Nguyễn Cao Kỳ - Người muốn hòa giải
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:20, 26/04/2018
Tôi gặp ông Nguyễn Cao Kỳ lần đầu tiên vào cuối năm 2004, ít lâu sau chuyến trở về “ầm ỹ” trên truyền thông ở cả trong và ngoài nước, sau 29 năm, kể từ khi Sài Gòn sụp đổ.
Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về thăm Việt Nam được nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp - Ảnh tư liệu
Trong chuyến trở về lần thứ hai, ông không chỉ đi cùng với người vợ (thứ ba) là bà Lê Kim. Ông còn dẫn theo ba ông bạn là những doanh nhân Mỹ. Ngoài vai trò làm một nhịp cầu nối giữa “hai miền thiên kiến”, ông còn muốn làm một “nhịp cầu đầu tư”.
Và điểm đến đầu tiên của ông và những người bạn là Tuần Châu, lúc đó cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận qua sự kiện rùm beng “Hoa hậu Việt Nam 2004”, cũng như tiếng tăm, ở nhiều khía cạnh, của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển.
Báo Nikkei (Thời báo Kinh tế Nhật Bản), nơi tôi đang làm lúc đó, vốn không mấy quan tâm đến cuộc đua thông tin nhân chuyến trở về đầu tiên của ông, lại chú ý đặc biệt tới chuyến đi thứ hai. Đó là lý do tôi xuống Tuần Châu để phỏng vấn ông.
Liên lạc trước với cô Võ Hồng Vân, người con riêng của bà Lê Kim, tôi nhanh chóng được gặp ông Nguyễn Cao Kỳ trước buổi chiêu đãi mà ông Đào Hồng Tuyển dành cho đoàn của ông.
Không phải là lần đầu tiên gặp một nhân vật được gọi là “từ phía bên kia”, tôi vẫn thấy hơi lúng túng, trong suốt thời gian ngồi trên xe hơi từ Hà Nội đến Tuần Châu. Bởi dư luận lúc đó có hai chiều trái ngược nhau: hồ hởi, thậm chí đến vồ vập, và dè chừng, nếu không nói là đầy nghi ngại. Tôi lần lượt “nháp” thử trong óc các phương án khác nhau.
Nhưng khi gặp ông, đón cái bắt tay chặt, và ánh mắt nhìn thẳng, bình thản, tôi đã chọn cách tiếp xúc đơn giản nhất. Tôi coi ông như một ông già đáng tuổi cha chú mình (sau này tôi biết ông kém ba tôi hai tuổi), với một quá khứ đại diện phần nào đó cho quá khứ của đất nước này, dân tộc này. Nhưng điều khác biệt ở ông là đã quyết định góp phần xây tương lai ở cái tuổi mà hầu hết những người khác chỉ còn biết hoài niệm về dĩ vãng.
Và trong cuộc phỏng vấn đầu tiên ấy, khoảng chừng một tiếng đồng hồ, tôi đã cố gắng hỏi hết những điều mình thấy quan tâm, chứ không nhất thiết chỉ phục vụ cho bài phỏng vấn, sau đó đăng trên Nikkei. Tôi cũng chọn cách đặt câu hỏi thẳng thắn, không vòng vo, hay tìm cách “gài”.
Và tôi đã được đáp lại tương xứng. Ông không hề né tránh trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Duy chỉ khi kết thúc cuộc phỏng vấn, ông mới cười cười bảo tôi: “Lẽ ra, cậu phải trả tiền cho tôi đấy nhé. Truyền hình Mỹ, hay Nhật, khi phỏng vấn đều phải trả tiền cho tôi đấy.”
“Thế cháu phải trả bao nhiêu, hả chú?”, tôi cũng cười cười hỏi lại, và đổi sang cách xưng hô thân mật.
“Một chai XO”, ông nói gọn lỏn, “nhưng là để tôi uống với cậu”.
“Nhưng cháu chỉ khoái whiskey, chứ không thích cognac”, tôi đáp.
“Vậy thì tôi với anh khó ngồi với nhau rồi, anh bạn phóng viên ạ. Coi như thôi nhé”, ông đứng dậy, và chìa tay ra cho tôi.
Tuy nhiên, tối hôm đó, tôi vẫn có vài lần cụng ly với ông, cũng như tiếp tục trao đổi thêm với ông. Có điều, đó là rượu vang do ông “chúa đảo” mời.
Cũng trong buổi tối hôm đó, chúng tôi được thưởng thức tiết mục độc tấu ghi ta cổ điển, kéo dài chừng 30 phút, của nghệ sĩ Phan Quang Minh – người đi cùng tôi tới Tuần Châu. Chủ nhân bữa tiệc là ông Đào Hồng Tuyển cũng “nổi hứng” hát bài “Mười năm tình cũ” với lời “chế” cho phù hợp với nhân vật Nguyễn Cao Kỳ.
Tôi đã ở lại Tuần Châu suốt một tuần liền, thay vì về ngay từ sáng hôm sau. Lý do là vì ông Đào Hồng Tuyển cho biết ông sẽ thương thảo hợp đồng liên doanh xây dựng sân golf 36 lỗ và khu resort đi kèm với hai “đại gia” từ Mỹ, bạn của ông Nguyễn Cao Kỳ, là Andy Dye và Frank Butler.
Cũng chính vì vậy, tôi có dịp nghe câu chuyện của ông nhiều hơn. Nhất là không phải với chiếc máy ghi âm ở giữa hai người.
Ông kể rằng bài diễn văn ông kêu gọi Tổng thống Bill Clinton bỏ cấm vận với Việt Nam được viết khi ông đang ở Hongkong. Rồi sau đó, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tiếp xúc với ông như thế nào, liên quan đến khả năng và kế hoạch mời ông trở về thăm lại quê hương. Đầu tiên là Tổng Lãnh sự Nguyễn Bá Hùng, rồi Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin, đã cùng ông vừa đi đánh golf vừa trò chuyện ra sao.
(Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Nguyễn Đình Bin, trong cuộc điện thoại trước khi đi Trường Sa với đoàn Việt Kiều, đã xác nhận điều đó với người viết. Ông nói: “Tôi đã nói với ông Nguyễn Cao kỳ và đông đảo Việt Kiều tại Cali về lòng yêu nước của người Việt, và Tổ quốc rất mong đón họ trở về thăm quê. Ông Kỳ đã khóc. Sau đó, chúng tôi đi đánh golf và nói rất nhiều về chuyện đất nước.”)
Rồi ông kể về những người bạn mới ở Việt Nam như Tướng Công an Phạm Chuyên ở Hà Nội, Tướng Võ Viết Thanh ở Sài Gòn, hay ông Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Theo thông tin tôi nghe được lúc đó, dường như những vị này được “phân công” giao du với ông để giúp ông hiểu hơn về một Việt Nam đang thay đổi, và cũng để ông cảm thấy thoải mái hơn tại quê nhà.
Ông kể cả những câu chuyện mà sau này ông viết lại trong cuốn sách viết chung với tác giả Mỹ Marvin Wolf với tựa đề “Buddha’s Child: My Fight to Save Vietnam”. Chẳng hạn, như cha mẹ ông đã phải lên tận Chùa Hương khấn vái để xin sinh được cậu con trai “cầu tự”, như ông, thế nào.
Thú vị nhất là câu chuyện ông đã từng lấy trộm súng lục của người anh rể, lúc đó đi lính cho Nhật, và định trốn lên chiến khu.
“Cơn sốt bất thình lình đã khiến tôi ngất đi, và bị bắt trở lại nhà. Và cuộc đời tôi đã rẽ qua ngã khác”, ông nói, giọng bình thản, nhưng mắt nhướng lên nhìn vào mắt tôi.
Tôi hiểu chứ. Trong nhiều trường hợp, trong cái vòng xoáy của lịch sử, mỗi con người, tùy vào số phận, lại bị văng theo một hướng.
Chẳng hạn, trong khi ông nội tôi và mấy người em như (Chuyên viên cao cấp TTXVN) Hoàng Hỷ, họa sĩ Hoàng Kiệt, (Giáo sư) Hoàng Quý, (Giáo sư) Hoàng Phê, (Giáo sư) Hoàng Tụy, hay (Giáo sư) Hoàng Chúng, tập kết ra Bắc, thì có một người (em kế của Giáo sư Hoàng Tuỵ) do hoàn cảnh riêng, đã ở lại miền Nam, và đeo lon sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Tuần lễ đó đã diễn ra tốt đẹp với việc ông Đào Hồng Tuyển và hai ông bạn người Mỹ của ông Nguyễn Cao Kỳ đã ký tắt thành lập liên doanh xây dựng sân golf tại Tuần Châu, và một số sự án khác ở Nha Trang và Sài Gòn. Trong bữa tiệc chiêu đãi ăn mừng lễ ký, ông Nguyễn Cao Kỳ vui lắm, cười nói luôn miệng.
Rất tiếc, dự án sân golf đó, cũng như một số dự án khác, khi được chính thức trình lên Bộ Kế hoạch – Đầu tư, đã không được cấp phép. Có người nói rằng nguyên nhân chính là do ông Nguyễn Cao Kỳ đã giới thiệu “huyếnh” lên rằng mấy ông bạn là “tỷ phú” Mỹ, nhưng thực sự không phải. Điều này khiến ông Nguyễn Cao Kỳ có phần bị mang tiếng.
Tôi xác nhận điều này. Và tôi cũng là “nạn nhân” khi là người đưa tin trên báo.
Nhưng, theo thông tin tôi có được, thực chất, điều đó không phải là nguyên nhân chính. Nếu có, đó chỉ là cái cớ. Bởi, tuy họ không phải là tỷ phú, nhưng là những người làm sân golf, xây dựng resort chuyên nghiệp. Và đằng sau họ luôn có một nhóm đầu tư tài chính đi cùng.
Sự đổ vỡ của dự án là do câu chuyện rắc rối tài chính liên quan tới một cổ đông trước đó của ông Đào Hồng Tuyển. Và cũng không loại trừ một câu chuyện lợi ích khác, liên quan tới sự phát triển của phần đối diện trên bờ.
Nhưng đó chưa phải cái “tai tiếng” lớn nhất mà ông Nguyễn Cao Kỳ gặp phải, sau những ngày đầu tiên được chào đón “hoành tráng” ở Việt Nam. Hay như người ta thường nói là “mặt trái của tấm huân chương”.
Ngay trước Tết Nguyên Đán năm đó, ông trở thành tâm điểm của giới truyền thông trong nước. Bối cảnh lúc đó không chỉ bó gọn trong câu chuyện hoà giải dân tộc, mà xa hơn nữa, là tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nhiều báo đã có bài phỏng vấn ông, về nhiều chủ đề khác nhau, cho số Xuân của họ. Và nói chung, là một người quen xuất hiện trên truyền thông, không chỉ ở Mỹ, ông đã không làm cho các độc giả của những tờ báo đó thất vọng.
Nhưng có một bài báo đã thực sự gây rắc rối lớn cho ông. Không phải với Việt Nam, mà với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ, những người mà ông đang cố làm cái cầu nối với quê hương mình.
Bài báo đó đã đăng lời ông nhận xét về các đồng đội cũ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà: “Quân đội miền Nam, không có ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh - trở xuống. Trong số những vị cùng vai với tôi, cứ mười ông thì đến mười một ông tham sống sợ chết! Trong khi đó, miền Bắc có trang bị quân số, vũ khí không kém gì, nhưng các ông chỉ huy lại có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, được cấp dưới tin cậy và kính trọng về nhân cách, đó là sự hơn hẳn.”
Lập tức, sự phản ứng ầm ỹ trên các trang mạng hải ngoại.
Tôi cũng không định nhắc lại sự cố “đáng quên” này. Nhưng việc một tờ báo trích đăng lại những câu nói “gây tranh cãi” này, mà không “chua” thêm một lời giải thích có thể tạo thêm những hiểu lầm, hay thậm chí là chia rẽ, không cần thiết, trong bối cảnh mà sự hòa giải dân tộc đang là mục tiêu ưu tiên cao nhất vào thời điểm đó.
Vả lại, ông đã không còn cơ hội để tự thanh minh cho mình ở Việt Nam, như ông đã từng thành công trong cái gọi là “crisis management” (xử lý khủng hoảng) đó ở hải ngoại. Hôm đó, tôi đã chứng kiến ông Nguyễn Cao Kỳ đã chứng tỏ phẩm chất của một cựu chính khách chuyên nghiệp như thế nào, khi ngay lập tức giải thích trên một số tờ báo điện tử tiếng Việt ở hải ngoại.
Sáng hôm sau, khi gặp tôi ở quán phở 24, tại 24 Bà Triệu, nơi ông vẫn hay tới ăn sáng và tán gẫu với mấy người bạn cả mới lẫn cũ, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, ông đã nói với tôi, giọng vẫn chưa hết căng thẳng:
“Tôi biết dân tộc này, đất nước này và những người lãnh đạo muốn tôi đóng vai trò gì, và tôi sẵn sàng làm chuyện đó, bất chấp đây đó có những ý kiến nghi ngờ, thậm chí chê bai, hay chế giễu. Vì điều đó có lợi cho tương lai dân tộc này, đất nước này.
Nhưng việc họ đưa tôi lên báo chí chính thống, nói tôi mạ lị những tướng lãnh đồng đội cũ của tôi thì tôi còn tư cách nào làm việc đó nữa. Như thế khác nào bắt tôi quì dưới chân các vị lãnh đạo Việt Nam.”
Tôi hiểu ông!
Cũng như Tướng Dương Văn Minh gần 30 năm trước thời điểm đó, khi phải quyết định tuyên bố “đơn phương hạ vũ khí”, ông Nguyễn Cao Kỳ cũng cần “bản lĩnh” và “tinh thần dân tộc” thực sự, khi dám quyết định vượt qua những thiên kiến chính trị, và cả “búa rìu dư luận”, để trở về quê hương.
Tôi không chứng kiến cuộc phỏng vấn đó, nhưng tôi biết người thực hiện bài phỏng vấn đó. Hồi ở Tuần Châu, tôi đã từng nghe đồng nghiệp đó “ông ông, con con” rất thân thiết với ông Nguyễn Cao Kỳ. Tôi hình dung rằng đó thực chất là một cuộc trò chuyện bán chính thức, như giữa những người gần gũi, và, trong lúc vô ý, ông đã buông ra những câu nhận xét thiếu cẩn trọng như vậy.
Riêng đồng nghiệp nói trên, tôi biết là một người dễ thương, tử tế. Có điều anh không ý thức được hậu quả của đoạn phỏng vấn đó.
Sau này, tôi vẫn hay cùng đám bạn bè, đồng nghiệp, tranh luận về ông, về sự trở về của ông, tại quán cà phê 15B Trần Hưng Đạo.
Có người nói ông đã thành công trong cuộc “phục thù” về chính trị, khi những người đã “đuổi” ông chạy khỏi đất nước phải mang hoa đón ông trở lại.
Có người nói ông muốn “kiếm tiền” thông qua việc môi giới đầu tư, khi dẫn ra câu nói của ông rằng ông muốn có 3 trang trại ở Bắc – Trung – Nam, để vui thú điền viên với bạn hữu.
Riêng tôi, kể từ lúc đó, qua cảm nhận của riêng mình, vẫn tin rằng mọi việc ông làm, ngoài cái “vai trò người ta muốn ông đóng, và ông sẵn sàng đóng”, ông chỉ mong kiếm được “hai thước vuông đất” ở quê nhà.
Tôi đã từng nghe bà Lê Kim nói: “Cái ông Kỳ này lạ thiệt. Hoa anh đào của Nhật bông to, đẹp, vừa dày bông, như thế, thì ông không thích. Mà lúc nào cũng nhớ, cũng đắm đuối với cái cành đào Bắc, vừa khẳng khiu gầy guộc, bông thì chút chút à.”
Tôi không biết niềm tin của mình, cho đến lúc đang gõ những dòng này, có đúng hay không. Nhưng tôi thực sự vui khi nghe báo chí đưa tin con gái ông, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, đã quyết định đưa ông về an táng tại Việt Nam.
Nếu ở Sơn Tây, quê ông, tôi nhất định sẽ đến thắp nhang cho ông. Mộ ba tôi cũng ở Yên Kỳ, gần đó.
Còn nếu ở miền Nam... Chắc phải đợi khi có dịp…
(Rất tiếc là cuối cùng, vì một số lý do, người nhà ông đã không thực hiện được nguyện ước của ông – yên nghỉ trên mảnh đất quê hương.)
“Qui est Ky?”
Những người quan tâm đến ông, dù cho với thái độ nào, cũng sẽ có câu trả lời cho mình, sớm hay muộn mà thôi.
Như Tướng Phạm Chuyên, khi tôi tình cờ hỏi ông qua điện thoại vào đúng ngày 21.6.2011, rằng có phải ông được phân công tiếp ông Nguyễn Cao Kỳ ở ngoài Bắc không, đã nói chắc như đinh đóng cột: “Cậu nhầm rồi. Tôi chơi với anh Kỳ là hoàn toàn tự nguyện. Anh Kỳ là một nhân cách!”
Huỳnh Phan