Chia sẻ yêu thương cùng nhau vượt qua đại dịch

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:49, 20/04/2020

Trong khó khăn của những ngày thực hiện cách ly xã hội, nhiều người đã chọn giải pháp san sẻ yêu thương đến cộng đồng, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vượt lên nghịch cảnh.
Người dân nhận gạo ở điểm ATM gạo Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Xuân, Phú Yên

Hạnh phúc quanh đây

Phải tạm nghỉ dạy dài ngày do bùng phát dịch COVID-19 nhưng thầy giáo tiểu học Trần Văn Mênh (47 tuổi, ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên) không ngày nào ngơi việc. Mấy năm nay, ngoài việc dạy học, thầy Mênh còn điều hành nhóm thiện nguyện “Nụ cười hạnh phúc” với 40 thành viên.

Nhằm san sẻ với những khó khăn của người bệnh, nhóm tổ chức phát cơm chay miễn phí vào ngày mùng 1, mùng 8, ngày 15 và ngày 23 (âm lịch) hàng tháng tại Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa, quyên góp quà tặng đến những hoàn cảnh khó khăn vào những ngày lễ, tết. Nguồn kinh phí hoạt động của nhóm được tiếp nhận từ các mạnh thường quân trên địa bàn huyện và chính từ sự đóng góp của các thành viên nhóm, với mức từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng. Thầy Mênh còn lập một trang facebook lấy tên của nhóm để đưa thông tin về những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kêu gọi sự chia sẻ chung tay từ cộng đồng.

“Công việc của nhóm “Nụ cười hạnh phúc” càng bận rộn hơn khi phát sinh dịch COVID-19. Bởi nhiều trường hợp càng gặp khó khăn khi mất việc lại bị bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn thương tâm. Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm san sẻ với những người không may mắn, để họ sống vượt lên hoàn cảnh. Tôi rất vui khi hàng trăm triệu đồng do nhóm đóng góp và các tấm lòng hảo tâm ủng hộ được chuyển đến tận tay giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo”, thầy giáo Mênh cho hay.

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Hạnh (25 tuổi, công nhân ngành may ở TP Tuy Hòa, Phú Yên) cũng phải nghỉ việc dài ngày nhưng luôn bận bịu với các nhóm vận động quyên góp, ship hàng hỗ trợ cộng đồng khó khăn. Mấy hôm nay, chị Hạnh lại tất bật từ sớm đến khuya cùng nhóm tình nguyện viên bán hàng miễn phí cho dân nghèo tại “Siêu thị 0 đồng - Siêu thị Hạnh Phúc” ở phường 7, Tuy Hòa. Siêu thị này là hoạt động hướng đến cộng đồng của Công ty CP Đầu tư APEC Phú Yên, nhằm san sẻ yêu thương với dân nghèo và đồng hành cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo ông Vũ Văn Chinh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư APEC Phú Yên, từ ngày 14.4, Siêu thị 0 đồng tiến hành “bán hàng miễn phí” cho người nghèo ở 16 xã, phường thuộc khu vực Tuy Hòa. Các mặt hàng được bán gồm: gạo, mì ăn liền, trứng, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, quần áo, xà phòng, kem đánh răng,… Hiện mỗi ngày, Siêu thị 0 đồng mở bán vào 2 khung giờ: 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 14 giờ đến 17 giờ. Danh sách các hộ nghèo được mua hàng miễn phí tại siêu thị do UBND các phường cung cấp. Người dân được mua hàng 2 tuần/lần với giá trị mỗi lần mua không quá 100.000 đồng.

Để đảm bảo công tác kiểm soát dịch tể, phòng chống dịch COVD-19, Siêu thị 0 đồng yêu cầu người dân khi đến nhận hàng phải mang khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn,... Dự kiến, ngoài 9 xã, phường thuộc khu vực TP Tuy Hòa, công ty sẽ tổ chức bán hàng lưu động cho người nghèo tại các địa phương khác của tỉnh. APEC cam kết sẽ kéo dài thời gian “bán hàng 0 đồng” đến tháng 6.2020, với nguồn vốn chuẩn bị khoảng 20 tỉ đồng, thực hiện tại 8 tỉnh, thành trên cả nước.

Suối gạo nghĩa tình

Điểm ATM tặng gạo cho người nghèo, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định

Tại Bình Định, từ ngày 15.4, lần đầu tiên người dân nhìn thấy rất nhiều gạo chảy ra từ các kho chứa lớn, như những dòng suối ngọc ngà giữa ngày cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Đó là những “cây ATM” gạo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Bình Định và Hội Liên hiệp thanh niên VN tỉnh này vận động quyên góp, đưa vào hoạt động để phát gạo miễn phí cho người nghèo, người khó khăn trên địa bàn. Theo đó, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, ATM gạo hoạt động mỗi ngày với 2 khung giờ: Từ 7-10 giờ và từ 14 -17 giờ. Trước khi vào nhận gạo, người dân được rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đảm bảo đúng cự ly theo công tác phòng chống dịch COVID-19. Mỗi người dân được nhận 2 kg gạo cùng 5 quả trứng.

Theo anh Lương Đình Tiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN tỉnh Bình Định, cây ATM gạo được ra đời nhằm mục đích chung tay hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch COVID-19. Chỉ trong chiều 15.4, đã có khoảng 2.300 người dân đến nhận hỗ trợ tại cây ATM gạo. Ngoài ra, có 20 tổ chức, cá nhân cũng đến hỗ trợ cây ATM gạo tổng cộng trên 10 tấn gạo.

Đợt 1 chương trình ATM gạo kéo dài trong vòng 10 ngày (từ ngày 15 - 25.4), sau đó ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm để xem xét thực hiện giai đoạn tiếp theo. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, hy vọng những phần gạo nghĩa tình sẽ góp giúp nhen ấm gian bếp của bà con hộ nghèo, ổn định cuộc sống trong những ngày cách ly xã hội do đại dịch COVID-19.

Còn tại huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên), một nhóm thiện nguyện từ Hà Nội đã chính thức vận hành cây “ATM gạo” vào ngày 16.4, dự kiến hoạt động trong 3 tháng. Đồng Xuân là một trong những huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ huyện Đồng Xuân, nhóm thiện nguyện đến từ Hà Nội (xin không nêu tên) đã trực tiếp chọn vùng đất khó khăn này để hỗ trợ gạo ăn cho những gia đình nghèo, với tâm nguyện hết sức tận tâm san sẻ khó khăn trong những ngày phòng, chống dịch COVID-19.

Điểm ATM tặng gạo cho người nghèo, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định

Tại Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Xuân, một bầu không khí ấm áp nghĩa tình bên cây ATM gạo. Người đến nhận chỉ cần đưa tay vào hệ thống cảm biến của “ATM” gạo sẽ chảy ra. Phía bên ngoài, các nhà hảo tâm liên tục chở gạo đến để đổ thêm vào bồn chứa. Để hỗ trợ việc nhận gạo đối với những người già, người tàn tật,…, bên máy luôn có hai bạn tình nguyện viên túc trực giúp đỡ.

Người nghèo khi đến “ATM gạo” sẽ nhận được 3kg cho mỗi lần và mỗi người được nhận tối đa 6 lần tương đương 18 kg. Nhận xong phần gạo, bà Nguyễn Thị Hòa (68 tuổi, ở xã Phú Mỡ, Đồng Xuân) bày tỏ: “Không ngờ “suối” gạo phát miễn phí cho người nghèo là có thật. Hoàn cảnh tui neo đơn, trong lúc dịch bệnh khó khăn mà được nhận gạo như thế này là quá quý. Cảm ơn những tấm lòng đã quan tâm giúp đỡ người dân miền núi trong lúc ngặt nghèo này”.

Cảm động hơn, ngay trong mùa dịch COVID-19, thầy trò Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã chung tay sáng chế ra mẫu “cây ATM gạo” rất bắt mắt để san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy Hiệu trưởng Huỳnh Tấn Châu, nhà trường đã vận động quyên góp được hơn 20 tấn gạo từ các cựu học sinh của trường, các nhà hảo tâm. Số gạo quyên góp đang tăng lên từng ngày. Bước đầu, từ ngày 19.4, ATM tặng gạo được đặt tại khuôn viên trường Lương Văn Chánh; mỗi hộ nghèo ở TP Tuy Hòa sẽ được hỗ trợ 10kg gạo; tiếp đó, ATM gạo này sẽ luân phiên chuyển đến các địa phương khác trong tỉnh.

“Toàn bộ nhân lực vận hành ATM gạo này do thầy cô giáo và các em học sinh của trường đảm trách. Trong hoàn cảnh đặc biệt do dịch COVID-19 gây ra, nhà trường mong muốn, việc làm này không đơn thuần là việc tặng gạo mà là bài học về sự sẻ chia tình yêu thương cộng đồng đối với các em học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi tin, tấm tình thiện nguyện này sẽ có sự cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, để mọi người cùng vượt qua nghịch cảnh do COVID-19”, thầy Huỳnh Tấn Châu nói.

Các nhà hảo tâm tài trợ cho ATM gạo tặng người nghèo tại huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên

Ghi chép của Đào Đức Tuấn