PGS-TS Vũ Thanh Ca: ‘Yêu sách Tứ Sa’ của Trung Quốc còn phi lý hơn ‘đường lưỡi bò’

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:39, 16/04/2020

Phân tích yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc căn cứ vào các quy định của UNCLOS và Phán quyết PCA năm 2016, ta sẽ thấy yêu sách này cực kỳ phi lý và thậm chí yếu hơn nhiều so với yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây”, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) nhận định.
Việt Nam phản đối công hàm của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc - Ảnh: Internet

Liên quan đến việc Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vừa gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam phản đối lập trường hai công hàm số CML/14/2019 và số CML/11/2020 của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) về vấn đề này.

Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vừa gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam phản đối lập trường hai công hàm số CML/14/2019 và số CML/11/2020 của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Theo ông, công hàm này của Việt Nam có ý nghĩa ra sao?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Như ta đã biết, lập trường của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên biển bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Một trong những văn bản luật pháp quốc tế là Phán quyết Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016.

Ta cần chú ý rằng ngay sau khi PCA ra Phán quyết, ngày 16.7.2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12.7.2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung Phán quyết”.

Mặc dù cho đến nay Việt Nam chưa có tuyên bố về nội dung Phán quyết, Công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam đã khẳng định lập trường, quan điểm của Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và Phán quyết của PCA.

Công hàm cũng phản đối quan điểm sai trái của Trung Quốc, và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam.

Ngoài ra, Công hàm giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ về lập trường, quan điểm của Việt Nam, tăng cường tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của Việt Nam để tăng cường sự đoàn kết ủng hộ Việt Nam của các nước và các học giả quốc tế.

Công hàm này sẽ là bằng chứng mà Việt Nam có thể viện dẫn để thực hiện cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý nhằm bảo vệ các quyền của Việt Nam trên hai quần đảo và vùng biển Việt Nam.

2 công hàm của Trung Quốc thể hiện yêu sách sai trái gì và nó nguy hiểm thế nào? Thưa ông?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Hai công hàm của Trung Quốc làm rõ lập trường chưa được công bố chính thức của Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán dựa trên cái gọi là “Nam Hải chư đảo”, hay nói cách khác là “Tứ Sa”.

Yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc là một yêu sách trái với các quy định của luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam. Vì đây là hai công hàm mà Trung Quốc trình Liên hợp quốc, nếu Việt Nam không nhanh chóng phản đối Trung Quốc, làm rõ lập trường của mình thì sẽ rất nguy hiểm cho cuộc đấu tranh của Việt Nam trong tương lai.

PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) - Ảnh: Soha

Vậy yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc so với “đường lưỡi bò” thế nào, thưa ông?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 đã vô hiệu hóa cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc đã chỉ đạo các học giả nghiên cứu và đã thay đổi chiến thuật bằng cách sử dụng yêu sách “Tứ Sa”.

Bản chất của yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc đã được mô tả kỹ trong hai công hàm mà Trung Quốc gửi Liên hợp quốc và bao gồm 3 điểm:

Thứ nhất, Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với bốn nhóm đảo, bao gồm Đông Sa (đảo Pratas mà Trung Quốc gọi là quần đảo), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield, một bãi ngầm hoàn toàn nằm dưới mặt nước ngay cả khi triều xuống thấp nhất).

Thứ hai, các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo.

Thứ ba là các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.

Phân tích yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc căn cứ vào các quy định của UNCLOS và Phán quyết PCA năm 2016, ta sẽ thấy yêu sách này cực kỳ phi lý và thậm chí yếu hơn nhiều so với yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây.

Xin ông nói cụ thể hơn?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Thứ nhất là UNCLOS đã quy định chỉ các quốc gia quần đảo mới có thể sử dụng đường cơ sở thẳng với điều kiện tỷ lệ diện tích vùng biển và diện tích đảo tự nhiên nổi lên mặt nước nằm bên trong đường cơ sở thẳng quần đảo không lớn hơn 9 và một số điều kiện chặt chẽ khác.

Điều đầu tiên cần khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và Trung Quốc không có quyền tuyên bố chủ quyền tại đó. Ngoài ra, vì Trung Quốc không phải là “quốc gia quần đảo” và tỷ lệ diện tích vùng biển tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tỷ lệ diện tích đảo tự nhiên nổi lên mặt nước lớn hơn 9 rất nhiều.

Như vậy, việc dùng đường cơ sở thẳng của Trung Quốc là trái với UNCLOS.

Thứ hai là Phán quyết của PCA đã làm rõ các quy định về “đảo” và “đảo đá” và các đảo đá tại quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý, không có vùng biển mở rộng.

Áp dụng Phán quyết cho các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, có thể thấy rằng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa cũng là “các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Thứ ba là một trong những “Sa” của Trung Quốc, quần đảo Trung Sa (Macclesfield Bank) chỉ là một bãi ngầm, và theo quy định của UNCLOS thì không thể là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. Như vậy, tuyên bố “chủ quyền” đối với “quần đảo” Trung Sa và sau đó gộp cả bãi cạn Scarborough, bãi cạn St. Esprit vào “quần đảo” này là rất ngớ ngẩn, trái hoàn toàn với quy định của UNCLOS..

Bằng cách sử dụng chiến thuật yêu sách “Tứ Sa”, Trung Quốc mưu toan lợi dụng các thuật ngữ của UNCLOS nhằm viết lại UNCLOS. Kết hợp với chiến thuật dùng sức mạnh quân sự để bắt nạt, quấy rối theo chiến thuật cây bắp cải và vùng xám, dùng sức mạnh kinh tế để mua chuộc các nước xung quanh Biển Đông cũng như ngoài khu vực Biển Đông, Trung Quốc muốn biến các lập luận phi lý của mình thành hiện thực để độc chiếm Biển Đông.

Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đã bị nhiều học giả quốc tế vạch trần và mặc dù trước đây chưa công bố chính thức, Trung Quốc đã bị nhiều học giả quốc tế phản bác tại nhiều diễn đàn quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm thực hiện