Mỹ cấm dùng điện thoại Huawei, ZTE của Trung Quốc trong căn cứ quân sự

Quốc tế - Ngày đăng : 14:55, 03/05/2018

Điện thoại của hãng Huawei và ZTE sẽ không được phép sử dụng trong mọi căn cứ quân sự của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại những sản phẩm này đem lại mối đe dọa cho quân nhân, thông tin lẫn các nhiệm vụ của quân đội.

Thông tin trên được Lầu Năm Góc xác nhận với trang CNET ngày 2.5. Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm đối phó với hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, vốn bị nghi ngờ có thể theo dõi người dùng, phục vụ cho chính quyền Bắc Kinh.

Theo Dave Eastburn, người phát ngôn Lầu Năm Góc: “Thiết bị của Huawei và ZTE mang đến những rủi ro không thể chấp nhận được cho nhân sự, thông tin và nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng. Cân nhắc đến rủi ro này, việc bán chúng không nên được tiếp tục”.

Nhân viên quân sự Mỹ vẫn được phép mua điện thoại Huawei, ZTE và sử dụng chúng cho mục đích cá nhân bên ngoài căn cứ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đang xem xét ra khuyến cáo về việc sở hữu điện thoại hai thương hiệu này.

Tháng 2 vừa qua, lãnh đạo của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), Cục Điều tra liên bang (FBI) cùng Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đã cảnh báo người dùng không nên mua điện thoại Huawei.

Huawei và ZTE vẫn chưa đưa ra bình luận gì về lệnh cấm của Lầu Năm Góc. Hai hãng này nhiều lần khẳng định thiết bị điện tử của họ không hề đe dọa an ninh Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ vào tháng trước ra lệnh cấm các công ty nước này bán thiết bị cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE trong 7 nămbởi ZTE không tuân thủ thỏa thuận với chính quyền Washington, kỷ luật 35 nhân viên có liên quan đến việc vi phạm lệnh cấm vận, xuất khẩu hàng hóa và công nghệ Mỹ đến Iran.

Trong khi đó, Huawei cũng đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra xem có vi phạm các lệnh cấm vận với Iran như ZTE hay không.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Úc cho biết họ đã ngưng dùng điện thoại Huawei và sẽ tiến đến chấm dứt sử dụng các sản phẩm của ZTE. Ngoài ra, nhân viên của cơ quan này cũng không được dùng nền tảng nhắn tin Wechat của Trung Quốc cho mục đích công việc.

Cẩm Bình (theo CNET)

Cẩm Bình