Nếu nhà mạng khóa thuê bao do thiếu ảnh, khách hàng có quyền kiện
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:03, 26/04/2018
Giữa năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CPyêu cầu người dùng đăng ký số điện thoại mới phải cung cấp đầy đủ thông tin về giấy tờ tùy thân, đặc biệt là "hình chụp chân dung chính chủ". Tuy nhiên, khoảng 3 tuần trở lại đây, các nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, Vinaphone đều yêu cầu chủ thuê bao phải nộp ảnh chân dung để thực hiện Nghị định 49. Thời hạn cuối cùng để khách hàng cập nhật ảnh chân dung là ngày 24.4.
Vì họ thông báo gấp rút nên việc bổ sung ảnh chân dung đã tạo nên sự quá tải ở các điểm giao dịch, đồng thờiviệc này cũng tạo nên nhiều luồng tranh cãi lớn trong dư luận.
Nhà báo Đặng Vỹ tuyên bố: “Nếu MobiFone cắt thuê bao điện thoại của tôi, tôi sẽ kiện họ đến cùng”. Lý do là hợp đồng với nhà mạng không có bất cứ điều khoản nào bắt buộc khi nào nhà mạng yêu cầu thì khách hàng phải cung cấp thông tin bổ sung.
Bên cạnh đó, cũng không có quy định nào yêu cầu khi Chính phủ ra luật mới hay bổ sung, là khách buộc phải theo các yêu cầu của nhà mạng thực hiện các quy định bổ sung của luật.
“Việc phải có ảnh chân dung của tôi bổ sung vào hồ sơ thuê bao là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chứ không phải của tôi. Vì vậy, bằng cách nào đó nhà mạng phải tự kiếm lấy hình chân dung của tôi, là chuyện của họ. Họ không có chân dung tôi là họ đã không tuân thủ Nghị định 49, chứ tôi không vi phạm”, ông Đặng Vỹ nêu.
Không chỉ riêng nhà báo Đặng Vỹ, rất nhiều khách hàng của các nhà mạng cũng bày tỏ sự bức xúc trước yêu cầu bổ sung ảnh chân dung và cho biết sẽ không nộp ảnh như yêu cầu, nếu bị khóa thuê bao sẽ tiến hành khởi kiện.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo quy định tại khoản 8 điều 1 Nghị định 49, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm: “Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 điều này.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 1 chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện”.
Như vậy, ông Hùng cho rằng nếu chủ thuê bao chứng minh mình không nhận được “thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần” thì nhà mạng không có quyền cắt, hoặc tạm dừng dịch vụ. Nếu muốn thay đổithì nhà mạng phải thông báo, đàm phán với từng chủ thuê bao chứ không có quyền đưa ra một mệnh lệnh yêu cầu khách hàng phải bổ sung thông tin.
“Theo Nghị định thì sau ngày 24.4.2018 chính các nhà mạng phải bị phạt. Còn nếu thuê bao bị nhà mạng đơn phương cắt, bị ngưng hoạt động thì theo tôi chủ thuê bao được quyền khởi kiện theo quy định”, ông Hùng khẳng định và cho rằngviệc để xảy ra tình trạng sim rác là do lỗi của nhà mạng chứ không phải lỗi của khách hàng.
Cũng theo luật sư Hùng, khi người tiêu dùng cung cấp hình ảnh cá nhân để nhà mạng quản lý, thì cũng cần có quy định về trách nhiệm của nhà mạng đối với việc bảo mật hình ảnh khách hàng. Nếu chưa đưa ra được những quy định về trách nhiệm đó mà buộc khách hàng phải cung cấp hình ảnh là quy định mang tính áp đặt, chưa hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng. Nếu nhà mạng không bổ sung đủ thông tin khách hàng, nhà mạng sẽ bị phạt tùy theo mức độ, hành vi, số tiền phạt có thể lên tới 100 triệu đồng.
Theo đó, căn cứ từ các quy định, khách hàng có thể cung cấp bằng chứng về việc nhà mạng “không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định; không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu đối với cá nhân sử dụng nhiều hơn 3 số thuê bao di động trả trướcthì nhà mạng sẽ bị cơ quan chức năng phạt đến 100 triệu đồng", ông Hùng nói.
Chụp ảnh khách hàng là không hợp lý
Trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới khi Nghị định 49 mới chỉ là dự thảo, luật sư Kiều Anh Vũ thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằngquy định phải chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng dịch vụ viễn thông di động là không hợp lý.
Thứ nhất, quyền hình ảnh là quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ, cụ thể là quy định của Bộ luật Dân sự, theo đó việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Do đó, Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung yêu cầu phải chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng dịch vụ viễn thông di động mà không cần sự đồng ý của người đó là trái với quy định của Bộ luật Dân sự.
“Nghị định là văn bản dưới luật, có giá trị pháp lý thấp hơn Bộ luật Dân sự nên không thể quy định như vậy”, ông Vũ nêu.
Thứ hai, việc sử dụng thuê bao di động bản chất là quan hệ hợp đồng, mặc dù là giao kết hợp đồng theo mẫu nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng - bên yếu thế trong giao dịch này, phải đảm bảo sự bình đẳng, tự nguyện trong giao kết hợp đồng, không thể buộc họ phải chụp ảnh chân dung để nộp cho nhà mạng khi họ không muốn.
Thứ ba, hiện tại thông tin thuê bao cũng đã dựa trên giấy tờ tùy thân của người sử dụng thuê bao, bao gồm số chứng thực cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu. Đối với tổ chức cũng đã có giấy phép thành lập. Do đó, yêu cầu phải chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng dịch vụ viễn thông di động là không thật sự cần thiết.
Theo ông Vũ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sim rác tràn lan là ở khâu “cấp thuê bao” của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, lấy thông tin cá nhân của người này gắn cho người khác chủ yếu là do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã không tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành, không đối chiếu, kiểm tra thông tin cá nhân người dùng khi đăng ký thuê bao…