Vụ cà phê trộn pin 'nóng' Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2018

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:58, 25/04/2018

Vụ "cà phê trộn pin" gây bức xúc dư luận mới đây tiếp tục "nóng" lên tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 diễn ra ngày 24.4.

Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 ngày 24.4, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tuy nhiên thời gian gần đây nhiều vụ việc nhức nhối, gây bức xúc dư luận đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, điển hình trong số đó là vụ "cà phê trộn pin".

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương)

"Cà phê phin lại thành cà phê pin. Vụ việc không chỉ gây bàn tán xôn xao mà đối với xuất khẩu, nó có sức ảnh hưởng rất lớn, bôi bẩn hình ảnh cà phê Việt. Vụ việc không chỉ là hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm trong nước mà còn là cái cớ để các nước tẩy chay hàng Việt Nam. Do đó, ngăn chặn các sản phẩm bẩn trong nước chính là cách để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu. Bởi vì xúc tiến thương mại không chỉ là vệc tìm kiếm bạn hàng mà chính là việc giữ gìn hình ảnh, chất lượng, uy tín sản phẩm", ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ngày hôm qua (23.4) tại Hội nghị toàn quốc về các giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu ngày 23.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Đắk Nông khởi tố, điều tra nghiêm túc vụ việc "cà phê trộn pin". Ngay chiều 23.4, Công an tỉnh Đăk Nông đã khởi tố vụ án, tạm giữ 5 người liên quan đến việc trộn phế phẩm cà phê với bột pin, hóa chất. 5 người bị tạm giữ gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở nhuộm tạp chất cà phê với than pin), ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan) và Ngô Ngọc Sơn (người trực tiếp thực hiện hành vi nhuộm tẩm than pin) và hai người khác. Cả 5 người bị tạm giữ để điều tra hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ Luật Hình sự.

Cũng tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018, ông Hải cho biết thêm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay còn yếu khi các sản phẩm công nghiệp Việt Nam chủ yếu dưới dạng gia công, chưa có thương hiệu, chỗ đứng riêng trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến một số ngành trong nước bị ảnh hưởng do tác động của việc mở cửa thị trường, nhập khẩu tăng mạnh.

Đứng trước những nguy cơ rủi ro từ bảo hộ và chiến tranh thương mại của hoạt động xuất khẩu năm 2018, ông Vũ Bá Phú kiến nghị, Bộ Công Thương cần chủ động nắm bắt thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như: sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật... để phát huy cơ chế cảnh báo sớm cho doanh nghiệp để phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, thường xuyên theo dõi, cung cấp thông tin về thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ...

Ông Hải dự báo xuất khẩu năm 2018 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước, bên cạnh đó dự báo tăng trưởng của các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên trong thời gian tới sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam đều có mức tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2017, tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ FTA thông qua việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiếp tục tăng cao.

Tuyết Nhung

tuyetnhung