Tổng thống Pháp khó thuyết phục ông Trump về thỏa thuận với Iran
Quốc tế - Ngày đăng : 15:31, 26/04/2018
Theo báo Guardian, ông Macron nói rõ việc nhà lãnh đạo Mỹ liên tục thay đổi quan điểm về những thỏa thuận quốc tế là “điên rồ”. Trước khi về nước, Tổng thống Pháp nói với các nhà báo Mỹ: “Tôi không biết Tổng thống của quývị sẽ quyết định thế nào. Quan điểm của tôi là ông ấy sẽ tự quyết định hủy JCPOA, vì những lý do riêng của Mỹ”.
Chớ tái phạm sai lầm quá khứ
Ông Macron nhắc lại việc ông Trump hồi tháng 6.2017 đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận chống biếnđổi khí hậu Paris 2015 (được ký thời Tổng thống Mỹ Barack Obama) để nói việc nhà lãnh đạo Mỹ thường xuyên thay đổi quan điểm về những vấn đề toàn cầu “khiến có thể hiệu quả ngắn hạn, nhưng rất điên rồ về trung hạn và dài hạn”.
Lời thừa nhận của Tổng thống Pháp tiếp sau việc chủ nhân Nhà Trắng và vị thượng khách tỏ bày tình cảm anh em ngày 24.4. Nhưng khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 25.4 (giờ Mỹ), ông Macron đã bảo vệ nhiều điều mà ông Trump muốn hủy bỏ trong thời gian đầu ông làm Tổng thống Mỹ.
Trong bài phát biểu dài 50 phút, ông Macron nói ông tin chắc chắnmột ngày nào đó Mỹ sẽ quay lại Thỏa thuận Paris 2015, ông cũnghứa Pháp sẽ không hủy JCPOA với Iran. Ông còn ủng hộ tự do thương mại và trật tự thế giới đa phương, ngược với chính sách tự cô lập “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Bài phát biểu của Tổng thống Pháp bằng tiếng Anhluôn bị ngắt bởi nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đứng lên vỗ tay, một cử chỉ tán dương trân trọng nhất.
Trong cuộc gặp trực tiếp, ông Macron hứa với ông Trump về triển vọng đàm phán một thỏa thuận mới, qua đó giải quyết chuyện Iran phát triển tên lửa và can thiệp quân sự vào Trung Đông.
Ông Macron nói Iran sẽ không bao giờ sở hữu bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào, nhưng nói thêm rằng “chính sách này sẽ không bao giờ đẩy chúng ta vào một cuộc chiến ở Trung Đông”. Ông đề nghị tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Iran và nền văn minh Ba Tư của nước này. Ông kêu gọi phương Tây “chớ nên tái phạm những sai lầm quá khứ”, ám chỉ việc Mỹ từng xâm lược Iraq năm 2003, với cớ Tổng thống Saddam Hussein giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chủ đề chính trong chuyến thăm Nhà Trắng của ông Macron là thuyết phục ông Trump không hủy Thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn có tên chính thức là Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran đã cùng với Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt được năm 2015, nên còn được gọi là Thỏa thuận G5+1.
JCPOA buộc Iran từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân, đổi lại là được Mỹdỡbỏ nhiều sự trừng phạt kinh tế lên tớihàng tỉ USD. Thỏa thuận này được ký dưới thời Tổng thống Obama.Đến lúc ông Trump làm chủ nhân Nhà Trắng thì ông đã gọi đó là “một thỏa thuận tồi tệ” và dọa sẽ hủy bỏ vì thỏa thuận có nhiều sơ hở, không giải quyết rốt ráo hoạt động tên lửa của Iran, và Iran ủng hộ các tổ chức chính trị nước ngoài, như lực lượng vũ trang Hezbollah được Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện, đang chiến đấu giúp chính phủ Syria trong cuộc nội chiến.
Ngày 12.1, Tổng thống Mỹ đã ra “tối hậu thư” cho các cường quốc châu Âu, nói họ phải đồng ý “chỉnh sửa những sơ hở khủng khiếp” trong JCPOA, nếu không thì ông sẽ từ chối gia hạn sự nới lỏng cấm vận cho Iran. Nếu ông Trump ra lệnh, thì Mỹ sẽ nối lại lệnh trừng phạt Iran từ ngày 12.5 tới.
Anh, Pháp, Đức (nhóm E3) và Nga cùng Trung Quốc đều tuyên bố muốn giữ nguyên JCPOA. Iran luôn nói chương trình hạt nhân chỉ vì mục tiêu có điện, không sản xuất vũ khí hạt nhân như Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi cáo buộc. Iran còn nói sẽ tôn trọng JCPOA, khi nào các bên khác còn tôn trọng, nhưng Iran sẽ “xé” thỏa thuận nếu Mỹ rút khỏi.
Iran dọa lại cả Tổng thống Mỹ
Ngày 24.4, ông Trump không cho biết ông có hay không ủng hộ đề nghị của ông Macron - lập một thỏa thuận khác, nhưng nói ông có thể tái xem xét lời dọa hủy JCPOA.
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp, ông Trump nói lẽ ra không nên đàm phán về JCPOA và ông cảnh báo: “Nếu Iran dọa chúng tôi bằng bất kỳ kiểu nào, họ sẽ phải trả giá, giống như vài nước đã phải trả giá”.
Sau cuộc họp báo chung của hai vị lãnh đạo Mỹ-Pháp, Tổng thống Iran phát biểu trên truyền hình nhà nước: các nước phương Tây không có quyền soạn một thỏa thuận mới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn gọi ông Trump là “lái buôn” không xứng đáng được giải quyết một thỏa thuận quốc tế đầy phức tạp: “Ông không hề có kiến thức về chính trị, luật pháp, các thỏa thuận quốc tế. Tại sao một nhà buôn, một nhà thầu xây dựng lại có thể phán định về những vấn đề quốc tế. Họ nói rằng với lãnh đạo một nước châu Âu, chúng ta muốn có một quyết định về một thỏa thuận 7 bên. Tại sao phải làm thế? Lấy quyền nào?”.
Iran luôn tuyên bố sẽ không xem xét một thỏa thuận nào buộc hủy tên lửa đạn đạo của mình. Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Rouhani thề: “Chúng tôi sẽ sản xuất bất kỳ loại vũ khí cần thiết nào để bảo vệ đất nước chúng tôi tại một khu vực bất ổn. Nhưng chúng tôi sẽ không sử dụng vũ khí của mình để tấn công các nước láng giềng”.
Trung Trực (theo Guardian)