Các bị can vụ nâng khống máy xét nghiệm ở CDC Hà Nội tự nguyện nộp lại tiền

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:38, 05/05/2020

Về vụ án tại CDC Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho hay, bước đầu công an xác định các bị can cùng các công ty đã cấu kết, thông đồng, nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 lên gấp 3 lần. Những người này đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục hậu quả và nộp lại số tiền.
Cơ quan công an xác định các bị can nâng gấp 3 lần giá trị máy xét nghiệm - Ảnh minh họa

Nâng khống máy xét nghiệm COVID-19 gấp 3 lần

Về vụ việc xảy ra tại CDC Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết ngày 22.4, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự về Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại CDC Hà Nội, đồng thời khởi tố 8 bị can, bắt 7 bị can, 1 bị can được tại ngoại.

Theo ông Quang, bước đầu công an xác định các bị can cùng các công ty đã cấu kết, thông đồng, nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 lên gấp 3 lần. Những người này đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục hậu quả và nộp lại số tiền.

Ông Quang cho hay, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; đồng thời, thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, nhất là mua sắm máy thở. Khi thanh tra Bộ Y tế hoặc thanh tra các tỉnh thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan công an sẽ tiếp nhận, xử lý theo quy định.

Liên quan đến Vụ án Đường “Nhuệ”, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, qua theo dõi từ năm 2010 đến nay, lực lượng Công an Thái Bình đã xử lý nhiều đối tượng có mối quan hệ với Đường “Nhuệ”. Tuy nhiên, người này rất tinh vi, phần lớn các vụ việc, Đường “Nhuệ” không ra mặt cho nên không có đủ căn cứ để bắt. Quá trình thu thập thông tin về đối tượng này rất khó khăn.

Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định, đây là băng nhóm có tổ chức, núp dưới danh nghĩa của doanh nghiệp, che mắt bằng mác doanh nhân thành đạt, có nhiều hoạt động từ thiện. Phương thức, thủ đoạn của nhóm tội phạm này rất tinh vi, xảo quyệt.

Quá trình điều tra, lực lượng Công an phải phát động tinh thần tự giác tố giác tội phạm của người dân thì mới đủ căn cứ để thu thập thông tin về Đường “Nhuệ”.

Về nghi vấn bảo kê, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Thái Bình mở rộng điều tra, quyết không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm.

Có ý kiến cho rằng để Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình xử lý vụ việc này sẽ không khách quan, Thứ trưởng Lương Tam Quang thông tin, Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Công an TP.Thái Bình mở rộng điều tra, việc này là đúng theo quy định.

“Chúng tôi cũng hướng dẫn, hỗ trợ Công an Thái Bình trong điều tra vụ án này. Các điều tra viên phải đảm bảo sự công tâm. Chúng tôi kiên quyết đảm bảo thượng tôn pháp luật, không chịu sự ảnh hưởng của bất kỳ thế lực nào”, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.

Có hay không khuất tất trong nhập khẩu thịt lợn?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5.5, các phóng viên đặt câu hỏi về việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn, trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức rất cao. Đại diện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) không có mặt để trả lời.

Trả lời báo chí vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ chế quản lý giá thịt lợn theo cơ chế thị trường và cơ chế cung-cầu. Thời gian qua giá thịt lợn tăng rất cao, về vĩ mô sẽ ảnh hưởng tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và cân đối của nền kinh tế, về vi mô ảnh hưởng tới đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông cho biết dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên nhiều nơi chưa tái đàn. Nhiều gia đình cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đàn, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con. Đàn lợn 2019 giảm 21% so với 2018.

Theo báo cáo của một số địa phương, đàn lợn có thể đã giảm 50%. Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Hải cho biết chỉ có 2 cách khắc phục là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong một thời gian ngắn có thể hoàn thành.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thịt lợn trong thói quen tiêu dùng được người dân sử dụng rất nhiều, thế mạnh của thịt lợn tiện trong chế biến với nhiều món ăn hợp khẩu vị người Việt. Tuy nhiên, thời gian qua là vấn đề cung-cầu, trong đó nguồn cung rất thiếu.

“Thủ tướng và Ban chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn để bù đắp thiếu hụt, nhưng đến hết tháng 4 mới nhập khẩu được 45.000 tấn”, ông Hải thông tin và cho biết các doanh nghiệp nhập khẩu phải đảm bảo về chất lượng thịt lợn nhập và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các thủ tục trước nhập khẩu liên quan trực tiếp tới Bộ NN-PTNT xử lý. Từ nay đến cuối năm, hy vọng sẽ bình ổn được giá thịt lợn.

Về việc một số doanh nghiệp có thị phần lớn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn (35%) đang độc quyền cung ứng thịt lợn, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã tiến hành kiểm tra và không phát hiện vi phạm thống lĩnh thị trường, trong đó Công ty CP của Thái Lan chiếm 20% thị phần cả nước.

“Đáng nói, giá công bố của doanh nghiệp là khoảng 45.000-50.000 đồng/kg nhưng giá bán ra lên tới 80.000 đồng/kg, Chính phủ đã có ý kiến, và giá được hứa giảm xuống 70.000 đồng/kg, tuy nhiên thịt lợn tới tay người dân vẫn ở mức giá cao”, ông Hải nhấn mạnh.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Bộ cũng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp.

“Thịt lợn đang gặp thách thức về thói quen tiêu dùng, vì người Việt Nam không quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, vì thế các doanh nghiệp không dám nhập nhiều vì sợ lỗ”, ông Phương nói và cho rằng để tái đàn lợn phải có giống sạch, thời gian nuôi lợn phải mất khoảng 4 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng, vì vậy đó cũng là những khó khăn.

Lam Thanh