Thanh tra y tế tỉnh Thừa Thiên- Huế né vụ thuốc hết hạn?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:54, 23/04/2018
>>Bóc trần quầy dược bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi tại Huế
>>Vụ bán thuốc hết hạn: Quản lý quầy thuốc lỏng lẻo như thế nào?
Sáng 23.4, BS chuyên khoa 2 Hoàng Văn Thám, GĐ Bệnh viện đa khoa Chân Mây (bệnh viện tuyến tỉnh đặt tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), cho biết ông chưa nhận được thông báo, hay kế hoạch của Thanh tra Sở y tế tỉnh làm việc về nội dung liên quan đến quầy thuốc hợp đồng đặt trong khuôn viên bệnh viện bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi và người nhà bệnh nhi.
Một số gói thuốc Haphacol hết hạn được người nhà bệnh nhân phát hiện và ngừng sử dụng
Như Một Thế Giới đã thông tin, ngày 20.4, Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Chân Mây cùng người nhà bệnh nhân, chính quyền địa phương, nhân chứng và người liên quan đã tiến hành lập biên bản ghi nhận hiện trường việc bán thuốc Haphacol 150mg đã hết hạn xảy ra tại quầy thuốc Tốt số 33 thuộc Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd (đóng tại 8, đường Phan Chu Trinh, TP.Huế) hợp đồng đặt trong Bệnh viện Chân Mây bán thuốc hết hạn cho người nhà bệnh nhân.
Việc lập biên bản này diễn ra sau khi người nhà bệnh nhân và một số nhân chứng đã bắt quả tang nhân viên quầy thuốc này bán thuốc Haphacol 150mg cho người nhà bệnh nhân. Tại thời điểm biên bản được lập, các bộ phận chức trách của bệnh viện kiểm tra trong quầy còn tồn lưu 24 gói thuốc Haphacol 150mg, số lô 151215, ngày sản xuất là 15.12.2015, hạn dùng là 15.12.2017, do Công ty TNHH một thành viên dược phẩm DHG (Hậu Giang) sản xuất được Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd phân phối và bán tại quầy thuốc ở Bệnh viện đa khoa Chân Mây.
Cùng ngày, Ban giám đốc Bệnh viện thống nhất với Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd tạm đình chỉ hoạt động của quầy thuốc Tốt 33 để xử lý, khắc phục hậu quả và làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Nhiều loại thực phẩm chức năng dành cho bé được bán ở quầy thuốc Tốt 33
Thừa nhận việc bán thuốc Haphacol 150mg quá hạn cho người nhà bệnh nhân, tuy nhiên nữ dược sĩ Nguyễn Thị Tự, người bán thuốc kiêm phụ trách quầy thuốc Tốt 33, nói rằng cô không nhớ là đã bán bao nhiêu hộp, bao nhiêu gói loại thuốc hết hạn này cho bệnh nhi và cũng không trình được sổ ghi chép nhận vào xuất ra các loại thuốc men nói chung và thuốc Haphacol 150ms nói riêng tại quầy thuốc Tốt số 33.
Kiểu bán thuốc và quản lý quầy thuốc kỳlạ này khiến cho việc thu hồi sản phẩm thuốc hết hạn đã bán cho người nhà bệnh nhi gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe các bé khi đã trót uống và chuẩn bị uống khi không được ngăn chặn kịp thời. Không chỉ thế, với việc bán hàng và quản lý cẩu thả tại quầy thuốc của Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd đặt ra các nghi vấn có hay không các loại thuốc hết hạn khác đã và đang được bán cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ quầy thuốc Tốt số 33?
PV và người nhà bệnh nhân thu thập chứng cứ thuốc hết hạn nhân viên phi tang vứt vào thùng rác trước quầy thuốc Tốt 33 ở Bệnh viện đa khoa Chân Mây
Để ngăn chặn các nguy cơ, phòng ngừa các mối nguy hiểm cho người bệnh cũng như có bằng chứng xác thực, khách quan khi xử lý sai phạm tại quầy thuốc Tốt số 33 của Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd , người dân đã thông tin đến Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế ngay sau khi bắt quả tang việc bán thuốc hết hạn, đề nghị Thanh tra Sở Y tế tỉnh về tận nơi chứng kiến và làm rõ thêm sự việc, nhất là việc kiểm tra đột xuất hoạt động của quầy thuốc có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về y tế này.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, lãnh đạo Thanh tra Sở y tế tỉnh đã chỉ đạo cho cán bộ chuyên trách xử lý vụ việc, nhưng vị này nói chưa thể về Bệnh viện Chân Mây ngay trong sáng 20.4 vì đường xa (khoảng cách từ TP.Huế về bệnh viện này khoảng 55km - PV) sự việc diễn ra đột xuất và phải “lên kế hoạch để điều xe”.
Đây cũng là lý do suốt ngày 20.4 đến sáng 23.4, Thanh tra y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế không có mặt ở Bệnh viện đa khoa Chân Mây để xử lý vụ việc.
Sự chậm trễ này sẽ tạo điều kiện cho nhân viên quầy thuốc cũng như cơ quan chủ quản “phi tang” bằng chứng sai phạm, hoặc sử dụng các phương thức để đối phó lực lượng chức trách nếu có các sai phạm trong hoạt động y tế nói chúng và hoạt động quầy thuốc bán lẻ nói riêng mà luật pháp đã quy định.
Video: Vạch trần quầy thuốc bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi ở Thừa Thiên-Huế:
Bài, ảnh: Nhật Lam