Sách văn học người lớn bán ‘đắt hàng’ tại Ấn Độ

Văn hóa - Ngày đăng : 16:18, 19/04/2018

Nhờ ứng dụng điện tử tân tiến, trào lưu tiểu thuyết văn học 18+ đang ngày càng phát triển nở rộ ở Ấn Độ. Tuy nhiên, với xứ sở còn chịu ràng buộc giữa nhiều hệ tư tưởng bảo thủ truyền thống, dòng văn chương lãng mạn mới mẻ này vẫn phải không ngừng chật vật tìm chỗ đứng.

“Một chú rể trẻ, Bharat, hồi hộp chờ đến đêm tân hôn của anh. Anh đã gặp người vợ mới cưới, Shreya, với đôi mắt to tròn đáng yêu, chỉ vài lần, và chỉ trong nhà bố mẹ hai bên. Họ đã nắm tay, thậm chí trao nhau cái hôn nhẹ, nhưng chưa gì hơn”. Đây là đoạn mô tả đầu đề của First Night, tác phẩm thuộc tuyển tập Forbidden Desires, gồm 12 câu chuyện tình ‘nóng bỏng’ do nhà văn nữ bút danh Nikita viết. Series nội dung ‘người lớn’ được phát hành dưới hình thức sách điện tử, bởi nhà xuất bản tiên phong Juggernaut tại Ấn Độ, thông qua một app (phần mềm điện thoại) độc quyền.

Trisha Bora, biên tập viên phụ trách mục sách văn học lãng mãn cho trang app Juggernaut, chia sẻ, tiểu thuyết 18+ là một trong những thể loại bán chạy nhất hiện giờ, chiếm đến 30% tổng danh thu nhà xuất bản.

Nikita là cái tên ‘ăn khách’ đặc biệt. Duy đang có nhiều hơn những chọn lựa tác gia, tác phẩm nổi bật trong thể loại sách bấy lâu tưởng như ‘cấm kị’ với độc giả Ấn.

Mục Sách văn học người lớn với nhiều đầu sách bán chạy trên website và app của nhà xuất bản Juggernaut.

Từng câu chuyện thường ngắn gọn, súc tích, giá bán (điện tử) khá rẻ, chỉ khoảng 30 rupees (tương đương 0.5 USD). Thế nhưng trên cả yếu tố giá thành, Bora tin rằng khả năng ứng dụng di động - giúp người đọc thoải mái tiếp cận nội dung sách từ điện thoại cá nhân - là lợi thế hàng đầu của dạng tiểu thuyết có phần ‘nhạy cảm’ này.

“Loại hình xuất bản điện tử sớm trở thành nền tảng tốt nhất giúp phát triển dòng sách văn học người lớn”, Bora nhận xét. “Ấn Độ vẫn đang khá bảo thủ về chủ đề sex. Với người làm sách, lưu hành sách văn học 18+ nơi cửa hàng, nhà sách truyền thống vẫn là thách thức thật sự. Vì người dân tại đây không hề thấy thoải mái trong tìm chọn, mua sách. Điện thoại, ngược lại, cho phép người sử dụng được tự do đọc trong không gian riêng".

Tựa sách từ tác gia Nikita (Pia Heikkila)

Nói thế không nghĩa là, quốc gia như Ấn Độ chưa từng có tiền lề bày bán thành công sản phẩm sách gắn mác ‘người lớn’. Tựa sách 18+ nổi tiếng 50 Shades of Grey (‘50 Sắc Thái’) - một hiện tượng toàn cầu, cũng đã gây dựng tiếng tăm nhất định với người Ấn. Bora khẳng định, làn sóng văn chương lãng mạn dần cho thấy sự chủ động đón nhận tại quê hương cô trong liên tiếp vài năm gần đây.

Đơn vị xuất bản uy tín - Harper Collins India, vừa ra mắt tiểu thuyết của văn sĩ, nghệ sĩ mỹ thuật Rosalyn D’Mello với nhan đề A Handbook for My Lover, tháng 2 năm nay. Tác phẩm với những phản ánh chân thật trước câu chuyện tình yêu, tình dục giữa một phụ nữ trẻ và người tình hơn cô nhiều tuổi, chuyển tải đôi lời ‘tự sự’ thú vị từ một nữ nhà văn gốc Ấn.

Tại thị trường Ấn Độ, tựa sách đồng thời là dự án văn chương người lớn hiếm hoi nằm ngoài định nghĩa ‘fiction’ (văn học giả tưởng).

“Bởi đây là tự truyện của riêng tôi, độc giả trước hết tôi muốn nhắm đến là chính mình”. Sau ngày phát hành (thu về không ít phê bình tích cực), cô nhận ra “cuốn sách tìm thấy sức cộng hưởng, đồng điệu giữa đa dạng tầng lớp độc giả, từ thanh niên đến người đứng tuổi, ở cả 2 giới".

Thành công A Handbook for My Lover đạt được, phần lớn nhờ vào internet và công nghệ điện thoại, góp phần tạo ảnh hưởng quảng bá rộng khắp.

Nói về quyển sách bứt phá, D’Mello bày tỏ, “Thật không dễ dàng gì khi một người phụ nữ đơn thân muốn lên tiếng về chủ đề yêu đương".

Dẫu thể hiện nỗ lực bứt mình trước rào cản định kiến, D’Mello lẫn những văn sĩ khác của dòng sách văn học 18+ hãy còn một chặng đường dài phía trước.

Pia Heikkila, nữ nhà văn gốc Phần Lan hiện đang sống tại thủ đô Delhi, được biết đến với bút danh nổi tiếng Nikita, sở hữu nhiều tựa sách xoay quanh những chuyện tình nóng bỏng nhưng cách biệt về địa vị, hình ảnh xã hội. Tuyển tập tiểu thuyết 18+ trực tuyến là ‘phương tiện’ giúp Heikkila cố gắng xóa đi, theo cách riêng, ấn tượng của sự bất bình đẳng giai cấp vốn bà vẫn đang phải chứng kiến hằng ngày ở Ấn Độ.

Heikkila nói, “Tôi đưa vào truyện, từng chút một, góc nhìn tôi đang có về xã hội Ấn Độ hiện đại. Tôi muốn trao cho mỗi nhân vật tầng lớp thấp cơ hội thể hiện bản thân, tự vươn lên, dù phải đối diện bao khoảng cách, định kiến. Chẳng hạn một mối tình chênh lệch giữa người phụ nữ trung niên với chàng trai trẻ, một cô gái với nỗi sợ hãi vóc dáng, hay chuyện tình đồng tính đầy sóng gió giữa 2 phụ nữ".

Hẳn nhiên, chủ trương bàn luận cởi mở đề tài tình dục hay tự do giới tính, vẫn rất xa lạ với hình ảnh được tạo nên bấy lâu về Ấn Độ. Điều phức tạp đáng nói là, văn hóa Ấn cũng chưa từng ‘quay lưng’ với những thể nghiệm tính dục. Tựa sách biểu tượng Karma Sutra, hay nhóm tác phẩm chạm nổi nóng bỏng ở khu đền Khajuraho (Trung Ấn) là một số ví dụ điển hình.

“Có không ít thứ chúng tôi vẫn phải liên tục nỗ lực khắc phục tại Ấn Độ. Đẩy lùi tư tưởng văn hóa bảo thủ là một trong số này.” D’Mello lý giải. Nghệ thuật nói chung, và văn chương nói riêng - với mục đích muôn thuở nhằm phác họa hiện thực, đấu tranh vì tương lai - đang cần thiết hơn lúc nào hết với những văn sĩ người Ấn.

Như Ý (theo SCMP)

nhu y