Lọc hóa dầu Bình Sơn định giá thiếu hơn 5.300 tỉ đồng trước CPH

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:35, 04/05/2018

Sau khi tiến hành kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) xác định thiếu giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa hơn 5.300 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng thêm hơn 4.500 tỉ đồng, tương đương tăng 11,37%.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bốkết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chínhvới Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Kết quảcho biếtBSR không đủ điều kiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, do tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 5 năm (2011 - 2015) thấp hơn lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm được phát hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với tài sản là hiện vật, BSR đã xác định giá trị thực tế của tài sản cố định chưa đầy đủ, KTNN kiến nghị phải điều chỉnh tăng 4.894 tỉ đồng. Trong đó, đối với tài sản là máy móc thiết bị, dây chuyền của hệ thống EPC1 - Các phân xưởng công nghệ và phụ trợ trong nhà máy; EPC2 và 3 - Hệ thống đường ống dẫn, khu bể chứa dầu thô, sản phẩm và trạm xuất sản phẩm; EPC4 - Trạm rót dầu không bến và tuyến ống ngầm dưới biển; Phân xưởng công nghệ Polypropylen và các máy móc thiết bị rời khác, BSR xác định nguyên giá tài sản theo tỷ giá nguyên tệ để tính hệ số trượt giá chung tại một thời điểm là thời điểm bàn giao tài sản đưa vào sử dụng (năm 2010) trượt giá đến thời điểm xác định giá trị DN (31.12.2015) là chưa phù hợp.

Kiểm toán xác định lại nguyên giá tài sản bằng cách xác định tỷ giá nguyên tệ để tính hệ số trượt giá chung là tỷ giá của từng hạng mục công trình tại từng thời điểm hình thành giá trị nguyên giá sổ sách và tính hệ số trượt giá đến thời điểm tổ chức thực hiện định giá (25.10.2016) dẫn đến tăng giá trị thực tế của tài sản tại doanh nghiệp là 4.554 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng xác định giá trị thương hiệu chưa đúng do tính thiếu chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… KTNN đã xác định lại giá trị thương hiệu của BSR tăng 53,7 tỉ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán xác định lại giá trị tiềm năng phát triển của BSR, KTNN đề nghị tăng 363,7 tỉ đồng.

Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, BSR đang đề xuất thoái vốn hoặc chuyển giao vốn tại Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung, Công ty Cổ phần Bảo dưỡng và sửa chữa công trình dầu khí, Công ty TNHH Kho ngầm xăng dầu Dầu khí Việt Nam với tổng giá trị được xác định lại vào giá trị doanh nghiệp là hơn 430 tỉ đồng.

Sau khi tiến hành kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định tổng giá trị thực tế của BSR tăng thêm 5.359 tỉ đồng, tương đương 7,94%; tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng thêm hơn 4.500 tỉ đồng, tương đương tăng 11,37%.

KTNN cũng điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại BSR tăng hơn 51 tỉ đồng; lợi nhuận còn lại sau phân phối phải nộp Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hơn 724 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau phân phối Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí phải nộp ngân sách nhà nước là hơn 434 tỉ đồng.

Trước kết quả kiểm toán trên, KTNN kiến nghị BSR phải điều chỉnh Báo cáo tài chính năm 2015 đối với các nội dung liên quan đến công tác xử lý tài chính và điều chỉnh lại kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở thời điểm 24 giờngày 31.12.2015 để trình cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt...

Tuyết Nhung

tuyetnhung