) vừa đến thăm Hải Nam vào tuần trước - Ảnh: SCMP

Kế hoạch phát triển Hải Nam của Trung Quốc được công bố trong lúc Mỹ đang nỗ lực lập nên những liên minh với các quốc gia tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, bao gồm cả Úc cùng Ấn Độ. Đây được xem là động thái đối trọng lại với sự phát triển về quân sự và đầu tư của Trung Quốc tại khu vực.

Manoj Joshi, học giả của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên tại New Delhi, nhận định kế hoạch phát triển Hải Nam là để phản ứng với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Washington đang thực hiện.

“Đó là cơ sở hàng hải ở cực đông của Trung Quốc. Nước này trong thập kỷ qua đã hoạt động tích cực ở Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã là cường quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có liên kết kinh tế đáng kể tại đây”, theo học giả Joshi.

Gurpreet Khurana, Giám đốc Quỹ Hàng hải quốc gia Ấn Độ, đồng ý với nhận định trên của ông Joshi.

Tương tự như Thẩm Quyến, Hải Nam từ khi trở thành đặc khu kinh tế đã trải qua 3 thập kỷphát triển nhanh cơ sở hạ tầng. Trước tình hình phát triển bất động sản quá “nóng”, giới chức Bắc Kinh năm 1993 đã phải can thiệp, chặn mọi nguồn cấp vốn cho các dự án xây dựng và phá vỡ “bong bóng” bất động sản.

Theo nhà kinh tế Trương Quân của công ty chứng khoán Hoa Tân Morgan Stanley, kế hoạch phát triển Hải Nam lần này có ý nghĩa cao hơn những gì Trung Quốc thực hiện trong thập niên 1990.

“Kế hoạch sẽ được thực hiện bởi chính quyền trung ương, trong bối cảnh xây dựng sức mạnh hàng hải và thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR)”, ông Trương cho hay.

Nhà nghiên cứu Richard A. Bitzinger đến từ Học viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam cho rằng một Hải Nam phát triển hơn nữa sẽ là “một điểm tựa tốt hơn cho quân đội Trung Quốc”.

Theo nhà nghiên cứu: “Hải Nam vốn đã là căn cứ lớn của tàu ngầm Trung Quốcvà cũng là căn cứ tốt để quân đội nước này củng cố hệ thống cơ sở vật chất quân sự trên Biển Đông.

Kế hoạch phát triển tỉnh này giúp quân đội và năng lực kinh tế của Trung Quốc vươn đến gần hơn Malacca và eo biển Singapore, cũng như cửa ngõ vào Ấn Độ Dương. Hải Nam phù hợp về mặt địa lý với OBOR và an toàn về mặt chính trị. Phát triển Hải Nam giúp ích cho sự hiện diện của Bắc Kinh ở phía nam”.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Cẩm Bình