Kiasu, văn hóa 'keo kiệt, ích kỷ' đã biến Singapore thành quốc gia phát triển bậc nhất thế giới

Du lịch - Ngày đăng : 11:13, 23/04/2018

Một trong những từ được nhắc đến đầu tiên để miêu tả về văn hóa của Singapore là "kiasu". Niềm tin này có nghĩa là gì và bắt nguồn từ đâu?

“Kiasu” có nguồn gốc từ tiếng Phúc Kiến (một ngôn ngữ địa phương ở Trung Quốc), trong đó ‘kia’ nghĩa là sợ và ‘su’ nghĩa là thua cuộc. Do đó, “kiasu” có thể được dịch theo nghĩa đen là “sợ thua cuộc”. Vào năm 2007, “kiasu” đã được thêm vào Từ điển Anh ngữ Oxford, nơi nó được mô tả là “thái độ keo kiệt, ích kỷ”.

Tiến sĩ Leong Chan-Hoong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách tại Đại học Quốc gia Singapore giải thích rằng “kiasu” như bản năng sống còn của đảo quốc này. Đất nước nhỏ bé với tuổi đời chỉ 53 nằm ở giữa Đông Nam Á, bao quanh bởi những người hàng xóm có nền văn hóa khác với Singapore.

Ông Chan-Hoong cho biết: “Nó luôn ở trong tâm trí người Singapore rằng bạn phải tự lực, bạn phải khao khát, bạn phải dẫn đầu…nhu cầu tiên phong luôn là một phần trong tâm lý xã hội”.

Trong thực tế, điều này có nghĩa là người Singapore ghét bị bỏ lỡ và thích một món hời. Họ sẽ xếp hàng dài vô tận cho các dòng điện thoại mới nhất hay chỉ là một phiên bản Hello Kitty có hạn từ chương trình Happy Meal của McDonald’s.

Những người Singapore tại các bữa ăn buffet thường chồng các đĩa ăn lên cao nhất có thể. Đến một quầy ăn tại quốc gia này, bạn sẽ nhanh chóng làm quen với từ Singlish (kết hợp giữa tiếng Anh và ngôn ngữ địa phương của người Singapore) “chope” – dành một khoảng trống trong khi đi lấy thức ăn bằng cách đặt một vật gì đó như một gói giấy ăn hoặc một cái ô lên trên mặt bàn.

Theo nhà phê bình văn học Gwee Li Sui, một người Singapore, “Kiasuism là một hành vi vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Không ai thích bị đối xử như vậy, nhưng nhiều người lại rất thích thú thực hiện nó. Khi chúng tôi thấy người khác thể hiện nó, cảm xúc của chúng tôi sẽ thay đổi từ kính sợ, hơi thích thú đến khó chịu và xấu hổ.”

Một cuộc khảo sát đành giá Giá trị quốc gia vào năm 2015 cho thấy người Singapore cho kiasu trong top 10 nhận thức hàng đầu của họ về xã hội Singapore, cùng với thích cạnh tranh và tự cho mình là trung tâm. Ngược lại, khi được hỏi các giá trị và hành vi mô tả chính bản thân mình, mối quan hệ gia đình, tình bạn, chu đáo và trung thực lại xuất hiện trong top 10.

Điều này người dân Singapore đang tự nhận thức rõ về khó khăn trong tìm kiếm sự cân bằng giữa thành công trong cuộc sống và gìn giữ các giá trị tích cực của xã hội.

Trong những năm gần đây, chủ nghĩa kiasu đã nhận nhiều chỉ trích từ nhiều người, trong đó có các chính trị gia. Kuik Shiao-Yin, một thành viên Quốc hội Singapore, đã chỉ trích kiasu vì nó cản trở sáng tạo trong kinh doanh, cho rằng những doanh nhân chịu ảnh hưởng bởi kiasu ưu tiên các mục tiêu ngắn hạn hơn các mục tiêu dài hạn.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều người Singapore khác quyết tâm giữ gìn tinh thần kiasu.

Cecilia Leong, mẹ của một cặp sinh đôi 4 tuổi, chia sẻ rằng trước khi sinh con, cô quyết tâm không gây áp lực lên con mình để đạt thành tích trong học tập, nhưng sau khi trở thành mẹ, đó lại là một câu chuyện khác.

Chị đã bắt đầu tìm kiếm một trường mầm non tốt khi chúng mới chỉ 6 tháng tuổi. Cô cũng đã tìm các lớp học đọc tiếng Anh và thuê gia sư tiếng Trung cho cặp song sinh. Chị Leong chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng tôi phải cung cấp cho chúng những thứ tốt nhất có thể. Ở một đất nước cạnh tranh, tôi không muốn con của mình tụt thua kém những đứa trẻ khác.”

Chồng chị Leong, anh Lim Soon Jinn, cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về kiasu. Anh tin rằng do Singapore không có tài nguyên thiên nhiên, kiasu trở thành chìa khóa thành công của quốc đảo này: “Cha ông chúng tôi đã vượt qua sự cạnh tranh, và do đó chúng tôi với vai trò là bậc cha mẹ cần thấm nhuần tinh thần này cho con cái mình từ khi còn nhỏ.”

Anh nói thêm: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi không thể thoát ra khỏi truyền thống này vì cạnh tranh là nguồn tài nguyên duy nhất của chúng tôi. Không nước ngọt, không đồ ăn, không đất đai – chỉ có cách là số một chúng tôi mới có thể tồn tại.”

Do đó, dường như kiasu không chỉ đơn giản là FOMO (nỗi sợ bị bỏ rơi) của thế hệ millennial. Nó là một ý thức sâu sắc mà người Singapore mang trong mình rằng chỉ có tham vọng và mong muốn trở thành tốt nhất thì họ (và đất nước của họ) mới có thể phát triển.

Theo Thời Đại

Thoidai/cafef