Chủ tịch VAMC: Sẽ mua 3.500 tỉ đồng nợ xấu theo cơ chế thị trường
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:47, 11/05/2018
Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết Nghị quyết 42 đã thay đổi tư duy về nợ xấu. Trước đây, suy nghĩ nợ xấu là của ngành ngân hàng, nợ xấu từng gắn với một tư duy như mặc định: nợ xấu ngân hàng, nợ xấu của ngân hàng, do ngân hàng và tự ngân hàng phải trả giá, phải tự chịu trách nhiệm và tự mà xử lý. Tuy nhiên, với Nghị quyết 42, tư duy của nhà lập pháp đã thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế. Từ nhận thức nợ xấu là của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương các cấp đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu.
Từ đó, khi Nghị quyết 42 ban hành và có hiệu lực, điều đầu tiên là đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả.
Ông Nguyễn Tiến Đông khẳng định, từ khi có Nghị quyết 42, những vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành ngân hàng nói chung được tháo gỡ nhiều. Đầu tiên là vướng mắc về trách nhiệm pháp lý của người cho vay. Lâu nay, khi quan hệ dân sự vay trả tới hồi thu không đủ nợ gốc và cả lãi thì dễ phát sinh chuyển thành quan hệ hình sự. Nghị quyết 42 cho phép bán dưới giá trị và cũng tạo động lực lớn cho các ngân hàng cũng như VAMC trong xử lý.
Chủ tịch VAMC cho hay, trước đây, cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1 - 2 khách thiện chí làm việc với TCTD hay VAMC. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 42, có một số hành lang pháp lý cho phép VAMC được làm, các TCTD được phép làm, như tiến hành thu giữ tài sản khi khách hàng vi phạm cam kết, khi đã được hỗ trợ trong phạm vi có thể của VAMC mà khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ đã cam kết thì VAMC tiến hành thu giữ tài sản. Điều này được địa phương, các ngành ủng hộ, vì vậy tạo ý thức tốt với khách hàng.
"Có khách hàng mới nhận giấy mời lên làm việc đã phải đem tiền đến trả. Nhiều trường hợp, chúng tôi chưa cần làm đến cùng các biện pháp theo các phương án, khách hàng đã tự giác và đã xử lý được nợ. Đây là điều rất tốt trong giai đoạn hiện tại và sau này. Tức là vay trả sòng phẳng hơn rất nhiều và thị trường hơn rất nhiều", ông Nguyễn Tiến Đông dẫn chứng.
Ông Đông cho biết từ ngày 15.8.2017 khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp rưỡi so với các thời kỳ trước. Đặc biệt, Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ hơn 1 quý trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây.
"Sau Nghị quyết 42, năm 2017, VAMC cùng với các TCTD đã thu hồi nợ xấu được khoảng 37.000 tỉ đồng, gần bằng một nửa so với 3 năm trở lại đây", ông Nguyễn Tiến Đông thông tin thêm.
Năm 2018, Chủ tịch VAMC cho biết sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Bên cạnh đó cũng sẽ tổ chức phân tích, phân loại các loại khoản nợ 10 tỉ đồng trở lên, gắn với đó là tiến hành mua đứt bán đoạn, tức là mua theo cơ chế thị trường. Năm nay, trong kế hoạch với 2.000 tỉ đồng, VAMC sẽ quay gần 2 vòng, tức mua 3.500 tỉ đồng.
Đưa ra những kiến nghị đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong thời gian tới, TS Cấn Văn Lực đưa ra 4 đề xuất.
Thứ nhất, hiện nay xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo vẫn vướng ở khâu thuế, cụ thể thuế chuyển nhượng tài sản. Thứ hailàphát triển thị trường mua bán nợ. Bởi muốn phát triển thị trường nợ xấu hay nợ bình thường sau này mà theo giá thị trường thì phải có thị trường. Hiện vẫn chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự.
Thứ ba là cần sớm tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Tín dụng tăng trưởng liên tục khoảng 15 - 17% trong năm qua nhưng vốn chủ sở hữu chỉ tăng được 8 - 9%. Cuối cùng là cần thận trọng trong việc tăng trưởng tín dụng.
Tuyết Nhung