Vụ bán thuốc hết hạn: Quản lý quầy thuốc lỏng lẻo như thế nào?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:55, 22/04/2018
>>Bóc trần quầy dược bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi tại Huế
Năm 2013, không lâu sau khi đi vào hoạt động, Bệnh viện đa khoa Chân Mây (đóng tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd (đóng tại số 8, đường Phan Chu Trinh, TP.Huế) đã có hợp đồng đặt quầy thuốc của công ty này trong khuôn viên bệnh viện.
Bác sĩ Hoàng Văn Thám, GĐ Bệnh viện đa khoa Chân Mây cho biết, cùng với quầy thuốc của bệnh viện, quầy thuốc này (gọi là quầy thuốc Tốt số 33) góp phần đảm bảo nhu cầu cung cấp thuốc cho bệnh nhân, nhất là khi bệnh nhân không có hoặc không muốn thực hiện khám, điều trị và nhận thuốc trong diện bảo hiểm y tế. Thế nhưng điều lạ là dẫu tồn tại đã 5 năm, nhưng việc quản lý hoạt động ở quầy thuốc này rất lỏng lẻo.
Mãi đến khi PV Một Thế Giới cùng người nhà bệnh nhi phát hiện, bắt quả tang nhân viên quầy thuốc tiếp tục bán loại thuốc hết date này cho người nhà bệnh nhi vào sáng 20.4,sự việc mới vỡ lở, nữ nhân viên quầy thuốc phải thừa nhận sai trái dù khi bị phát hiện thì phủ nhận và có hành vi phi tang nhưng bị ngăn chặn.
Quầy thuốc “Tốt 33” không bảng niêm yết giá, không sổ quản lý thuốc nhập vào bán ra
Điều đáng nói là không chỉ việc bán thuốc hết hạn đến gần 5 tháng, mà quầy thuốc “Tốt 33” này có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định hiện hành trên lĩnh vực y tế. Điển hình là khi làm việc với Ban giám đốc bệnh viện và một số phóng viên, nữ dược sĩ Nguyễn Thị Tự, nhân viên phụ trách quầy đồng thời là người bán thuốc đã không trưng được sổ sách ghi chép số lượng thuốc nhập, số lượng bán thuốc ra trong ngày.
Không chỉ thế, theo ghi nhận của PV trước đó, quầy thuốc không đặt bản niêm yết giá thuốc nên bệnh nhân hay người nhà đến mua thuốc thì nhân viên bán thuốc “hô” bao nhiêu họ trả tiền bấy nhiêu.
Liên quan đến việc quản lý hoạt động của quầy thuốc “Tốt 33”, trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao quầy thuốc của công ty lưu giữ và bán loại thuốc đã hết hạn đến gần 5 tháng cho người nhà bệnh nhân, bán cho nhiều người, nhiều lần.
Bà Thái Thị Phương Như, Phó phòng kinh doanh Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco - Tenamyd , người đại diện công ty về Bệnh viện Chân Mây giải quyết sự cố nhân viên công ty bán thuốc hết hạn, nói rằng bà cũng không hiểu vì sao lại xảy ra sự việc như thế. Bà Phương cũng thông tin công ty có quy chế hoạt động và các hình thức “quản lý rất chặt chẽ”, “tính kỷ luật cũng rất nghiêm khắc”, các nhân viên đều được đào tạo bài bản theo quy trình, như việc nhập thuốc ra sao, hạn dùng ra sao đều có... Thế nhưng khi chúng tôi hỏi vì sao quầy thuốc không có sổ sách ghi chép về thuốc nhập vào xuất ra, niên hạn... theo các quy định hiện hành thì bà Như không giải thích được.
“Trước mắt thì con dại cha mẹ phải chịu. Cha mẹ dạy là dạy điều tốt chứ có dạy điều xấu đâu... Chúng tôi xin lỗi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đồng thời sẽ khắc phục hậu quả vì sai sót này.
Việc để tồn lưu thuốc quá date đến gần 5 tháng và bán cho bệnh nhân trong thời gian dài cho thấy sự quản lý lỏng lẻo đối với các quầy thuốc bán lẻ
Theo chỉ đạo của Ban giám đốc, Công ty cũng sẽ họp để rà soát lại quy trình, xem xét lô thuốc này nhập, xuất như thế nào, trách nhiệm những người liên quan ra sao và hội đồng kỷ luật sẽ họp để có hình thức kỷ luật nghiêm”, bà Như nói.
Còn BS Thám, sau khi ghi nhận thực tế và tận mắt chứng kiến hoạt động của quầy thuốc hợp đồng đặt trong bệnh viện, ông bộc bạch: “Tôi đã tin tưởng vào sự quản lý hoạt động của quầy thuốc này của bên công ty thuê mặt bằng cũng như các bộ phận chuyên môn tham mưu của bệnh viện, ai ngờ quầy thuốc có nhiều cái không quá... Chúng tôi sẽ xem xét việc chấm dứt hoạt động của quầy thuốc này”.
Bệnh viện đa khoa Chân Mây là một bệnh viện lớn ở khu vực phía Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế. Bệnh viện này được quy hoạch, xây dựng với mục tiêu khám, chữa bệnh cho nhân dân 4 xã trong khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, gồm Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô với công suất thiết kế là 200 giường bệnh nội trú. Cùng với đó, bệnh viện này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch tỉnh, khi đảm bảo cơ sở, dịch vụ y tế để khám chữa bệnh cho du khách khi đến tham quan các danh thắng, nghỉ dưỡng ở Chân mây – Lăng Cô.