'Ôm' đất Vân Đồn chờ thành đặc khu coi chừng... ôm hận!
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:37, 21/04/2018
Cuối năm 2017, thông tin huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sắp trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam đã khiến giá đất tại đây biến động mạnh và đến nay tiếp tục sốt sình sịch.
Như một cò đất ở địa phương này cho hay, đất khu tái định cư đầu năm trước chỉ chừng 100 triệu đồng/lô 108m2 nhưng giờ đãvọt lên hơn 3 tỉ đồng/lô. Các mảnh đất giáp biển, nơi dự định sẽ có bến tàu du lịch, sân golf thì giá đất vọt lên hơn 60 triệu đồng/m2. Những lô đất thổ cưmặt tiền tỉnh lộ 334 đầu năm 2017 giá chỉ chừng vài ba triệu đồng/m2 nhưng thời điểm này, đất mặt đường hướng ra phía biển có giá chừng 30 triệu đồng/m2, còn phía nếu nằm phía đối diện hướng về phía núi chừng 21-22 triệu đồng/m2...
Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn đã xác nhận tình trạng này và cho rằng nguyên nhân là nhu cầu tăng vọt, rằng “Vân Đồn phát triển thì việc sốt đất là đương nhiên”.
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Thành -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá nguyên nhân đất Vân Đồn sốt ảo một phần do các cơ quan chức năng chưa phối hợp đồng bộ trong thực hiện chỉ thị của chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý chống đầu cơ thổi giá.
Nguyên nhân kháclàgiới đầu cơ lợi dụng tình trạng buông lỏng quản lý để trục lợi. Họ liên tục mua đi bán lại, thổi giá, tạo giá ảo, chủ yếu tập trung vào đất nền của các dự án đã được cấp phép đầu tư cách đây 10-15 năm nhưng cả một thời kỳ dài không bán được. Họ mua bán, trao đổi toàn bằng giấy tay, không thông qua các thủ tục hành chính, pháp lý theo quy định".
Ông Thành khẳng định, cơn sốt đất ảo kéo dài sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân ham lời rơi vào vòng xoáy do giới cò đất tạo ra. Có không ít người cứ nghĩ ôm đất rồi sau này doanh nghiệp vào làm dự án sẽ phải thỏa thuận với họ để mua lại hoặc bồi thường giá cao.
"Tôi khẳng định điều này không hề có. Theo định hướng phát triển của đơn vị hành chính đặc biệt, chính quyền đặc khu sẽ đứng ra thu hồi đất thực hiện dự án phát triển trên địa bàn. Không có chuyện nhà đầu tư phải đi thỏa thuận với các hộ dân!", ông nói.
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp người mua đất gần như mất trắng vì không có cơ sở khiếu nại. Một số người đầu cơ đất đồi, hy vọng khi dự án sân bay triển khai họ sẽ được quyền bán đất san lấp. Nhưng đây là tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước, chính quyền thực hiện giải phóng mặt bằngtheo giá quy định cho nênnhững người đầu cơ đất đồi đã “ăn trái đắng”.
"Người dân phải hiểu rõ rằng việc mua bán đất trao tay không có giấy tờ gì là hết sức mạo hiểm. Sẽ không ai hợp thức hóa cho những trường hợp đó", ông nói thêm.
Một hệ lụy khác là việc giới đầu cơ thổi giá đất quá cao so với thực tế sẽ gây tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Giá đất ảo vừa gây xáo trộn thị trường bất động sản, vừa ảnh hưởng xấu tới công tác giải phóng mặt bằng sau này.
Đối với những dự án phân lô bán nền đang là điểm nóng, Thanh tra tỉnh đang triển khai thanh tra một số dự án phân lô bán nền có biểu hiện mua đi bán lại để thổi giá như dự án đô thị Ao Tiên, dự án khu dân cư thị trấn Cái Rồng, dự án khu dân cư đô thị Ocean Park. Thanh tra sẽ xem xét các thủ tục mua bán có đảm bảo đúng quy định của pháp luật không, nếu có sai phạm sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm trong quý II.
Vẫn theo ông Thành, cơ quan chức ở tỉnh này đã phát hiện hơn 10 sàn bất động sản, trung tâm giao dịch đất đai ở Vân Đồn không đáp ứng điều kiện hoạt động. Các sàn sẽ phải giải trình rõ đã môi giới bao nhiêu vụ mua bán, số tiền giao dịch là bao nhiêu, đã nộp thuế bao nhiêu... Ngoài việc yêu cầu chấm dứt hoạt động, nếu họ không trung thực khai báo nộp thuếsẽ bị chuyển lên công an điều tra, xử lý.
Tổng hợp từ PLO