Lại thêm ngân hàng tăng phí rút tiền qua máy ATM

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:51, 09/05/2018

Sau 5 năm giữ nguyên mức phí, 3 ngân hàng quốc doanh lớn là Vietcombank, VietinBank Agribank mới đây thông báo sẽ tăng phí rút tiền ATM nội mạng.

Ngày 9.5, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có thông báo chính thức về việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng khi chủ thẻ rút tiền tại máyATM của Vietcombank.

Theo đó, phí mà khách hàng là chủ thẻ sẽ phải chịu sẽ tăng thêm 500 đồng, tương đương mức 1.650 đồng/giao dịch (đã tính thuế VAT). Mức phí này ngang với mức tăng của Agribank. Còn phí rút tiền tại quầy của ngân hàng sẽ là 5.000 đồng/giao dịch.

Trong khi đó, VietinBank đã đưa ra 2 mức phí rút tiền tại máy ATM của chính ngân hàng áp dụng cho các dòng thẻ khác nhau. Thẻ Gold, Pink-Cardsẽ chịu mức phí là 2.200 đồng/giao dịch (sau thuế), với dòng thẻ C-Card, S-Card mức phí là 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế).

Tương tự như Một Thế Giới đã đưa tin vài ngày trước, kể từ12.5, Agribanktăng phí rút tiền nội mạng từ 1.000 đồng lên 1.500 đồng/giao dịch. Nếu tính thêm VAT, chủ thẻ phải trả 1.650 đồng/giao dịch. Bên cạnh đó, Agribank còn tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/giao dịch.

Như vậy, 3 ngân hàng quốc doanh lớn nhất đã tăng phí rút tiền nội mạng sau 5 năm giữ mức phí này đứng yên. Việc này kéo theo hàng triệu chủ thẻ sẽ phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.

Trước đó, từ tháng 3.2018 đến nay, Vietcombank đã 2 lần điều chỉnh một số loại phí, như nâng mức phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng. Mức phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng của nhà băng này cũng tăng lên 5.500 đồng/lần, thay vì áp mức phí chung là 3.300 đồng/lần như trước đây. Chưa kể, Vietcombank còn lần đầu áp dụng thu phí quản lý tài khoản thanh toán với mức 2.200 đồng/tháng.

Không kém cạnh, Eximbank cũng thu phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống và khác địa phương là 0,05% số tiền. DongA Bank thì áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống và khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch. VIB cũng bắt đầu thu phí nhiều dịch vụ trước đây được miễn phí.

Nhận định về lý do các ngân hàng tăng phí rút tiền ATM nội mạng, chuyển khoản liên ngân hàng, chuyên gia kinh tế - tài chính LS.TS Bùi Quang Tín cho rằng việc này nhằm bù đắp chi phí, giúp ngân hàng duy trì đầu tư hệ thống và góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng hưởng lợi nhiều khi tăng những chi phí này. Cụ thể thời gian qua, khi đề ra kế hoạch kinh doanh, các ngân hàng đều hướng nguồn thu sang dịch vụ, chuyển thu nhập từ lãi sang từ phí nên nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng các loại phí liên quan đến thẻ, ATM, ngân hàng điện tử... Hầu hết các ngân hàng cho rằng ATM là tiện ích nên khách hàng phải trả phí khi sử dụng tiện ích, thế nhưng không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng cũng hưởng lợi với các dịch vụ này.

“Với việc đầu tư hệ thống ATM, các ngân hàng giảm được chi phí hoạt động do giảm giao dịch trực tiếp với khách hàng, hạn chế phải mở phòng giao dịch, giảm bớt nhân viên giao dịch với khách, giấy tờ in và hàng loạt chi phí khác.

Chưa kể, chủ thẻ luôn duy trì số dư nhất định trong tài khoản, các ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn này để kinh doanh. Do đó, thay vì tăng đại trà như phí rút tiền nội mạng, phí Internet Banking... rất dễ vấp phải sự phản ứng, các ngân hàng nên cung cấp gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính để từ đó thu phí”, ông Tín nhận định.

Phan Diệu

Phan Diệu