Tổng thống Armenia ‘sẵn sàng chắn giữa cảnh sát với người phản đối’
Quốc tế - Ngày đăng : 07:14, 06/05/2018
Căng thẳng bắt đầu từ ngày 17.4, Quốc hội Armenia bầucựu Tổng thống Serzh Sargsyan làm Thủ tướng. Ông Sargsyan, 63 tuổi, từng có 10 năm làm Tổng thống Armenia cho đến ngày 9.4.
Nghị sĩ đối lập Nikol Pashinyan lập tức phát động những cuộc biểu tình, phản đối ông Sarksyan “ham hố quyền lực”, thao túng Hiến pháp Armenia, cáo buộc ông Sargsyan điều hành đất nước không hiệu quả và có phần trách nhiệm khiến kinh tế bị suy yếu.
Tổng thống "không muốn ngồi ì trong văn phòng"
Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2015,quyền lực của Tổng thống chuyển cho Thủ tướng, chức Tổng thống chỉ có vai trò nghi lễ, và vị nguyên thủ không can thiệp vào chính trị. Ông Sarkissian từng là Đại sứ lâu năm ở Anh, nên có biệt danh “Nữ hoàng Anh” do ông phụ trách các nhiệm vụ lễ nghi.
Nhưng khi căng thẳng kéo dài, Tổng thống Sarkissian bất ngờ trở thành một nhà trung gian hòa giải quan trọng giữa hai bên. Ông nói: “Rất khó để kéo hai bên ngồi lại với nhau. Tôi đã làm những việc không thường dành cho tổng thống, ví dụ đến với dân. Nhưng bạn không thể làm nhiệm vụ nếu chỉ ngồi ì trong văn phòng”.
Ngày 21.4, Tổng thống Sarkissian đến dựmột cuộc biểu tình ở Quảng trường Cộng hòa tại thủ đô Erevan, và đó là bước ngoặt cho những diễn biến sau đó.
Tại quảng trường, nhiều người, gồm thủ lĩnh đối lập Pashinyan, nghi ngờ vị Tổng thống vẫn được cho là đồng minh của Thủ tướng Sargsyan. Vài người chỉ trích ông có quốc tịch Anh, nhưng Tổng thống Sarkissian nói ông đã có “một trải nghiệm thú vị”tại quảng trường, và quan hệ giữa ông với thủ lĩnh đối lập “mang tính xây dựng”.
Theo báo Independent, vị Tổng thống hứa thu xếp để ông Pashinyan và Thủ tướng Sargsyan gặp nhau ngày 22.4. Ông kể: “Tôi nhấn mạnh với họ chuyện tranh chấp phải giải quyết bằng tinh thần đối thoại và tuân thủ hiến pháp quốc gia”.
Ngày 22.4, Thủ tướng Sargsyan gặp ông Pashinyan, nhưng không đạt đượcthỏa thuận nào. Vài giờ sau, tình hình trở nên mất kiểm soát, khi thủ lĩnh đối lập cùng 2 nghị sĩ và 200 người ủng hộ bị cảnh sát bắt.
Tổng thống Sarkissian nói ông không hoan nghênh động thái này, phản ứng bằng cách lập cuộc họp ngày 23.4 với Thủ tướng Sargsyan và các quan chức cấp caotại tư dinh của ông.
Kết quả cuộc họp là phó Thủ tướng đem trát lệnh thả nhóm bị bắt, và vài giờ sau, Thủ tướng Sargsyan chấp nhận từ chức.
TheoIndependent, cuộc “nổi loạn Cách mạng nhung” của thủ lĩnh đối lập Pashinyan đã không xảy ra đổ máu, phần lớn là công lao làm trung gian hòa giảicủa Tổng thống Sarkissian, người nói ông sẽ đảm nhận chức vụ trong một thời gian.
Ông Sarkissian còn tự nhận ông là “cha già của một đất nước trẻ trung của những người sống sót”. Ông nói: “Chúng tađều phải rút ra bài học từ quá khứ, và tôi sẵn sàng can dự lần nữa nếu mọi sự không ổn thỏa. Tôi sẵn sàng đứng chắn giữa cảnh sát và người phản đối nếu tôi phải làm thế”.
"Con người phức tạp hơn game điện tử"
Ngày 8.5 tới, Quốc hội Armenia sẽ bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới lần thứ hai, nhiều khả năng sẽ đưa thủ lĩnh đối lập Pashinyan lên chức vụ này. Vấn đề ở chỗ ông này cần có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa cầm quyền vốn đã tuyên bố không cử ứng cử viên nào.
Tại Quốc hội Armenia, đảng Cộng hòa chiếm 58/105 ghế. Ở vòng bỏ phiếu thứ nhất ngày 1.5, ông Pashinyan cần đến 6 phiếu ủng hộ của đảng Cộng hòa nhưng chỉ nhận được 1 phiếu. Tổng kết quả bỏ phiếu là chỉ có 45 phiếu thuận ông làm Thủ tướng mới, nhưng có đến 55 phiếu chống.
Sau vòng bỏ phiếu thứ hai, nếu Quốc hội Armenia vẫn chưa thể chọn Thủ tướng mới, thì sẽ phải tổ chức bầu cử sớm, vì đến năm 2022 mới có thể tổ chứ bầu cử quốc hội Armenia chính thức.
Nhưng giới quyền thế ở Armenia vẫn còn nắm nhiều quyền lực, các quan chức tham nhũng vẫn kiểm soát hệ thống bầu cử Armenia, nên đảng Cộng hòa dù bị mất thủ lĩnh trong tương lai gần sẽ tìm mọi cơ hội phản công.
Tổng thống Sarkissian nói về những thách thức đang bày ra trước mắt vị lãnh đạo “Cách mạng nhung”: “Cựu nhà báo Pashinyan đã chứng tỏ là một chính khách rất tài năng, nhạy bén nắm được tư tưởng quần chúng. Nhưng điều hành chính phủ lại là một thách thức hoàn toàn khác. Ông ấy sẽ phải trả lời tất cả các câu hỏi dành cho ông ấy, và nhân dân sẽ phải nhận thức rằng không thể làm sáng tỏ trắng - đen trong một sớm một chiều”.
Ông Sarkissian cũng từng là một nhà khoa học, có công giúp phát triển trò chơi điện toán Tetris, nhưng ông nói trong “cuộc thay đổi dân chủ” ở Armenia, ông không thể nào dùng thuật toán để đoán trước: “Con người không phải là máy. Loài người phức tạp hơn”.
Bích Ngọc (theo Independent)