Huế cần một cuộc 'thay máu' cho Festival
Văn hóa - Ngày đăng : 12:40, 06/05/2018
Lại nói về sự cô đơn
Festival Huế hẳn là một Festival cô đơn nhất Việt Nam, vì chẳng đâu có mô hình như vậy, dù Festival là thuật ngữ không xa lạ trên thế giới. Một Festival quốc tế mang đúng nghĩa và đã đem về không ít màn trình diễn đặc sắc.
Như năm 2012, ca sĩ nhạc coutry Mỹ Mary McBride đã khiến nhiều khán giả đi từ ngỡ ngàng đến đắm đuối khi phiêu hết mình trên sân khấu Đại Nội. Năm 2010, 2012, chàng guitar huyền thoại người Mexico Paco Renteria mang đĩa nhạc Talisman đến Huế, khiến cả đêm nhạc trở thành một đêm Mỹ latinh rực lửa. Cùng năm 2012, ca sĩ Naby người Senegal khiến tất cả khán đài cung An Định bùng nổ điên cuồng. Hay anh chàng DJ Tim Exile đã khiến đêm nhạc thành một tiệc EDM đúng nghĩa, với sự tham gia của toàn bộ khán giả.
Một tiết mục nghệ thuật tại Festival Huế 2018 -Ảnh:festival.baothuathienhue.vn
Năm 2016, màn trình diễn kết hợp ánh sáng của chú rối Lideo của L'Homme Debout với cảnh nền ngay sân Hàm Nghi chắc chắn sẽ là ấn tượng lớn.
Năm 2018 này có “Picassares”, một đêm nhạc Flamenco đặc trưng Tây Ban Nha của tay guitar bậc thầy – người được giới Flamenco Tây Ban Nha gọi là “kẻ sinh ra để chơi guitar” Daniel Casares cùng hai cộng sự Manuel Peralta (ca sĩ), Sergio Aranda (vũ công).
Giữa những lễ hội thừa tính diễn, thiếu độ khám phá, thừa phần lễ, thiếu phần hội trên cả nước, Festival Huế là một điếm đến lạ, và ít ra đã tạo được nét riêng.
Không đâu tạp kỹ như thế
Có điều, khi đã trải qua đến kỳ thứ 10, hơn 20 năm có lẻ, Festival Huế hẳn không thể mãi bài ca thông cảm, mà cần nhìn nhận vào cách thức tổ chức.
Trong buổi họp báo kết thúc Festival Huế 2018, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trường ban tổ chức Festival Huế dẫn Festival Adelaide (Australia) ra như một ví dụ về Festival lớn thành công. Tuy nhiên, Adelaide cũng không tổ chức hết tất cả các hoạt động vào trong vài ngày như thế. Các Festival được chia theo chủ đề vào các cuối tuần hoặc kỳ nghỉ để người dân dễ tham gia. Festival lớn nhất là Adelaide Fringe là một Festival nghệ thuật. Hoặc Adailaide Festival là festival của nhạc EDM…Việc tổ chức sự kiện, tuyển tình nguyện viên cũng được thực hiện vô cùng khắt khe.
Chỉ có Festival Huế đem tất cả “ba thu dồn lại một ngày”. Từ Lễ hội bia, tới giải Quần vợt quốc tế, trình diễn xe cổ, lễ hội Ẩm thực, liên hoan Chầu văn, từ các đêm nhạc quốc tế đến các đêm nhạc truyền thống, từ trình diễn thể nghiệm tới các thể loại hội làng nét xưa như Hương xưa làng cổ hay Chợ quê ngày hội…
Nghệ sĩ trẻ Mai Chung hát hầu văn tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - Ảnh:festival.baothuathienhue.vn
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cũng cho rằng thế là khá nhiều thể loại khác nhau, nhưng lại nhận định là “sự đa dạng”. Tiếc rằng, sự đa dạng này là một điều độc đáo nhưng không hẳn hay. Sự lộn xộn thấy rõ từ việc tổ chức không gian, khi lễ hội bia bị lẫn âm thanh với bài chòi.
Trên tất cả, Festival Huế muốn định hình thành hình thức nào? Khi mọi thứ tạp kỹ đều nằm trong vỏn vẹn vài ngày tổ chức?
Đó là chưa tính tới sự thiếu chuyên nghiệp của dàn âm thanh ánh sáng khi Huế sau hơn 20 năm tổ chức không hề có một bàn tay thiết kế ánh sáng, âm thanh chuyên nghiệp. Loa thùng “khọt khẹt” là điều thường xuyên, ánh sáng cũng hoàn toàn không có kịch bản.
Trò chuyện với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, dễ thấy ngoài những lời cảm ơn lịch sự dành cho Huế, đều bỏ nhỏ về những trục trặc kỹ thuật.
An toàn nên nhạt dần đều
Huế sau 20 năm, đã thể hiện rõ sự cũ trông thấy của một Festival chưa kịp nổi tiếng. Cũ nhất là kịch bản lặp lại đến nhàm chán của các đêm bế mạc và khai mạc.
Năm nay, nếu có khác, chắc nhờ 21 phát đại bác cuối chương trình. Vẫn là những màn múa bê đỡ truyền thống, không sen thì lụa, không áo dài thì nón từ các đơn vị nghệ thuật nhà nước, vẫn là vài bài hát mang tính ca ngợi quê hương theo phong cách thập niên 90.
Nếu nói hiện đại, năm nay Huế đầu tư thêm nhiều hình ảnh drone đẹp mắt hơn mà thôi. Phong cách rườm rà này không phải là phong cách cần thấy ở một Festival tầm quốc tế.
Ở khía cạnh khác, các chương trình diễn xướng cho thấy sự nỗ lực thay đổi của BTC, tiếc là chưa đủ độ.
Sau năm 2016 thiếu vắng các chương trình lớn, Festival Huế được mùa toàn các đêm diễn hoành tráng. Thậm chí với chương trình Văn hiến kinh kỳ, theo lời ông Phan Thanh Hải, đây là chương trình được kỳ vọng sẽ đầu tư lâu dài để thành chương trình đinh đón khách du lịch của Huế. Có điều, “Cũng còn phải biên tập và hoàn thiện để đưa ra hoạt động”, ông Hải thừa nhận.
Một số chương trình lớn còn phải xếp lịch trùng nhau. Nếu so với lịch của những năm 2010, 2012, khi mà Festival kéo dài tới 10 ngày, cứ 2 ngày một đêm diễn xướng lớn thì 2 kỳ trở lại đây, các đêm diễn xướng vội vàng và ít dấu ấn hơn. Một phần lý do là vì những mảng miếng cho các đêm diễn đều đã cũ, được thực hiện bởi những tên tuổi đã quá quen. Gần như Huế không có chỗ cho các gương mặt trẻ để làm các chương trình lớn. Sự an toàn khiến Huế ngày một nhạt trong sân chơi của chính mình.
Đo đếm rõ nhất là ở số lượng khán giả. Năm 2010, khách đến Huế trong 9 ngày Festival là hơn 3 triệu. Năm 2014, Huế đón 2,4 triệu lượt khách từ 12.4 đến 20.4. Bắt đầu rút gọn còn 6 ngày từ 2016, lượt khách còn chưa đến 1 triệu dù tổ chức đúng kỳ nghỉ 30-4, 1-5. Năm nay lượng khách đạt 1,2 triệu, ngay cả khi Festival Huế được tổ chức trọn vẹn trong kỳ nghỉ dài.
Con số cho thấy khách không tăng lên so với cách đây 10 năm là một điều cần nghĩ. Chưa kể con số có đúng không, khi mà luôn có sự chênh lệch số lượng khách tham gia giữa thông cáo báo chí và những bản tin gửi hàng ngày từ chính Trung tâm thông tin Festival Huế.
Để thực hiện được đề án thành phố Festival, rõ ràng Huế cần một cuộc “thay máu”.
Theo Nhân Dân