Hội nghị T.Ư 7: Chặn đứng tình trạng cán bộ suy thoái

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:51, 08/05/2018

Ngày 8.5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 bước sang ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp.

Buổi sáng, Trung ương làm việc tại hội trường thảo luận về Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. ÔngNguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận.

Đề án xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, đến năm 2020, thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; triệt để chống chạy chức, chạy quyền và chặn đứng tình trạng suy thoái; cơ bản thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ cán bộ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.

Đề án xác định 2trọng tâm và 5đột phá để thực hiện đồng bộ 8nhiệm vụ, giải pháp. Hai trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Năm đột phá là: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chứcchạy quyền. Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm. Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến phong phú, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo Đề án. Các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Các ý kiến đều đánh giáĐề án được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, công phu, toàn diện và đồng bộ, có tính tổng kết thực tiễn cao, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương... có nhiều đề xuất đột phá, đổi mới. Các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao.

Từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được, phân tích thẳng thắn, sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Phân tích, dự báo tình hình, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cán bộ trong bối cảnh mới, các đại biểu đã thảo luận, bày tỏ thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế tồn tại, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Các đại biểu tập trung thảo luận nhữngnội dung: Phẩm chất, năng lực của cán bộ; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; chủ trương thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; công tác đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; yêu cầu đào tạo cán bộ trong bối cảnh hội nhập; công tác đánh giá cán bộ; chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp; vấn đề phân cấp, phân quyền; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan liên quan đến công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát của Đảng về công tác cán bộ. Các ý kiến đều nhất trí cao về sự cần thiết ban hành một nghị quyết mới về công tác cán bộ, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cần chú ý hơn vấn đề tổ chức thực hiện, có kế hoạch thực hiện cụ thể, quyết liệt đưa nghị quyết vào cuộc sống...

Bố trí Bí thư cấp tỉnh -huyện không phảingười địa phương

Thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thể hiện sự đồng tình cao với mục tiêu bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương được xác định trong đề án. Tuy nhiên, cần thực hiện có lộ trình, có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, yếu tố vùng, miền, yếu tố văn hóa...Đồng thời cần cơ chế, chính sách rõ ràng đối với cán bộ luân chuyển để họ yên tâm công tác... Có ý kiến nêu vấn đềbí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì có phải bầu không và nếu bầu thì bầu như thế nào.Khi bố trí bí thư cấp ủy cần chú ý cả chủ tịch UBND cùng cấp bởi đây là một cặp rất quan trọng, cần có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành sau này.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến, người địa phương thường có mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, đồng nghiệp… nên nhiều khi khó xử, dễ bị rơi vào tình trạng nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đồng tình cao với chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Theo Bộ trưởng Thể, chủ trương này chính là một phương pháp để kiểm soát quyền lực tốt hơn, bởi vì bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì sẽ ít những mối quan hệ gia đình, dòng tộc.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng không phải người địa phương sẽ khó khăn trong việc nắm địa bàn, nắm lòng dân. Lấy trải nghiệm từ bản thân, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến thấy rằng việc đi làm bí thư của huyện khác "thuận hơn so với thiếu hụt phải tìm hiểu" và nhấn mạnh những sự thiếu hụt về địa bàn dân cư thì tự mình có thể tìm hiểu, bù đắp được, nhưng vấn đề tình cảm thì thực sự khó. Từ những thực tế đã kinh qua, kinh nghiệm của bản thân, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến ủng hộ chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số

Các ý kiến đều nhất trí với mục tiêu tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; đồng thời phải sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng. Lấy dẫn chứng Tuyên Quang, Yên Bái là 2 địa phương từng ở công tác, ôngChiến cho rằng phải thấm nhuần chủ trương của các lớp lãnh đạo đi trước là khi đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, phải có sự so sánh nữ với nữ, trẻ với trẻ và người dân tộc với người dân tộc, từ đó lựa chọn người nổi trội hơn để đào tạo, bồi dưỡng và sẽ trưởng thành. "Một tập thể có nam, có nữ, có già, có trẻ, có người kinh, có người dân tộc, thì sẽ tạo được tính đa dạng và đồng thuận rất cao”, ông Chiến nói.

Về việc tiếp tục nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số chủ trương, nhiều ý kiến nhất trí với việc cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu để bổ nhiệm cấp phó của mình, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành sau này. Nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã, tạo điều kiện để nhân dân giám sát quyền lực, đồng thời tăng cường trách nhiệm của chủ tịch xã trước nhân dân... Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc lựa chọn thí điểm một số chủ trương, trên cơ sở bảo đảm tính khả thi, cũng như sự tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật.

Chú trọng khâu tổ chức thực hiện nghị quyết

Các ý kiến đóng góp tập trung vào những vấn đề Tổng bí thư gợi mở trong phiên khai mạc, đi sâu phân tích, làm rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài; những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Các ý kiến nhất trí cao với việc ban hành một nghị quyết mới về công tác cán bộ. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến đóng góp về công tác tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống, bởi đây là khâu yếu nhất từ trước đến nay.

Xác định đâu là khâu đột phá trong công tác bộ, có ý kiến cho rằng đổi mới công tác đánh giá cán bộ là một trọng tâm của công tác cán bộ hiện nay, trong Đề án đã nêu rõ đánh giá cái gì, đánh giá như thế nào, nhưng cần cụ thể hóa ở từng cấp, từng ngành để triển khai thực hiện.

Nhiều ý kiến đề cập sâu sắc việc kiểm soát quyền lực, làm thế nào để khắc phục cho được tình trạng "chạy chứcchạy quyền", "thân quen, cánh hẩu", quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai, “nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp".

Buổi chiều, Trung ương làm việc tại tổ thảo luận về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo TTXVN/Tin tức

TTXVN