Truyền thông Bình Nhưỡng: 'Ngày thống nhất' sắp tới'
Quốc tế - Ngày đăng : 06:18, 28/04/2018
Theo đài KBS của Hàn Quốc, truyền thông Triều Tiên rất hào hứng với kết quả sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm 27.4 đăng bài đánh giá Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 là một sự kiện mang tính lịch sử, được diễn ra nhờ tinh thần yêu nước cháy bỏng và quyết tâm thống nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trang web Dân tộc chúng ta của Ủy ban Thống nhất hòa bình tổ quốc Triều Tiên phục vụ truyền thông tin từ Bình Nhưỡng cho người dân Hàn Quốc, nhắc lại quyết định tham gia Olympic mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cho rằng nhờ quyết tâm của ông Kim mà "ngày thống nhất" sắp tới.
Tân báo Triều Tiên, tờ báo dành cho cộng đồng người Triều Tiên tại Nhật Bản, cũng kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 sẽ là điểm khởi đầu cho một trang sử mới mà bất cứ cường quốc nào cũng không thể đảo ngược lại được.
Trong khi đó, các quốc gia có mối quan tâm đến tình hình bán đảo Triều Tiên đều thể hiện thái độ rất tích cực từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018.
Theo đài NHK của Nhật, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đánh giá những trao đổi giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là bước đi tích cực hướng tới một giải pháp toàn diện cho một loạt vấn đề về Triều Tiên vốn đang bị đình trệ. Ông nói thêm rằng đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc để hiện thực hóa hội nghị thượng đỉnh lịch sử này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể thông qua hội nghị thượng đỉnh dự kiến với Mỹ.
Còn Nhà Trắng thì đưa ra tuyên bố hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngay trước khi hội nghị tiến hành. Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders hôm 26.4 đưa ra tuyên bố khẳng định đây là cuộc hội đàm lịch sử và bày tỏ hy vọng hội đàm sẽ đạt được tiến triển hướng tới hòa bình và thịnh vượng cho Bán đảo Triều Tiên.
Trong tuyên bố, Mỹ đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của Hàn Quốc đồng thời hy vọng tiếp tục tăng cường thảo luận để chuẩn bị cho hội nghị giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra sau vài tuần nữa. NHK đánh giáviệc Nhà Trắng ra tuyên bố ngay trước một hội nghị thượng đỉnh của nước khác không có sự tham gia của lãnh đạo Mỹ được coi là một việc hiếm có.
Kết thúc cuộc gặp cấp cao liên Triều đầy ý nghĩa hôm 27.4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạoTriều Tiên Kim Jong-un đã cùng ký tên và đưa ra Tuyên bố chung mang tên “Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc” tại sân vườn trước Ngôi nhà Hòa bình ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía miền Nam.
Tại đây, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố với 80 triệu người dân trên bán đảo Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế rằng một kỷ nguyên mới của hòa bình, thịnh vượng, không còn chiến tranh nữa, đã ra đời. Như vậy là chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc đã thực sự kết thúc sau 65 năm kể từ khi Hiệp định đình chiến được ký kết vào năm 1953. Để xây dựng thể chế hòa bình vững chắc và vĩnh viễn, hai bên sẽ nỗ lực xúc tiến cuộc gặp ba bên Hàn-Triều-Mỹ hoặc cuộc gặp bốn bên bao gồm cả sự góp mặt của Trung Quốc.
Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí sớm chấm dứt sự chia cắt và đối đầu, một hệ lụy của chiến tranh lạnh, cải thiện quan hệ một cách toàn diện và vượt bậc để sớm đạt được thịnh vượng chung và thống nhất đất nước một cách tự chủ. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh vận mệnh của dân tộc sẽ được chính hai miền Nam-Bắc quyết định. Hai nước cũng nhất trí thực hiện các Tuyên bố liên Triều từng được đưa ra trước đó. Để làm điều này, hai bên sẽ sớm tổ chức các cuộc gặp song phương trong tương lai gần.
Theo Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, hai miền Nam-Bắc sẽ chấm dứt tất cả hành vi thù địch, căn nguyên gây ra xung đột và căng thẳng quân sự trên mặt đất, trên không và trên biển.
Bắt đầu từ ngày 1.5 tới, hai miền Nam-Bắc sẽ dừng mọi hành vi thù địch, như phát loa phóng thanh ở khu vực ranh giới quân sự liên Triều, rải truyền đơn tuyên truyền, biến Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) trở thành một khu vực hòa bình thực sự.
theo KBS