Nên bãi nhiệm ĐBQH với bà Mỹ Thanh thay vì cho thôi nhiệm vụ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:03, 09/05/2018
Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa nhận được đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Vì bà Thanh thuộc diện cán bộ quản lý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư nên việc này phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét việc cho thôi hay bãi nhiệm bà Thanh.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đã là đại biểu quốc hội mà không còn đủ tư cách, bị kỷ luật thì phải bãi nhiệm chứ không thể chỉ cho thôi. Vừa qua có mấy trường hợp cho thôi, rất nhẹ nhàng.
“Trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh thì phải bãi nhiệm. Đảng đoàn Quốc hội cần xem xét việc bãi nhiệm. Trong không khí này, cần phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, minh bạch để người dân thêm lòng tin”, ông Vũ Mão nói.
Theo Điều40, Luật Tổ chức Quốc hội, việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội được tiến hành khi đại biểu quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Bên cạnh đó, trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Trước đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng cách cắt hết chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà này theo quy định của pháp luật.
Ban Bí thư nhận định, trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1.2009, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai.
Với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thời gian từ tháng 6.2011 đến tháng 9.2014), bà Thanh đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án.
Bà Thành cũng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND, ngày 21.7.2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Bà Thanh còn ký một số quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực mình phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình.
Bà Thanh nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí có lần xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định.
Những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh được đánh giá là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân cán bộ này.
Lam Thanh