Mỹ xem xét bỏ trừng phạt cho tập đoàn Nga

Quốc tế - Ngày đăng : 17:27, 24/04/2018

Bộ Tài chính Mỹ ngày 23.4 thông báo cho kéo dài thời hạn để những khách hàng Mỹ của Rusal, tập đoàn nhôm hàng đầu của Nga, cắt giảm hoạt động làm ăn với đơn vị này, đồng thời cho biết đang cân nhắc khả năng loại bỏ Rusal khỏi danh sách bị trừng phạt, với điều kiện tỷ phú Oleg Deripaska phải từ bỏ quyền kiểm soát.

Thời hạn mới được đặt ra là ngày 23.10, thay vì ngày 5.6. Ngoài ra, sẽ không có biện pháp trừng phạt thứ cấp áp đặt cho những tổ chức không phải của Mỹ, có quan hệ kinh doanh với Rusal hay công ty con của nó.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết Rusal gửi kiến nghị xin được loại khỏi danh sách bị trừng phạt, nên Bộ đã cho gia hạn thời gian cắt giảm hoạt động làm ăn với tập đoàn này trong lúc cân nhắc kiến nghị.

“Rusal đã cảm nhận được tác động đến từ trừng phạt của Mỹ, vì họ có dính líu đến ông Oleg Deripaska, nhưng chính quyền Washington không nhắm vào những người lao động chăm chỉ dựa vào Rusal và công ty con”, theo ông Mnuchin.

Tỷ phú Oleg Deripaska là một trong số những cá nhân nằm trong gói trừng phạt 24 cá nhân và 12 tổ chức được Mỹ công bố vào đầu tháng 4 này, nhằm đáp trả “hoạt động ác ý” (theo cách gọi của phía Washington) mà Nga thực hiện.

Tỷ phú Oleg Deripaska - Ảnh: CNBC

Nhà phân tích cấp cao Oleg Petropavlovsky của công ty dịch vụ tài chính BCS Global Markets cho biết ông Deripaska hiện đang nắm giữ 48% cổ phần của Rusal và kiểm soát tập đoàn này qua một thỏa thuận với các cổ đông khác. “Không rõ liệu việc hủy bỏ thỏa thuận có đủ đáp ứng yêu cầu giới chức Mỹ đặt ra hay không”, theo Petropavlovsky.

Nhiều nhà phân tích đều nhận định quốc hữu hóa là giải pháp duy nhất có thể cứu Russal, tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 20.4 cho biết tập đoàn này không nằm trong danh sách doanh nghiệp mà nước này muốn quốc hữu hóa.

Rusal sản xuất khoảng 6% nhôm của thế giới, đồng thời cũng là đơn vị vận hành nhiều mỏ và lò luyện từ Guinea đến Ireland, Nga và Jamaica.

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ đã lập tức kéo giảm giá nhôm toàn cầu, vốn đã tăng cao do các nhà sản xuất chạy đua để đảm bảo nguồn cung. Một nhóm vận động chính trị tại Đức đã cảnh báo nhiều nhà máy châu Âu có nguy cơ phải đóng cửa và các nhà sản xuất ô tô sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung.

Giá nhôm giảm mạnh sau thông báo của Bộ Tài chính Mỹ - Ảnh: Bloomberg
Cẩm Bình (theo Bloomberg, Reuters)

Cẩm Bình